Ký ghi nhớ về Dự án xử lý nước thải lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm

Chiều 26-5, tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã tham dự Lễ ký Bản ghi nhớ giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM với Công ty Tài nguyên nước Hàn Quốc và Công ty Kỹ thuật Xây dựng Hanwha về đàm phán lập Đề xuất dự án cho dự án được ưu tiên theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với dự án xử lý nước thải lưu việc Tân Hóa – Lò Gốm tại TPHCM. Công suất của DA này ước tính khoảng 300.000 m³/ngày.
Ký ghi nhớ về Dự án xử lý nước thải lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm

(SGGPO).- Chiều 26-5, tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã tham dự Lễ ký Bản ghi nhớ giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM với Công ty Tài nguyên nước Hàn Quốc và Công ty Kỹ thuật Xây dựng Hanwha về đàm phán lập Đề xuất dự án cho dự án được ưu tiên theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với dự án xử lý nước thải lưu việc Tân Hóa – Lò Gốm tại TPHCM. Công suất của DA này ước tính khoảng 300.000 m³/ngày.

Theo tinh thần của Bản ghi nhớ, mục đích của Đề xuất dự án được thực hiện bởi hai công ty nói trên là nhằm phát triển một kế hoạch kinh doanh trong đó làm rõ sự cần thiết, tính khả thi và tính bền vững của dự án dưới các khía cạnh kỹ thuật, tài chính và môi trường và đề xuất phương án thực hiện tối ưu của Nhà máy xử lý nước thải theo hình thức PPP.

Tại lễ ký Bản ghi nhớ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đề nghị các nhà đầu tư phải đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án và sử dụng công nghệ ít chiếm diện tích đất để giảm bớt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm giảm chi phí đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín (thứ tư và thứ ba từ trái sang) chứng kiến và chúc mừng việc ký Bản ghi nhớ về một trong những nội dung quan trọng của dự án Tân Hóa- Lò Gốm. Ảnh: Hồng Hiệp

Theo UBND TPHCM, hệ thống thoát nước thải của TPHCM được phân chia thành 12 lưu vực thoát nước tương ứng với 12 nhà máy xử lý nước thải, bao gồm nhà máy ở lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm với công suất 300.000 m³/ngày. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 200 triệu USD, chưa bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Dự án sẽ gồm 3 hạng mục chính là Trạm bơm chuyển tải; Đường ống chuyển tải nước thải từ trạm bơm về Nhà máy xử lý và Nhà máy xử lý nước thải.

Theo đó, TP sẽ xây dựng trạm bơm chuyển tải nước thải có công suất 480.000 m³/ngày tại vị trí Lò Gốm cuối đường Nguyễn Văn Luông giáp đường Võ Văn Kiệt (quận 6, TPHCM). Vị trí này đã được xác định trong quy hoạch chung và nằm trong khuôn viên Trạm bơm Tân Hóa – Lò Gốm (giai đoạn 1). Khi Nhà máy xử lý nước thải được đưa vào hoạt động, nguồn nước thải sẽ được bơm chuyển tiếp từ Trạm bơm Tân Hóa – Lò Gốm (giai đoạn 1) về Nhà máy thông qua Trạm bơm chuyển tải.

Về Đường ống chuyển tải nước thải từ trạm bơm về Nhà máy xử lý chất thải thì theo Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án “Cải thiện Vệ sinh và nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm”, đây sẽ là đường ống đôi với đường kính mỗi ống DN1400 mm; dẫn nước thải từ Trạm bơm chuyển tải về Nhà máy xử lý. Đường ống chuyển nước thải sẽ được đặt dọc theo Đại lộ Đông- Tây và Quốc lộ 1A về đến Nhà máy xử lý tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh với tổng chiều dài là 12,4 km.

Riêng Nhà máy xử lý chất thải, sẽ có công suất bình quân 300.000 m³/ngày (công suất tối đa 480.000 m³/ngày) sẽ được xây dựng với diện tích khoảng 22 ha tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh. Nhà máy này sẽ có công suất đủ để xử lý toàn bộ lượng nước thải lưu vực kênh Tân Hóa – Lò Gốm. Hiện nay toàn bộ lượng nước thải lưu vực này chỉ được thu gom qua 8km cống bao mới xây dựng rồi chảy thẳng ra kênh Tàu Hủ - Bến Nghé chứ chưa được xử lý.

Hồng Hiệp

>> TPHCM và Thủ đô Seoul tăng cường hợp tác

>> Đoàn đại biểu TPHCM làm việc với Tập đoàn Hyosung

Tin cùng chuyên mục