Hôm nay 28-3: Khai mạc IPU-132 tại Hà Nội

(SGGP).- Tối nay 28-3, lễ khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) sẽ diễn ra tại hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức IPU-132 Trần Văn Hằng cho biết, Việt Nam đã sẵn sàng cho IPU-132. Quốc hội Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà đã đề ra phương châm tổ chức chu đáo, trọng thị, thiết thực và hiệu quả. Trong đó, mục tiêu đề ra là sẽ đóng góp tích cực vào phiên thảo luận chung và các cơ chế của IPU mà Quốc hội Việt Nam là thành viên, đảm bảo IPU-132 đạt kết quả tốt, phù hợp với yêu cầu chính trị của Việt Nam.
Hôm nay 28-3: Khai mạc IPU-132 tại Hà Nội

* Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới

* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, CHLB Đức

(SGGP).- Tối nay 28-3, lễ khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) sẽ diễn ra tại hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức IPU-132 Trần Văn Hằng cho biết, Việt Nam đã sẵn sàng cho IPU-132. Quốc hội Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà đã đề ra phương châm tổ chức chu đáo, trọng thị, thiết thực và hiệu quả. Trong đó, mục tiêu đề ra là sẽ đóng góp tích cực vào phiên thảo luận chung và các cơ chế của IPU mà Quốc hội Việt Nam là thành viên, đảm bảo IPU-132 đạt kết quả tốt, phù hợp với yêu cầu chính trị của Việt Nam.

Trao đổi với báo giới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Hà Huy Thông, Trưởng tiểu ban nội dung IPU-132 cũng cho biết, công tác chuẩn bị nội dung cho Đại hội đồng lần này đã được tiến hành trong hơn một năm qua. Việt Nam đã thực hiện theo đúng tiến độ và tất cả những yêu cầu của IPU, đặc biệt là đối với chủ đề chung cho phiên toàn thể. Được biết, theo quy định của IPU thì nước chủ nhà có một vai trò rất quan trọng trong việc chọn chủ đề chung cho phiên toàn thể. Bên cạnh đó, một nội dung hết sức quan trọng trong chương trình nghị sự của IPU-132 lần này được đông đảo dư luận quan tâm là những vấn đề về dân chủ, nhân quyền, về luật pháp quốc tế đối với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và vai trò của Liên minh Nghị viện thế giới đối với sự đảm bảo hòa bình, an ninh toàn cầu. Ông Hà Huy Thông cho biết, tại Đại hội đồng IPU lần này, trong 4 ủy ban thường trực của IPU thì có 3 ủy ban xem xét để thông qua 3 nghị quyết (trừ Ủy ban 4 là Ủy ban Về các vấn đề Liên hiệp quốc mới thành lập).

Chủ đề của Ủy ban về dân chủ và nhân quyền đưa ra khá rộng; bao gồm 4 chủ đề nhỏ là luật pháp quốc tế, những vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ và vấn đề quyền con người. Đây là những vấn đề đã được thảo luận tại Đại hội đồng IPU-130 và 131 và dự thảo Nghị quyết của IPU dự kiến sẽ được thông qua tại IPU-132. Ủy ban 3 về vấn đề dân chủ và nhân quyền còn thảo luận một nội dung nữa, cũng rất quan trọng đối với thế giới cũng như đối với Việt Nam, đó là vấn đề dân chủ trong kỷ nguyên số. Theo ông Hà Huy Thông, đoàn Việt Nam đều đã chuẩn bị nội dung và sẽ lên tiếng một cách thích hợp để bày tỏ những quan điểm của chúng ta, ít nhất là dưới góc độ nghị viện về các vấn đề này.

Mỗi một kỳ Đại hội đồng của IPU, thường có một văn kiện tổng hợp lại tất cả những ý kiến và những kết luận đã được sự đồng thuận của Đại hội đồng. Lần này, mặc dù quyết định cuối cùng còn phụ thuộc vào 166 nước thành viên của IPU, Việt Nam đã đề xuất văn kiện đó mang tên Tuyên bố Hà Nội để chuyển tới Hội nghị thế giới Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Nghị viện của các nước cuối tháng 8-2015, trước khi được chuyển cho Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc vào cuối tháng 9 tới.

Theo nghị trình của IPU-132, trước khi diễn ra lễ khai mạc chính thức, trong ngày 28-3, các vị đại biểu sẽ tham dự nhiều hoạt động quan trọng được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia như: Hội nghị nữ nghị sĩ; phiên họp chung của chủ tịch các nhóm địa chính trị; phiên họp của cố vấn và thư ký các đoàn; phiên họp của nhóm tư vấn về HIV/AIDS và sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ủy ban Về nhân quyền của nghị sĩ và Ủy ban Về các vấn đề Trung Đông cũng có những phiên họp riêng.

Với 166 thành viên và 10 thành viên liên kết, IPU là trung tâm của hoạt động ngoại giao nghị viện khắp thế giới, hoạt động nhằm mục đích vì hòa bình, dân chủ hợp tác giữa các dân tộc và nghị viện các nước. Kể từ khi được kết nạp làm thành viên của IPU vào tháng 4-1979, Quốc hội Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm tại diễn đàn này.

ANH THƯ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới

(SGGP).- Chiều 27-3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thân mật Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới Saber Chowdhury cùng Ban chấp hành đang thăm Việt Nam và tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132).

Hôm nay 28-3: Khai mạc IPU-132 tại Hà Nội ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón tiếp Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Saber Chowdhury.

Tại buổi tiếp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng trước việc Việt Nam được chọn đăng cai tổ chức IPU-132, coi đây là một sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng góp phần khẳng định chính sách đối ngoại rộng mở, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam với tư cách là một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao vị thế, vai trò của IPU - diễn đàn đặc biệt của nền ngoại giao nghị viện chính thống của các quốc gia. Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, IPU đã có những đóng góp trách nhiệm, hiệu quả và ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế thế giới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng rằng IPU-132 với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” sẽ là cơ hội bổ ích để các nghị sĩ khắp nơi trên thế giới cùng thảo luận tích cực về vấn đề thiết thực này mong muốn Đại hội đồng đạt được thống nhất cao, ra Tuyên bố Hà Nội, dấu ấn rất tốt của IPU-132. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết và là nền tảng vững chắc để thực hiện thành công các mục tiêu của phát triển bền vững.

Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới Saber Chowdhury bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời đánh giá cao sự tham gia tích cực và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam tại IPU trong suốt thời gian qua, nhấn mạnh những ấn tượng tốt đẹp về sự tích cực, chủ động và chu đáo trong công tác chuẩn bị của nước chủ nhà, góp phần quan trọng bảo đảm cho thành công của IPU-132.

Chủ tịch Saber Chowdhury mong muốn sẽ tiếp tục cùng Ban chấp hành và các nghị viện thành viên thúc đẩy thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu được xây dựng dựa trên quyết tâm, tiếng nói đoàn kết của các nghị viện và cũng là tiếng nói của nhân dân vì một thế giới hòa bình, dân chủ, hợp tác và phát triển.

Chiều cùng ngày, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Vương quốc Campuchia do Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia Samdech Heng Samrin dẫn đầu tới Hà Nội thăm Việt Nam và dự IPU-132.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ vui mừng được gặp lại Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin tại Hà Nội, khẳng định sự tham dự của đoàn đại biểu Quốc hội Campuchia do ngài Heng Samrin dẫn đầu sẽ đóng góp tích cực dẫn đến thành công chung của IPU-132.

Cũng trong chiều 27-3, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin đang dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Vương quốc Campuchia tham dự IPU-132 tại Hà Nội. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn làm hết sức mình, cùng với Campuchia đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng bền chặt, thiết thực và hiệu quả hơn; hợp tác xây dựng đường biên giới giữa hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đem lại lợi ích cho cả hai nước. Thay mặt nhân dân Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin bày tỏ cảm ơn Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam đã giúp dân tộc Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer đỏ, giúp đất nước Campuchia hồi sinh. Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin bày tỏ hoàn toàn lạc quan về mục tiêu đạt kim ngạch thương mại hai chiều lên 5 tỷ USD trong năm 2015.

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tiếp Chủ tịch Quốc hội CHLB Đức Nobert Lammert đang dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Đức tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU-132 tại Hà Nội. Thủ tướng mong muốn Quốc hội Đức ủng hộ Việt Nam hoàn thành và ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU; sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ chia buồn tới ngài Chủ tịch Quốc hội Đức về vụ tai nạn máy bay Airbus 320 làm nhiều công dân Đức thiệt mạng.

Chủ tịch Quốc hội Đức Nobert Lammert cho biết, năm 2015 Việt Nam và Đức kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đức cam kết thúc đẩy các dự án hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là hợp tác về GD-ĐT, và dự án Đại học Việt - Đức ở TPHCM là biểu hiện sinh động và cụ thể nhất về lĩnh vực này cũng như hợp tác nói chung trên các lĩnh vực giữa hai nước.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục