Đâm chìm tàu cá Việt Nam có thể gọi là hành động khủng bố

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng Việt Nam, từ đầu tháng 5-2014, nhiều tàu cá của Việt Nam đã bị các tàu của Trung Quốc liên tục khống chế, xua đuổi, đâm va gây thiệt hại về tài sản. Nghiêm trọng hơn, lực lượng chức năng Trung Quốc đã nhiều lần có những hành vi đánh đập, gây thương tích, đe dọa tính mạng ngư dân Việt Nam.
Đâm chìm tàu cá Việt Nam có thể gọi là hành động khủng bố

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng Việt Nam, từ đầu tháng 5-2014, nhiều tàu cá của Việt Nam đã bị các tàu của Trung Quốc liên tục khống chế, xua đuổi, đâm va gây thiệt hại về tài sản. Nghiêm trọng hơn, lực lượng chức năng Trung Quốc đã nhiều lần có những hành vi đánh đập, gây thương tích, đe dọa tính mạng ngư dân Việt Nam.

        Cần chấm dứt hành động vô nhân đạo

Gần đây nhất, vào lúc 16 giờ ngày 26-5-2014, tại khu vực có tọa độ 15016’42”N - 111001’30”E, ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu cá Đà Nẵng mang số hiệu ĐNa 90152 TS cùng 10 ngư dân trên tàu đã bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 11209 đã đâm chìm. Hiện 10 ngư dân đã được lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển cứu vớt và đưa lên tàu an toàn.

Ngày 27-5, trao đổi với báo chí về việc tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, đây là hành động khủng bố mang tính “dằn mặt” ngư dân. “Chắc chắn sau khi vụ việc này xảy ra chúng ta sẽ có đấu tranh ngoại giao, có tiếng nói đối với Trung Quốc. Đó là việc làm sai trái, tàu cá của dân mà bị đâm chìm, chúng ta kiên quyết phản đối. Chúng ta cũng sẽ có đối sách để hạn chế thấp nhất việc bị đâm chìm tàu. Trước hết là ngoại giao, chúng ta lên án việc làm đó. Không thể chấp nhận việc anh dùng tàu lớn, dù chưa biết là tàu cá hay không phải tàu cá, nhưng anh đi bảo vệ giàn khoan và đâm chìm tàu cá của Việt Nam thì ở hình thức thấp nhất cũng có thể gọi là khủng bố” - ông Huỳnh Ngọc Sơn nói.

Ngư dân đánh bắt cá tại khu vực giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam.

Ngư dân đánh bắt cá tại khu vực giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 27-5, ông Võ Công Chánh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng), bày tỏ: Việc tàu cá của Trung Quốc mang số hiệu 11209 truy đuổi và đâm trực diện làm chìm tàu cá ĐNa 90152 của Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam ngày 26-5 đã đe dọa, làm cản trở sinh kế của ngư dân TP Đà Nẵng đang khai thác hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Là cơ quan hành chính địa phương được Nhà nước giao quản lý huyện đảo Hoàng Sa, chúng tôi lên án hành vi ngang ngược của phía Trung Quốc. Chúng tôi yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay những hành vi xâm phạm chủ quyền, gây hấn làm thiệt hại đến tài sản và cuộc sống của ngư dân Việt Nam.

Ngày 27-5-2014, trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên Việt Nam và quốc tế về phản ứng của Việt Nam trước các vụ việc này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Những hành động nói trên của phía Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), tiếp tục làm phức tạp tình hình trên biển Đông. Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt những hành động vô nhân đạo, xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế đồng thời xử lý nghiêm những người có liên quan, không để tái diễn những hành động tương tự và bồi thường thỏa đáng cho các ngư dân Việt Nam. Ngày 27-5-2014, đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã triệu đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối”.

        Trách nhiệm bảo vệ ngư dân

Xung quanh vụ việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam ngày 26-5, ĐBQH, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, nhìn chung, quan hệ giữa ngư dân Việt Nam với Trung Quốc ở khu vực này đang rất nóng bỏng. Tuy vậy, việc này không phải diễn ra bây giờ mà trước đây đã diễn ra khá thường xuyên. Nhưng trong thời điểm này, tàu cá Trung Quốc rất hung hăng, không chỉ có số lượng đông mà đằng sau họ có các lực lượng khác hỗ trợ, bảo vệ. Đây là việc làm phi pháp, thiếu thiện chí. Chúng ta có thể coi hành động đó là hành động khiêu khích, dùng sức mạnh tấn công ngư dân của ta trên ngư trường quen thuộc của Việt Nam. Đây là những hành động không thể chấp nhận.

Chính phủ, nhân dân và ngư dân Việt Nam đặc biệt lo ngại trước những hành động ngày càng có dấu hiệu leo thang của phía Trung Quốc. Nhưng với trách nhiệm, nhiệm vụ không chỉ vì mưu sinh mà bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, ngư dân Việt Nam vẫn sẽ kiên cường bám biển. Một mặt, ngư dân nên kiềm chế trước những hành vi khiêu khích của Trung Quốc; mặt khác cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất những va chạm với tàu Trung Quốc, tránh tổn thất bằng việc đi đánh bắt theo đoàn. Với lực lượng chấp pháp của Việt Nam, ngoài việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, họ cũng có trách nhiệm bảo vệ ngư dân đánh bắt hải sản trên biển, kiểm soát thực thi luật pháp trên biển.

Trong thông tin liên quan đến dư luận quốc tế lên án việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, ngày 27-5, Nhật Bản đã yêu cầu Trung Quốc kiềm chế tránh để căng thẳng leo thang trên Biển Đông. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định: “Đó là hành động vô cùng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng của người dân”. Cùng lúc này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho rằng việc tàu cá Việt Nam bị đâm chìm là một “vấn đề nghiêm trọng”. Ông Onodera nêu rõ những sự việc trên “cần phải được công bố một cách đúng đắn với cộng đồng quốc tế”.

Nhiều hãng thông tấn và truyền thông quốc tế như BBC, Reuters, AFP, các kênh truyền hình lớn như Bloomberg của Mỹ, ABC của Australia... cũng đưa tin chỉ trích tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam giữa lúc quan hệ giữa hai nước căng thẳng liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

NHÓM PV


Bất bình trước hành động ngang ngược của Trung Quốc

(SGGP).- Phát biểu với đoàn công tác của Ban Dân vận TƯ do đồng chí Nguyễn Thế Trung, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận TƯ, dẫn đầu làm việc với Thành ủy TPHCM chiều 27-5, ông Ngô Văn Triển, Trưởng ban Dân tộc TPHCM, cho biết, qua làm việc trực tiếp cho thấy cộng đồng người Hoa TPHCM đã thể hiện rõ sự lo lắng, bất bình trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Giới trí thức người Hoa, tiểu thương, doanh nghiệp, các hội quán, sinh viên học sinh… người Hoa đang sinh sống, học tập, làm ăn tại TPHCM từ bao đời nay đều bày tỏ mong muốn Trung Quốc mau chóng rút giàn khoan khỏi vùng biển của Việt Nam, kiềm chế các hành động để không xảy ra xung đột, gây ảnh hưởng đến nhân dân của cả hai nước.

Cùng ngày, đoàn công tác của Ban Dân vận Trung ương đã làm việc với TPHCM về công tác dân tộc, tôn giáo, các chế độ chính sách cán bộ dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội...

HỒNG HIỆP


Giàn khoan Hải Dương-981 đã dịch chuyển và neo ở vị trí khác

(SGGP).- Ngày 27-5, Cục Kiểm ngư (thuộc Bộ NN-PTNT) cho biết, xung quanh diễn biến tại khu vực giàn khoan Hải Dương-981, các tàu Trung Quốc đang tăng cường hoạt động, áp sát tàu kiểm ngư của Việt Nam hơn và thường xuyên có hành động mở bạt che súng, chĩa súng vào các tàu kiểm ngư của Việt Nam khi tới gần.

Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, tính đến 5 giờ 30 ngày 27-5, giàn khoan Hải Dương-981 đã di chuyển 3 - 4 hải lý/giờ về phía Đông Đông Bắc, và đến 10 giờ cùng ngày, Trung Quốc đã neo giàn khoan tại vị trí có tọa độ là 15 độ 33,38’vĩ Bắc và 111 độ 34,62’ độ kinh Đông - cách đảo Tri Tôn về hướng Đông Đông Nam 25 hải lý, cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng Đông Đông Bắc và cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý.

Trong ngày 27-5, Trung Quốc cũng tăng cường lực lượng quân sự, tàu hải tuần, hải giám bằng cách sử dụng những tàu lớn hơn, công suất cao hơn, chủ động tấn công, uy hiếp các tàu Việt Nam ngay từ xa dưới các hình thức vây ép, húc đẩy, đâm va, phun vòi rồng, sau đó co cụm lại quanh khu vực giàn khoan.

Tàu hải cảnh, hải tuần, tàu kéo, tàu vận tải của Trung Quốc vẫn tổ chức thành nhiều nhóm, áp sát các tàu chấp pháp của Việt Nam trong quá trình tiếp cận giàn khoan nhằm vây ép, đẩy phạm vi hoạt động từ 5 - 6 hải lý ra ngoài 10 hải lý. Tàu cá Trung Quốc vẫn dàn thành hàng, cản trở, ép, đe dọa đẩy tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động ở phạm vi cách giàn khoan 15 - 17 hải lý. Tàu cá Trung Quốc còn có hành động đâm húc nguy hiểm.

VĂN PHÚC

>> Trung Quốc sử dụng tàu quét mìn và tàu tên lửa tấn công nhanh bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981

Tin cùng chuyên mục