Đơn phương xây đảo, hủy hoại môi trường biển là tội ác quốc tế

Thay đổi hiện trạng: hệ quả sẽ tiêu cực

Tính phức tạp và những mối nguy từ hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc được các diễn giả trong và ngoài nước thẳng thắn nêu ra tại hội thảo quốc tế về “Xây dựng công trình nhân tạo trên biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại của khu vực” do Hội Luật gia Việt Nam và Trường Đại học Luật TPHCM tổ chức ngày 25-7.

Thay đổi hiện trạng: hệ quả sẽ tiêu cực

Sự tham dự của hơn 200 đại biểu là những học giả, chuyên gia trong và ngoài nước tại hội thảo cho thấy độ nóng, tính thời sự của hành vi xây dựng đảo nhân tạo trên biển Đông của Trung Quốc trong những ngày này. Nhìn chung, đa số các ý kiến tham gia hội thảo quốc tế này của các học giả đều xoáy vào việc cần phải làm sáng tỏ các quy định của Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982; việc xây dựng công trình nhân tạo trên biển, cũng như tác động từ việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trên biển Đông đối với hòa bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực.

Giáo sư Tiến sĩ Erik Franckx, Trưởng khoa Luật quốc tế và Luật châu Âu Đại học Vrije Universiteit  Brussels - Vương quốc Bỉ, trọng tài viên của Tòa trọng tài thường trực quốc tế La Hay (Hà Lan), chỉ rõ: Các đảo nhân tạo chỉ được hưởng một “vùng an toàn hợp lý” xung quanh chúng được quy định bởi Công ước UNCLOS 1982, vốn thông thường không được vượt quá 500m. Mặt khác, thẩm quyền của quốc gia ven biển trong vùng an toàn theo đó không phải tùy nghi, mà vì lợi ích được bảo vệ không chỉ là mối quan tâm đối với bản thân các đảo nhân tạo mà còn đối với hoạt động hàng hải.

Ở một góc nhìn khác, Tiến sĩ A. Ponkina Alena, giảng viên ĐH Luật Kutafin, Liên bang Nga cho rằng, các đảo nhân tạo là sự đe dọa nghiêm trọng đối với sự tự do hàng hải và đánh bắt cá, hoặc có thể gây ra những xung đột vũ trang quốc tế trầm trọng. Nguy cơ các đảo nhân tạo hủy hoại môi trường biển có thể là tội ác quốc tế.

Tiến sĩ Ngô Hữu Phước, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, Khoa Luật quốc tế (ĐH Luật TPHCM), cho rằng, hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc làm cho tiến trình giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia liên quan trên biển Đông ngày càng bế tắc; làm cho tranh chấp trên biển Đông, đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến quần đảo Trường Sa ngày càng phức tạp và nguy hiểm.

ASEAN cần mạnh mẽ hơn

Theo Tiến sĩ Trần Thăng Long, Phó trưởng Bộ môn Anh văn pháp lý, giảng viên Công pháp quốc tế, ĐH Luật TPHCM, việc kêu gọi hợp tác khu vực và quốc tế giữa các quốc gia liên quan đóng vai trò quan trọng. Cùng với đó, sự đấu tranh của dư luận tiến bộ trên thế giới cũng sẽ là một kênh đấu tranh quan trọng.

PGS-TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch hội đồng Viện Nghiên cứu Khoa học biển và hải đảo cho rằng, Việt Nam cần củng cố và phát huy nội lực của mình, tận dụng mọi nguồn lực, trong đó cần triệt để sử dụng công cụ chính trị - pháp lý;  thúc đẩy sự hợp tác, thống nhất và vai trò của ASEAN; đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các quốc gia ngoài khu vực như Nhật Bản, Astralia, Ấn Độ, Nga, EU và đặc biệt là với Hoa Kỳ.

Giáo sư Batongbacal (Philippines) đề cập đến những biện pháp tạm thời nhằm chống lại các hành vi đơn phương của Trung Quốc trên biển Đông. Các biện pháp tạm thời có thể được áp đặt bởi một cơ quan tài phán trọng tài quốc tế. Ông Anup Singh, Phó đô đốc, nguyên Tổng tư lệnh Lực lượng hải quân miền Đông Ấn Độ, cho rằng: Trong bối cảnh này, cách duy nhất để đưa đến hòa bình và ổn định đó là các bên tranh chấp cần tìm kiếm công lý thông qua các thiết chế tài phán quốc tế. Mặt khác, các ASEAN cần có tiếng nói chung mạnh mẽ hơn nữa về vấn đề này, vì lợi ích chung của khu vực.

VÂN ANH 

Tin cùng chuyên mục