Tranh chấp biển Đông cần tuân thủ luật quốc tế

Tranh chấp biển Đông cần tuân thủ luật quốc tế

Đối thoại Shangri - La 14

Tối 29-5, Hội nghị Thượng đỉnh an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, còn gọi là Đối thoại Shangri - La 14 (SLD 14) khai mạc tại Singapore. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh hội đàm với Phó Tổng Tham mưu trưởng quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc.

Đánh giá an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Theo thông tin từ trang chủ của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), tại hội nghị này, quan chức quốc phòng các nước sẽ tập trung thảo luận và đưa ra bản đánh giá an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2015 lần thứ hai với nhiều nội dung quan trọng: Định nghĩa và phạm vi của khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đánh giá các kết nối an ninh Trung Đông - châu Á; thách thức an ninh khu vực Nam Thái Bình Dương; Vai trò chiến lược của Mỹ và Trung Quốc; Vai trò an ninh ngày càng quan trọng của các nước Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga. Tìm kiếm một trật tự mới hòa bình và ổn định, bao gồm cả vai trò an ninh của ASEAN và tiềm năng của các nhà lãnh đạo mới ở châu Á làm trung gian cho sự hợp tác an ninh khu vực có hiệu quả hơn.

SLD 14 diễn ra từ 29 đến 31-5 với 6 phiên thảo luận về các chủ đề: Mỹ và các thách thức an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Các phương thức hợp tác an ninh tại châu Á; Ngăn chặn leo thang xung đột; Vai trò của Trung Quốc trong việc duy trì an ninh và ổn định khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Tăng cường trật tự khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Hướng tới giải quyết xung đột tích cực; Các thách thức an ninh toàn cầu và châu Á - Thái Bình Dương.

“Không thể cứ mạnh là đúng”

Trong bài phát biểu khai mạc SLD 14, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi các nước phá vỡ vòng luẩn quẩn trong tranh chấp biển Đông, khi Mỹ và Trung Quốc đang khẩu chiến về những đảo nhân tạo Bắc Kinh xây dựng trái phép tại khu vực.

Ông Lý Hiển Long nhắc lại lời kêu gọi Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đi đến bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông càng sớm càng tốt. “Nếu một cuộc va chạm xảy ra trên thực địa và leo thang thành căng thẳng hoặc xung đột ở quy mô lớn hơn, kể cả là cố ý, nhưng nhiều khả năng là vô ý, điều đó sẽ rất tệ. Nhưng kể cả khi chúng ta tránh một cuộc va chạm trên thực địa, nếu kết quả được định đoạt trên cơ sở cứ mạnh là đúng, nó sẽ tạo ra một tiền lệ xấu”, ông Lý Hiển Long nói.

Thủ tướng Singapore cho biết, những tranh chấp hàng hải này có thể xử lý và kiềm chế. Theo Channel News Asia, ông Lý Hiển Long cho rằng kết quả tốt nhất sẽ là việc các bên tuân thủ luật quốc tế. Ông Lý Hiển Long nói, dù các nước không tuyên bố chủ quyền tại đây như Singapore không thể đứng về bên nào, họ có liên quan đến các tranh chấp hàng hải và cách thức giải quyết chúng. Theo ông Lý Hiển Long “Tất cả các nước châu Á hy vọng quan hệ Mỹ - Trung sẽ tích cực. Không nước nào muốn chọn theo bên nào, Mỹ hay Trung Quốc”.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu khai mạc SLD 14.

Trong thông tin liên quan đến biển Đông, hãng AP đưa tin, ngày 29-5, các quan chức Mỹ cho biết, đã phát hiện 2 pháo cỡ lớn trên một trong những hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép ở biển Đông. Trong khi đó, một quan chức quốc phòng khác yêu cầu giấu tên đã mô tả những khí tài này là loại pháo tự hành. Vụ việc trên, vốn được Mỹ phát hiện cách đây ít nhất vài tuần, đã củng cố những quan ngại hiện nay về việc Bắc Kinh có ý đồ lợi dụng những dự án xây dựng đảo trái phép trên biển Đông vì các mục đích quân sự. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Brent Colburn tuyên bố Washington đã có thông tin về vụ việc trên, song từ chối cung cấp các thông tin chi tiết khác, cho rằng đây là một vấn đề thuộc lĩnh vực tình báo.

Trước đó, tại hội nghị cấp cao Nhật Bản - Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ở Tokyo ngày 29-5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc gia tăng hoạt động nhằm thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị nêu rõ Nhật Bản và EU “Sẽ tiếp tục theo dõi tình hình tại biển Đông, biển Hoa Đông và quan ngại trước bất kỳ hành động đơn phương nào làm thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng”. Nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, Nhật Bản và EU kêu gọi các bên kiềm chế, không sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp trên biển. Mặc dù không trực tiếp đưa ra các tuyên bố về lãnh hải, song EU đã chia sẻ với Nhật Bản những giá trị cơ bản trong đó có tự do, dân chủ và kinh tế thị trường. Nhật Bản và EU đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Bắc Kinh đang đẩy mạnh việc xây dựng các đảo nhân tạo trên biển Đông, làm gia tăng căng thẳng khu vực.

Bên lề SLD 14, đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đã có các cuộc tiếp xúc song phương với các đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Israel, Philippines, Singapore và đại diện Tập đoàn công nghệ quốc phòng Lockheed Martin.

Tại các cuộc gặp, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cùng đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam đánh giá cao kết quả hợp tác quốc phòng với các nước. Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh và đoàn cũng đã trao đổi với đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng từng nước về những vấn đề cùng quan tâm, đồng thời đề cập đến các biện pháp thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương trong thời gian tới thông qua việc tập trung tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn các cấp; thúc đẩy hợp tác đào tạo, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; tìm kiếm cứu hộ cứu nạn; tăng cường đối thoại về chính sách quốc phòng, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục