TPHCM kêu gọi Hàn Quốc đầu tư 5 lĩnh vực trọng điểm

Sáng nay 28-5, tại TP Busan (Hàn Quốc) Cục Quan hệ Quốc tế Busan phối hợp với Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM tổ chức hội thảo “TPHCM- Busan: Đối tác cùng phát triển".
TPHCM kêu gọi Hàn Quốc đầu tư 5 lĩnh vực trọng điểm

Hội thảo “TPHCM – Busan: Đối tác cùng phát triển”

(SGGPO).- Sáng nay 28-5, tại TP Busan (Hàn Quốc) Cục Quan hệ Quốc tế Busan phối hợp với Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM tổ chức hội thảo “TPHCM- Busan: Đối tác cùng phát triển".

Tham dự Hội thảo, phía TP Busan có ông Kim Kyu-Ok, Phó Thị trưởng TP Busan; ông Park Soo Kwan, Tổng Lãnh sư Danh dự Việt Nam  tại Busan; khoảng 100 doanh nghiệp tại Busan và các vùng phụ cận; phía TPHCM có đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phó Chủ tịch TPHCM Nguyễn Hữu Tín cùng lãnh đạo một số sở ngành, khu công nghiệp và khoảng 40 doanh nghiệp TPHCM.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá đang có xu hướng nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc chọn TPHCM để mở rộng sản xuất, kinh doanh và cơ hội dành cho các doanh nghiệp Hàn Quốc vào TPHCM là rất lớn. Đặc biệt là lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, phát triển nguồn nhân lực…

TPHCM có trên 320 văn phòng đại diện của các công ty Hàn Quốc

Quan hệ kinh tế là lĩnh vực phát triển nhanh nhất, năng động nhất và hiệu quả nhất trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Trong 20 năm qua, trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng 44 lần, đồng thời Hàn Quốc cũng là quốc gia đứng thứ 4 về vốn đầu tư vào TPHCM. Các dự án đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo, khu tổ hợp công nghệ cao, bất động sản, dịch vụ ăn uống, xây dựng, thông tin truyền thông và bán lẻ.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín phát biểu tại Hội thảo.

 

 Đến tháng 3-2015, trên địa bàn TPHCM có 5.369 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư là 37,25 tỷ USD. Riêng đối với Hàn Quốc, tính từ năm 1988 đến nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư đứng vị trí thứ 4 trên địa bàn TPHCM với 1.069 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 3,6 tỷ USD. Những ngành nghề và lĩnh vực mà Hàn Quốc tập trung đầu tư tại TPHCM gồm có: Hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng; Công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử dân dụng; Bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy…

 

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín khẳng định: Mối quan hệ tốt đẹp này đã không ngừng được vun đắp, củng cố qua thời gian. Đặc biệt, kể từ tháng 6- 2012 khi ông Hur Nam-Sik, Thị trưởng thành phố Busan quyết định lập Văn phòng đại diện thành phố Busan tại TPHCM để tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, đồng thời thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa các sở ngành của hai thành phố.

Theo Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM Phó Nam Phượng, đến nay, TPHCM có trên 320 văn phòng đại diện của các công ty Hàn Quốc đang hoạt động, chủ yếu trong các lĩnh vực: xuất khẩu (dệt may, thuỷ hải sản), nhập khẩu (sắt thép, dược phẩm, máy móc thiết bị), dịch vụ giao nhận vận tải, hàng không và hỗ trợ cộng đồng. Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã được Chính phủ 2 nước vừa ký kết tại Hà Nội. Đây là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với phạm vi rộng, mức độ tự do cam kết cao và cân bằng lợi ích của cả hai bên. FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ cho phép nhiều hàng hóa của Việt Nam được cắt giảm thuế sâu hơn, đặc biệt là những dòng thuế đối với những mặt hàng như nông sản, thủy sản, dệt may, đồ gỗ… Với hiệp định này, doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư vào Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi hơn, nhờ những chính sách khuyến khích đầu tư và môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng hơn.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải chứng kiến lễ ký kết giữa SATRA và đối tác Hàn Quốc. Ảnh Hồng Hiệp

Bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thị trưởng thành phố Busan Kim Kyu-Ok cho biết, hàng năm Busan đều xúc tiến các hoạt động thương mại và hợp tác đầu tư giữa hai thành phố thông qua việc tổ chức các đoàn doanh nghiệp vừa và nhỏ tham dự hội chợ triển lãm tại TPHCM. Cụ thể, vào tháng 7 tới, sẽ có khoảng 10 công ty của Busan đăng ký tham dự Hội chợ triển lãm máy tại TPHCM và vào tháng 10, Busan sẽ cử đoàn khảo sát thương mại đến TPHCM.

“Là đối tác hợp tác cùng phát triển, trong 20 năm qua, hai thành phố đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, du lịch và các lĩnh vực khác và tôi tin rằng chúng ta sẽ cần phải tiếp tục mở rộng hơn nữa các hoạt động này cả về số lượng lẫn quy mô trong thời gian tới”- Phó Thị trưởng thành phố Busan Kim Kyu-Ok  khẳng định.

Giải đáp cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, bà Phó Nam Phượng cho biết, thành phố đã và đang áp dụng những cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư nước ngoài linh hoạt và thuận lợi hơn cho nhà đầu tư; đơn giản hóa thủ tục đăng ký đầu tư, thủ tục hải quan và kê khai thuế,… Bên cạnh đó, có nhiều hình thức đầu tư mà các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể lựa chọn, trong đó mô hình Đối tác Công - Tư (PPP). Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia vào các dự án trọng điểm của TPHCM.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh đến 5 lĩnh vực trọng điểm TPHCM cần kêu gọi hợp tác, đầu tư nước ngoài. Đó là xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ (gồm giao thông đô thị, công trình tiện ích công cộng); phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao (gồm khoa học- công nghệ, thông tin truyền thông, y tế kỹ thuật cao…); phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh hợp tác lao động Việt – Hàn và lĩnh vực bảo vệ môi trường.

“Chúng tôi cam kết sẽ làm hết sức mình để bảo đảm môi trường chính trị - xã hội ổn định, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả tại TPHCM”- Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh.

Hội thảo cũng đã dành nhiều thời gian cho phần giao lưu, hỏi đáp tìm kiếm cơ hội hợp tác của các doanh nghiệp dự hội thảo.

Tại hội thảo “TPHCM – Busan: Đối tác cùng phát triển”, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) đã ký bản ghi nhớ mua hàng nhập khẩu với Elade Co.LTD với các mặt hàng dự kiến sẽ nhập về Việt Nam gồm rong biển, hàng tiêu dùng khác với giá trị hợp đồng khoảng 1 triệu USD.

Ngoài ra, SATRA cũng đã ký Bản ghi nhớ bán hàng xuất khẩu với Heartychem Corp. Theo đó các mặt hàng SATRA dự kiến xuất khẩu là sắn lát, củi trấu, hàng tiêu dùng… với giá trị hợp đồng khoảng 3 triệu USD.

Cũng tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Tae Kwang Hàn Quốc (thành lập Công ty TNHH Phân bón Việt – Hàn với vốn đầu tư khoảng 39,6 triệu USD, sản xuất phân bón quy mô 360.000 tấn/năm) và Công ty TNHH Daeyoung Electronics (chuyên về công nghiệp hỗ trợ với vốn đầu tư 63 triệu USD, mục tiêu và quy mô dự án là sản xuất màn hình Led và linh kiện điện tử).

TPHCM kêu gọi Hàn Quốc đầu tư 5 lĩnh vực trọng điểm ảnh 3

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín (phải) trao giấy chứng nhận đầu tư vào TPHCM cho doanh nghiệp của thành phố Busan. Ảnh Hồng Hiệp

Hồng Hiệp

>> Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải gặp gỡ Tổng Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Busan

>> Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tiếp các Tập đoàn GS E&C, Kumho Asiana, Samsung

>> Tăng cường hợp tác với Hàn Quốc phát triển công nghiệp hỗ trợ

>> Ký ghi nhớ về Dự án xử lý nước thải lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm

>> Tập đoàn Lotte ký MOU đầu tư dự án gần 2 tỷ USD vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm - TPHCM

Tin cùng chuyên mục