Tiềm năng hợp tác Việt Nam - ASEAN với Liên bang Nga còn rất lớn

Tiềm năng hợp tác Việt Nam - ASEAN với Liên bang Nga còn rất lớn

 (SGGPO).- Hôm nay, 15-9, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Hợp tác phát triển giữa Việt Nam – ASEAN với Liên bang Nga: Thực trạng và triển vọng”.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Tạ Ngọc Tấn; Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh; các nhà quản lý và khoa học Nga; cùng các nhà khoa học, các học giả, nhà hoạch định chính sách, đại diện đại sứ quán một số nước ASEAN tại Việt Nam, các bộ, ban, ngành Trung ương và một số địa phương tham dự hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định, là đối tác chiến lược toàn diện của Liên bang Nga, Việt Nam đảm nhận và đang thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa Nga và ASEAN. Chính sách nhất quán của Việt Nam là cố gắng cùng các nước ASEAN đưa quan hệ ASEAN – Nga phát triển toàn diện nhằm phát huy lợi thế của nhau và góp phần vào hòa bình ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực châu Á – Thái Bình dương và trên thế giới.

Tiềm năng hợp tác giữa LB Nga với các nước ASEAN còn rất lớn, hiện mới chỉ khai thác được phần nhỏ tiềm năng, lợi thế của mỗi bên. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, cần đánh giá lại tiềm năng hợp tác toàn diện và hợp tác trên từng lĩnh vực giữa ASEAN và Liên bang Nga; vai trò của quan hệ hợp tác giữa ASEAN với Liên bang Nga trong việc bảo vệ và gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như lợi ích thiết thực của Nga trước một khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Khẳng định rõ hơn vai trò của Việt Nam trong chính sách hướng ngoại hướng đông của Liên bang Nga; những vấn đề đặt ra trong quan hệ hợp tác phát triển về kinh tế trong quan hệ giữa Việt Nam – ASEAN và Liên bang Nga.
 
Các tham luận tại hội thảo cho rằng, khu vực ASEAN tuy không tiếp giáp trực tiếp với lãnh thổ Liên bang Nga, nhưng xét trên bình diện địa – chiến lược, Liên bang Nga lại có lợi ích về kinh tế, quân sự, hàng hải, an ninh – chính trị rất lớn trong khu vực. Do đó, xác lập và tăng cường vai trò của Liên bang Nga ở khu vực châu Á – Thái Bình dương nói chung và ASEAN nói riêng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nước Nga. Trên cơ sở mối quan hệ truyền thống tốt đẹp với Liên bang Nga, Việt Nam được coi là một nhân tố điều phối quan hệ ASEAN – Liên bang Nga.

Trong chính sách hướng Đông của Nga hiện nay, Việt Nam là một mắt xích quan trọng. Ngoài Việt Nam là nước có quan hệ hợp tác kinh tế sớm với Liên bang Nga, một số quốc gia ASEAN khác như Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia… cũng trở thành đối tác thương mại lớn của Liên bang Nga ở khu vực này. Các hoạt động hợp tác về văn hóa, giáo dục, du lịch, an ninh quốc phòng… đã được các bên tích cực thúc đẩy, đem lại kết quả tương đối khả quan.

Về mối quan hệ Việt Nam - LB Nga, PGS.TS Nguyễn Tấn Giáp (Phó GĐ Học viện chính trị quốc gia HCM) thừa nhận, mặc dù 2 nước  đã trở thành đối tác toàn diện của nhau, có bề dày quan hệ đặc biệt khăng khít, thành lập các cơ quan xúc tiến thương mại và tham gia ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển kinh tế... nhưng hiện giao thương buôn bán của Nga với Việt Nam chỉ chiếm 0,5% trong tổng kim ngạch buôn bán của Nga với các nước và tương tự như vậy, chiếm 1% trong tổng kim ngạch buôn bán của Việt Nam với các nước.

Cụ thể, theo thống kê, kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai nước trong năm 2013 đạt gần 4 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2014 đạt 1,76 tỷ USD. Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang LB Nga bao gồm: gạo, may mặc, giày dép, và các hàng tiêu dùng khác. Việt Nam vẫn là nước nhập siêu mặc dù nền kinh tế của hai nước được đánh giá là bổ sung lẫn nhau. Mục tiêu phấn đấu của hai bên là sẽ nâng kim ngạch lên 7 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020. “Với tình hình hiện nay thì con số hai bên hướng tới vào năm 2015 thật khó khả thi”- PGS.TS Nguyễn Tấn Giáp nhận xét.

TRẦN BÌNH

Tin cùng chuyên mục