Trung Quốc đang tìm cách thay đổi nguyên trạng ở biển Đông

Không chấp nhận việc cưỡng ép hoặc đe dọa
Trung Quốc đang tìm cách thay đổi nguyên trạng ở biển Đông

Ngày 28-5 (giờ địa phương), ông Nguyễn Quốc Cường, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, đã có buổi trả lời phỏng vấn trực tiếp với phóng viên quốc tế Christiane Amanpour của kênh truyền hình Mỹ CNN tại Washington về các hành động gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường trả lời phỏng vấn CNN. Ảnh: CNN

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường trả lời phỏng vấn CNN. Ảnh: CNN

Không chấp nhận việc cưỡng ép hoặc đe dọa

Tại buổi phỏng vấn, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh, Việt Nam muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc nhưng không chấp nhận việc cưỡng ép hoặc đe dọa. Đại sứ khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan và nhiều tàu hộ tống vào vùng biển Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển 1982 và những cam kết của lãnh đạo Trung Quốc với ASEAN khi Trung Quốc ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh, Việt Nam không còn cách nào khác là phải phản ứng lại một cách hòa bình nhưng cương quyết.

Bác bỏ phát biểu của Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải nói rằng Trung Quốc chỉ có một giàn khoan duy nhất trong khi Việt Nam có hơn 30 giàn khoan, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh, Trung Quốc đang tìm cách thay đổi nguyên trạng, biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp và điều này là không thể chấp nhận được. Các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam đã được tiến hành hàng thập kỷ nay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nhiều công ty nước ngoài đã tham gia vào các dự án này, nếu các dự án này trong khu vực tranh chấp thì chắc chắn các doanh nghiệp nước ngoài đã không tham gia như vậy. Từ năm 2012, Trung Quốc đã tiến hành mời thầu quốc tế các lô dầu khí trong vùng thềm lục địa của Việt Nam nhưng không có công ty nước ngoài nào tham gia.

Trong buổi phỏng vấn, phóng viên Amanpour cho rằng Trung Quốc đang thể hiện sức mạnh trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng nhỏ hơn, từ Nhật Bản, Philippines cho đến Việt Nam. Thái độ này của Trung Quốc được thể hiện trong phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì năm 2010 khi ông này nói rằng Trung Quốc là nước lớn và các nước khác là nước nhỏ. Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nêu rõ ý kiến này không thể chấp nhận được vì trong quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế, mọi quốc gia đều bình đẳng, không có chuyện nước lớn nước nhỏ.

Phát biểu về chính sách đối ngoại của Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh, Việt Nam luôn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập và muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khác, nhưng không chấp nhận việc cưỡng ép hoặc đe dọa. Ông khẳng định người dân Việt Nam luôn quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Ảnh hưởng hoạt động ngư nghiệp ở Việt Nam

Theo TTXVN, từ ngày 27 đến 30-5, tại trụ sở chính ở thành phố New York, Hoa Kỳ, đã diễn ra Hội nghị lần thứ 15 tiến trình tư vấn của LHQ về đại dương và luật biển với chủ đề “Vai trò của thủy - hải sản với an ninh lương thực toàn cầu”. Tại hội nghị này, Trưởng đoàn Việt Nam đã có bài phát biểu phản đối các hành động bất hợp pháp của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở biển Đông. Trưởng đoàn Việt Nam đã đề cập đến các hành động gây căng thẳng mới đây của Trung Quốc tại biển Đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động ngư nghiệp chính đáng của ngư dân Việt Nam.

Vào ngày 28-5, tại Hội thảo về Luật Biển quốc tế do Bộ Ngoại giao, Thượng viện Italia và Viện Nghiên cứu quốc tế Italia (CESI), các nghị sĩ nước này đã bày tỏ quan ngại về những hành động gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông.

Theo báo Mỹ Washington Free Beacon, Trung Quốc đã triển khai 3 tàu ngầm hạt nhân được trang bị tên lửa đạn đạo tới căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam, phía Bắc biển Đông. Một bức ảnh chụp các tàu này cho thấy chúng được trang bị 12 tên lửa đạn đạo JL-2 có tầm bắn 7.885km. Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn lời một số chuyên gia công nghiệp Trung Quốc cho rằng giàn khoan Hải Dương-981 sẽ được di chuyển tới khu vực khác trên biển Đông sau khi hoàn tất hoạt động thăm dò gần quần đảo Hoàng Sa. Theo  các chuyên gia này, những khu vực đó có thể bao gồm cả quần đảo Trường Sa.

>> Video ông Nguyễn Quốc Cường trả lời phỏng vấn CNN:

Trung Quốc đang tìm cách thay đổi nguyên trạng ở biển Đông ảnh 2

Tối 29-5 (giờ Việt Nam), kênh CNN phát sóng cuộc phỏng vấn với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh. Phát biểu về hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và thềm lục địa Việt Nam, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nhấn mạnh đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế.

Thứ trưởng tái khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm quần đảo này và phía Việt Nam không thể chấp nhận vì nó vi phạm luật pháp quốc tế.

Trả lời câu hỏi liên quan việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam ngày 26-5, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh khẳng định đây là hành động leo thang căng thẳng trong khu vực, có chủ ý và vô nhân đạo. Việt Nam yêu cầu những hành động vô nhân đạo này phải được chấm dứt trong tương lai. Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện những biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền của mình. Các quốc gia đều phải tôn trọng luật pháp quốc tế.

THANH HẰNG (tổng hợp)

- Nhiều nước trong Phong trào Không liên kết kêu gọi giải quyết vấn đề biển Đông theo luật pháp quốc tế

- Tàu cá Đà Nẵng bị đâm chìm - bằng chứng về sự hung hăng của Trung Quốc

Tin cùng chuyên mục