Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon thăm và phát biểu với Quốc hội Việt Nam

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon thăm và phát biểu với Quốc hội Việt Nam

(SGGPO).- Chiều 23-5, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã đến thăm và phát biểu với Quốc hội Việt Nam tại phiên họp toàn thể của Quốc hội ở phòng họp Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội (ảnh). Đây là lần đầu tiên một vị Tổng thư ký Liên hợp quốc đến thăm và phát biểu trước Quốc hội Việt Nam.

Tổng thư ký Ban Ki-moon cho biết, ông rất vinh dự được đến thăm Quốc hội Việt Nam và vui mừng được biết, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện quốc tế IPU 132 được tổ chức tại Việt Nam vừa qua đã đạt được những thành công tốt đẹp. “Tôi đặt niềm tin sâu sắc vào các vị ĐBQH Việt Nam, những đại diện của nhân dân Việt Nam trong việc biến những mục tiêu phát triển thành chủ trương chính sách và hành động cụ thể”, ông nói.

Theo Tổng thư ký Ban Ki-moon, thế giới hiện đang đứng trước những thách thức to lớn về hòa bình, an ninh và nhân đạo. Ông bày tỏ quan ngại đặc biệt về thảm họa di cư, sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan bạo lực ở nhiều nơi trên thế giới. Thực tế này đòi hỏi sự đoàn kết toàn cầu, đòi hỏi nhân loại “sát cánh bên nhau như trong một gia đình”. Sự tham gia của Việt Nam vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã thể hiện hoàn hảo tinh thần này. Tổng thư ký Ban Ki-moon gửi lời cảm ơn sâu sắc về những nỗ lực của Việt Nam và mong muốn Việt Nam tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Liên hợp quốc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hội kiến với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki - moon. Ảnh: Lã Anh

Phát biểu đáp từ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cảm ơn Tổng thư ký Ban Ki-moon đã có những nhận xét tốt đẹp về đất nước, về Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Đánh giá chuyến thăm của Ngài Ban Ki-moon là một sự kiện lịch sử, một dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam nói chung, giữa Quốc hội Việt Nam với Liên hợp quốc nói riêng. “Tại đây, trong ngôi nhà chung của Quốc hội Việt Nam, chúng tôi bảo đảm Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình để làm tròn trách nhiệm của một nước độc lập, tự do, dân chủ; đang phấn đấu hết sức mình vì sự phồn vinh và hạnh phúc của nhân dân; từ đó đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp chung của Liên hợp quốc”.

Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Liên hợp quốc và cá nhân Tổng thư ký cũng như đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam đã hợp tác, giúp đỡ Việt Nam xây dựng và đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ. “Trong mỗi thành quả của Việt Nam đều có sự ủng hộ nhiệt tình, thiện chí của Liên hợp quốc”, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.  

Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có cuộc hội kiến với Ngài Tổng thư ký Ban Ki-moon tại phòng họp Hoa Sen.

Tại buổi họp báo được tổ chức nhân sự kiện khánh thành Ngôi nhà chung của LHQ tại Việt Nam ngày 23-5, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc gần đây Trung Quốc luôn có những hoạt động làm căng thẳng thêm tình hình biển Đông và với vai trò gìn giữ hòa bình, LHQ sẽ có sự hỗ trợ thế nào để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở khu vực này, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết: “Chúng tôi hối thúc Chính phủ Việt Nam và lãnh đạo các nước trong khu vực, nhất là các quốc gia ASEAN cần thảo luận vấn đề liên quan đến tranh chấp trên biển Đông một cách sát sao theo cách hòa bình và thông qua đối thoại. Tôi rất thấu hiểu quan ngại của Việt Nam về những gì đang diễn ra trên biển Đông. Tôi đã nói với các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng LHQ luôn theo dõi sát những diễn biến ở biển Đông. Các bên liên quan thực hiện kiềm chế tối đa sao cho không để tình hình leo thang căng thẳng”.

Hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 23-5, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng khẳng định, LHQ sẵn sàng hỗ trợ việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan theo hướng sử dụng các biện pháp hòa bình, mong ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao đổi với Tổng Thư ký LHQ về tình hình, diễn biến căng thẳng gần đây tại biển Đông, đề nghị LHQ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các nước giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon chụp ảnh chung với lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các thành viên Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam. Ảnh: TRẦN LƯU

Tại buổi lễ khánh thành Ngôi nhà chung của LHQ, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho rằng, với việc khánh thành Ngôi nhà chung LHQ, Việt Nam đã chứng minh vai trò tiên phong của mình trong thực hiện sáng kiến một LHQ. Ngôi nhà sẽ sử dụng điện năng từ năng lượng mặt trời, tiết kiệm lượng nước sử dụng và có những thiết kế sinh thái sử dụng năng lượng hiệu quả. Trong vòng 5 năm tới, Ngôi nhà chung của LHQ sẽ là hình mẫu về cắt giảm sử dụng nước, giảm phát thải carbon và đến năm 2020 sẽ là ngôi nhà trung hòa carbon. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng cho rằng, đây là một sự kiện lịch sử khi lần đầu tiên tất cả các cơ quan của LHQ tại Việt Nam có một ngôi nhà chung. Ngôi nhà thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tham gia đóng góp vào các hoạt động của LHQ.

* Chiều 23-5, tại Hà Nội, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã tới dự hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện nhiệm vụ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam do Bộ Quốc phòng tổ chức.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết, để đánh giá về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam 1 năm qua chỉ có thể dùng từ “tuyệt vời” để diễn tả. Ông nhấn mạnh, LHQ tự hào và trân trọng sự tham gia, đóng góp của Việt Nam trong công việc chung của LHQ. Ông Ban Ki-moon cũng đánh giá cao sự cam kết của Việt Nam trong việc phối hợp với LHQ hoạt động gìn giữ hòa bình. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon bày tỏ tin tưởng vào tương lai tươi sáng về sự tham gia của Việt Nam trong nhiệm vụ này. Ông cũng hy vọng Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam sẽ đào tạo nên những cán bộ tài năng, nhiệt huyết để thực hiện các nhiệm vụ được giao phó, đồng thời phát huy tốt hơn vai trò của mình để cùng cộng đồng ASEAN thực hiện hiệu quả hợp tác về gìn giữ hòa bình với LHQ.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình dù chỉ ít ỏi và kết quả còn khiêm tốn nhưng cũng đủ khẳng định Việt Nam đủ khả năng tham gia và tham gia tích cực và hoàn thành tốt các hoạt động của LHQ. Những kinh nghiệm quý báu trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam có thể áp dụng và áp dụng tốt cho việc kiến tạo và củng cố hòa bình trên thế giới, cụ thể là hoạt động gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ của LHQ.

ANH PHƯƠNG - THÀNH NAM - TRẦN BÌNH

Tin cùng chuyên mục