Báo chí quốc tế: Khẳng định sự ổn định chính trị và kinh tế tại Việt Nam

Sự ổn định chính trị được đánh giá cao
Báo chí quốc tế: Khẳng định sự ổn định chính trị và kinh tế tại Việt Nam

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế và phần lớn đều có chung nhận định đây là bước chuyển tiếp quan trọng của Việt Nam. Kết quả Đại hội cho thấy rõ nét tinh thần tích cực đổi mới theo hướng bảo đảm công bằng xã hội, thịnh vượng, bền vững, bất chấp bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Triển vọng kinh tế Việt Nam được đánh giá cao

Sự ổn định chính trị được đánh giá cao

Theo phóng viên TTXVN tại New York (Mỹ), hầu hết các tờ báo lớn ở Mỹ đều nhận định rằng cuộc chuyển giao ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa cho thấy rõ sự ổn định chính trị tại quốc gia Đông Nam Á này. Bài viết trên tờ New York Times dẫn lời ông Frederick Burke, đối tác quản lý cho Việt Nam tại công ty luật Baker & McKenzie của Mỹ, nhận định thành công của Đại hội Đảng XII là điều đáng khích lệ vì nó cho thấy rõ sự ổn định chính trị và sự “thượng tôn pháp luật” tại Việt Nam.

Với tiêu đề “Đại hội lần thứ XII”, đăng trên báo Rincon de Orinoco (Venezuela), nhà báo Angel Miguel Bastidas nhận định Đại hội lần này của Đảng Cộng sản Việt Nam là một sự kiện chính trị quan trọng, đưa ra những quyết sách lớn và kế hoạch xây dựng đất nước trong 5 năm tới, với mục tiêu quyết tâm đưa Việt Nam sớm trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại. Còn ông Carlos Alzugaray, cựu Đại sứ Cuba tại nhiều nước Liên minh châu Âu, đồng thời là nhà ngoại giao và nghiên cứu quan hệ quốc tế kỳ cựu của Cuba nhận định “Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ đánh dấu bước chuyển tiếp quan trọng của xã hội Việt Nam thành một xã hội hiện đại, thịnh vượng, bền vững và đồng đều”. Báo Manila Times nhận định, sau khi có sự chuyển đổi lãnh đạo, Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập vào kinh tế toàn cầu và theo đuổi hợp tác an ninh với Nga, Ấn Độ và các nước láng giềng Đông Nam Á.

Ngày 28-1, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), Chủ tịch Tập Cận Bình đã gửi thư chúc mừng sau khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Tập Cận Bình cho rằng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật kể từ đầu thế kỷ 21 trong công cuộc kiến thiết và đổi mới. Ông nhận định Việt Nam có nền chính trị ổn định và tốc độ tăng trưởng kinh kế nhanh, đời sống nhân dân được cải thiện. Chủ tịch Trung Quốc cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam sẽ đạt được những tiến bộ hơn nữa trong sự nghiệp kiến thiết và đổi mới xã hội.

Cùng ngày, Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) Gennady Andreevich Zuganov đã chúc mừng thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Zuganov nhấn mạnh, trong những năm gần đây, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để cuộc sống của mỗi người lao động, mỗi người dân Việt Nam trở nên tốt đẹp và giàu có hơn. Ông bày tỏ tin tưởng rằng trong tương lai, Việt Nam sẽ giành được vị trí rất đáng tự hào trong nền kinh tế thế giới.

Triển vọng kinh tế

Các chuyên gia quốc tế đánh giá tích cực về nỗ lực cải cách, mở cửa của Việt Nam và cho rằng Việt Nam nên tận dụng thời cơ hiện nay để trở thành trung tâm xuất khẩu hàng đầu châu Á. Tờ The Wall Street Journal cho rằng kết quả Đại hội phát đi tín hiệu rằng Việt Nam sẽ tiếp tục mở cửa nền kinh tế để tham gia tích cực thương mại toàn cầu.

Theo bình luận của Bloomberg, trong khi các nền kinh tế đang nổi trên thế giới như Nga, Brazil và Trung Quốc đang giảm tốc, mức tăng trưởng kinh tế gần 7% mà Việt Nam đạt được trong năm 2015 sẽ đưa quốc gia này trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Theo ước tính của Bloomberg, kinh tế Việt Nam trong năm 2016 có thể tăng trưởng 6,7%, tương đương mức năm 2015.

Báo Les Echos của Pháp nhận định thị trường tài chính Việt Nam sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài do Việt Nam không chỉ đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà còn đã ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong khi đó, báo Japan Times của Nhật Bản cho rằng dự thảo mới nhất của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới của Việt Nam thừa nhận tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, kêu gọi đẩy nhanh tiến trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và bài trừ tham nhũng. Tờ báo dẫn nhận định của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng nếu đạt được các mục tiêu về GDP bình quân đầu người và tăng trưởng GDP đạt 7%/năm trong giai đoạn 5 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chuyên gia kinh tế châu Á - Thái Bình Dương Rajiv Biswas của hãng IHS Global Insight cũng nhận định ban lãnh đạo sắp tới của Việt Nam cần nắm bắt cơ hội hiện nay để biến Việt Nam thành một trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu quan trọng của châu Á. Trong đó, việc tiếp tục đẩy mạnh tự do hóa nền kinh tế và nâng cao khả năng của nền kinh tế cạnh tranh là rất quan trọng.


HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục