Vượt khó và phát triển

Kể từ khi đồng rouble mất giá, không ít doanh nghiệp Việt Nam tại Nga gặp khó. Bởi với các doanh nghiệp sản xuất, họ phải mua nguyên vật liệu và phụ kiện máy móc từ nước ngoài bằng đồng USD, sau đó sản xuất thành phẩm và bán hàng bằng đồng rouble. Điều tương tự cũng xảy ra với các doanh nghiệp phân phối hàng may mặc và hàng tiêu dùng xuất khẩu. Chưa kể việc người dân Nga tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu cũng là thách thức với doanh nghiệp Việt.
Vượt khó và phát triển

Kể từ khi đồng rouble mất giá, không ít doanh nghiệp Việt Nam tại Nga gặp khó. Bởi với các doanh nghiệp sản xuất, họ phải mua nguyên vật liệu và phụ kiện máy móc từ nước ngoài bằng đồng USD, sau đó sản xuất thành phẩm và bán hàng bằng đồng rouble. Điều tương tự cũng xảy ra với các doanh nghiệp phân phối hàng may mặc và hàng tiêu dùng xuất khẩu. Chưa kể việc người dân Nga tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu cũng là thách thức với doanh nghiệp Việt.

Bên trong một cửa hàng thuộc chuỗi cửa hàng Lucky của UPSWAY tại Nga.

Tuy nhiên, sự nhanh nhạy của các doanh nhân Việt trên đất Nga đã giúp doanh nghiệp của mình vượt khó, thậm chí còn nắm bắt được cơ hội phát triển trên đất khách. Câu chuyện về chuỗi cửa hàng New Crimea với biển hiệu màu tím xuất hiện tại bán đảo Crimea gần một năm qua là minh chứng mới nhất cho thấy sự nhạy bén của doanh nhân Việt. Khởi đầu vào tháng 5-2014 từ những cửa hàng ở Kerch - cách tỉnh miền Nam nước Nga Krasnodar đúng eo biển cùng tên - thương hiệu New Crimea của tập đoàn Việt UPSWAY nay đã có 8 cửa hàng hiện diện tại cả các thành phố lớn Simferopol, Sevastopol, Saki ở bán đảo này, và tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương. Người mua hàng đến với cửa hàng của UPSWAY khá đông do hàng hóa đa dạng, thay đổi theo mùa vụ và điều quan trọng là giá cả phải chăng. UPSWAY hoạt động trong nhiều lĩnh vực như kinh doanh bán sỉ, bán lẻ, bất động sản và sở hữu hệ thống gồm gần 200 trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tại Nga.

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí trong nước, ông Trần Quốc Triệu, Chủ tịch UPSWAY - tác giả của New Crimea, cho biết sau khi nhận thấy cơ hội rất lớn cho UPSWAY ở Crimea, ông Triệu đã cùng ban lãnh đạo quyết định đưa vào Crimea một sản phẩm của người Việt giống như ở các thị trường Mátxcơva và Krasnodar. Theo Chủ tịch UPSWAY, ngoài thuận lợi trong vấn đề tìm hiểu thị trường, thăm dò người dân, việc kinh doanh cũng đối mặt với không ít khó khăn. Ví dụ, đôi khi thời tiết biến động, có những thời điểm phà không hoạt động đến 24 giờ đồng hồ, việc vận chuyển hàng hóa tới tay người tiêu dùng gặp phải trở ngại. “Người Việt Nam đã quen với khó khăn. Đó chỉ là những thách thức trước mắt, còn khi đã đứng vững trên thị trường, mọi thứ sẽ suôn sẻ bởi người dân Crimea ngoài con đường cung cấp hàng hóa đó không còn con đường thứ hai, nếu mình không đi người khác cũng sẽ đi, còn người dân vẫn phải tiêu, phải ăn, vẫn sống bình thường như người dân các tỉnh khác”, ông Triệu cho biết.

Trong khi đó, một doanh nghiệp chuyên về kinh doanh hàng may mặc tại Nga đã chia sẻ về thực tế khó khăn đã phải trải qua. Theo đó, mùa vụ bán hàng thu hồi vốn của công ty trên rơi vào đúng thời điểm đồng rouble mất giá so với đồng USD, trong khi, để đầu tư sản xuất, công ty này đã mua nguyên phụ liệu bằng đồng USD khi đồng rouble chưa mất giá. Để tìm giải pháp cho doanh nghiệp mình, người đứng đầu công ty đã phải tổ chức một cuộc gặp mặt với cán bộ và người lao động trong công ty; chia sẻ những khó khăn để người lao động hiểu, thông cảm và qua đó giữ được chân người làm, đảm bảo công việc kinh doanh của công ty…

Dù nền kinh tế Nga đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhiều doanh nghiệp Việt tại Nga vẫn tin tưởng khó khăn hiện nay của nền kinh tế Nga chỉ là tạm thời và chưa đến mức độ khủng hoảng nếu so sánh với những năm 1998 và 2008. Và nếu nhanh nhạy, nắm bắt được cơ hội như cách UPSWAY đã làm, doanh nghiệp Việt vẫn có thể “sống khỏe”.

MẠNH HÙNG

Tin cùng chuyên mục