Dã ngoại cuối tuần

Tết Ất Mùi ở Việt Nam trùng kỳ nghỉ Krokus - tên một loài hoa mùa xuân ở Bỉ, cũng là một tuần cho học trò “ngủ đông” trong tháng lạnh nhất năm. Cha mẹ muốn không đau đầu xoay cho hết ngày với bọn trẻ cần phải tập cho con thói quen tự lập sớm.
Dã ngoại cuối tuần

Tết Ất Mùi ở Việt Nam trùng kỳ nghỉ Krokus - tên một loài hoa mùa xuân ở Bỉ, cũng là một tuần cho học trò “ngủ đông” trong tháng lạnh nhất năm. Cha mẹ muốn không đau đầu xoay cho hết ngày với bọn trẻ cần phải tập cho con thói quen tự lập sớm.

Mỗi khi đưa con từ Paris sang Bỉ hoặc Hà Lan, Hạnh bảo cô phải chọn những người bạn có con cùng độ tuổi để mẹ được nghỉ ngơi và con cũng có bạn chơi. “Nếu không cả ngày thằng bé lại dán mắt vào tivi, iPad,” Hạnh than. Thói quen ôm ấp và giữ con trẻ trong nhà của người gốc Việt, Hoa ở châu Âu còn nặng nề. Nếu có ông bà ở bên, đứa bé thường bị làm hư theo mắt nhìn của người Âu: ăn phải có người xúc, đòi ẵm bế nhiều, khóc thét khi thấy khách lạ...

Một góc khu cắm trại vùng Ardene gần ngã 3 biên giới Đức - Bỉ - Luxembourg.

Lẽ ra cuối tuần ở nhà với bố mẹ nhưng cô bé Gina 7 tuổi, con anh bạn Peeters, cứ chủ nhật lại đi sinh hoạt và mỗi tháng một lần khoác ba lô rời nhà đi cắm trại từ chiều thứ sáu. Với khoảng 15 EUR đóng phí hai ngày cuối tuần, cô bé Gina từ chỗ kén ăn, ít nói, nay khoe: “Cháu ăn được tất cả những món họ nấu”.

Camping - cắm trại hay hình thức nhà trại từ lâu đã được người châu Âu yêu thích. Mùa mở trại bắt đầu bằng tiệc thịt nướng ngoài trời giữa tháng tư và tháng chín, chủ trại đãi món mosselen (một loại trùng trục, vẹm biển) tạm biệt khách nhổ trại về phố tránh đông.

Khu cắm trại mà Kirina mời tôi đến thăm thuộc vùng Ardenne, giữa biên giới Đức - Bỉ - Luxembourg. Đoạn này thuộc lãnh thổ Bỉ, khúc khác là chủ quyền của Đức, tiến thêm vài cây số nữa đã xâm nhập Luxembourg, rồi lại quay về địa phận Bỉ. Tất cả diễn ra trên một đoạn đường. Hẳn phải văn minh lắm mới giữ được nơi này bình yên nối liền một dải núi rừng và là điểm lý tưởng để người yêu thích thiên nhiên đổ về nghỉ dưỡng suốt hè.

Kirina mỉm cười đón tôi vào trại. Một toa caravan làm chốn ngủ, thêm chiếc lều bạt kê bàn ăn và lò vi sóng, khoảnh sân cỏ nhỏ xíu phía trước có bờ rào, thiên đường của Kirina rộng chỉ 25m2. Cả khu trại rộng mấy chục hécta lọt thỏm giữa rừng, núi và sông này có khoảng 50 gia đình cư trú cả năm (giá thuê lô cắm trại 1.000 EUR/năm, bao điện nước), vào mùa hè có thể lên đến 200 gia đình, chưa kể những lán trại tập thể giá 25 EUR/đêm chứa đến 12 người, rất hợp sinh viên. Thỉnh thoảng có cư dân lạ kiểu “hàng xóm một đêm”, trả khoảng 9 EUR/đêm cho chỗ đậu xe và toa caravan.

Kiểu ở trại khiến tôi nửa ham muốn nửa ngại ngần. Đi bộ hai chục mét đến nhà vệ sinh chung, tắm rửa chung, dùng máy giặt chung, đến rửa tay cũng quy chung một chỗ. Ngại lắm. Nhưng nhìn hai con gái của Kirina (14 tuổi và 12 tuổi) quẳng điện thoại di động, iPad vào góc lều, ướt át bơi sông trên một chiếc săm xe hơi căng bóng, kiễng chân phơi khăn tắm trên hàng rào và vừa trượt patin vừa hò hét hoang dại, tôi lại thích. Và cũng đáng ở trại lắm. Trẻ con trở nên thân thiện hơn bao giờ hết, chỗ này vài đứa lôi súng cao su ra bắn sỏi xuống lòng sông, chỗ kia một nhóm thả câu từ trên cầu, nhiệt tình vớt mấy con cá nhỏ xíu lên khoe. Ở lâu bắt đầu trồng hoa quanh lều trại. Khi đã gắn bó thì đó cũng là nhà.

Nghe tôi kể chuyện, Hạnh lại thở dài “Có lẽ em cũng phải dũng cảm tập dần xa con, cho con ngủ đêm ngoài trại như người Âu. Thằng bé nhà này đi sinh hoạt tập thể là mặt mũi sinh động hẳn, gọi dạ bảo vâng. Chẳng lẽ lại bán nhà ra ở trại cho con gần gũi thiên nhiên, gắn bó với thế giới thực hơn là ảo”.

KIỀU BÍCH HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục