Tranh chấp trên biển Đông phải được giải quyết theo đúng luật quốc tế

* Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Russel
Tranh chấp trên biển Đông phải được giải quyết theo đúng luật quốc tế

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Russel:

Ngày 8-5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề về Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel đang thăm, làm việc tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Russel

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Russel

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn không ngừng thúc đẩy, làm sâu sắc quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ; bày tỏ hài lòng trước những kết quả triển khai Đối tác toàn diện gần một năm qua, nhất là việc hai nước vừa ký chính thức Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự (Hiệp định 123). Để tiếp tục triển khai Đối tác toàn diện và chuẩn bị cho kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 2015, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị hai bên cùng thúc đẩy để đạt những kết quả cụ thể trong thời gian tới, trong đó có việc tăng cường trao đổi đoàn các cấp, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư thông qua việc Hoa Kỳ tiếp tục mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, hạn chế các rào cản thương mại, nhất là việc áp dụng chương trình giám sát cá da trơn mới theo Đạo luật nông nghiệp 2014; sớm có lộ trình công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam cùng với việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đề nghị phía Hoa Kỳ tiếp tục dành cho Việt Nam sự linh hoạt và đối xử khác biệt trong đàm phán TPP như đã cam kết.

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Russel chuyển lời của Ngoại trưởng John Kerry mong muốn được đón Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm Hoa Kỳ; khẳng định việc xác lập quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam là một phần quan trọng trong chiến lược tăng cường quan hệ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Barack Obama; nhất trí cùng phối hợp để tiếp tục triển khai hiệu quả Đối tác toàn diện…

Trước đó, ngày 7-5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Russel đã đồng chủ trì cuộc Đối thoại lần thứ tư về châu Á - Thái Bình Dương.

 

* Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Russel

"Hoa Kỳ rất quan ngại về bất cứ hành động nguy hiểm nào gây ra ở khu vực và chúng tôi phản đối bất cứ động thái hăm dọa nào của các tàu, đặc biệt là ở những vùng biển đang tranh chấp. Đó là lý do chúng tôi tiếp tục khẳng định thông điệp phải sử dụng các biện pháp ngoại giao và các bên đều phải thực hiện để duy trì hòa bình ở khu vực với thái độ phù hợp"

 

* Ngày 8-5, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Russel đã có cuộc họp báo với các phóng viên Việt Nam và nước ngoài tại Hà Nội trong khuôn khổ chuyến công du 2 ngày tới Việt Nam từ ngày 7 đến 8-5.

Ông Daniel Russel thông tin, trong cuộc gặp với các lãnh đạo Việt Nam, ông đã thông tin ngắn gọn không chỉ về chính sách của Hoa Kỳ ở khu vực, mà cả kết quả các chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama mới đây tới 4 nước châu Á. “Từ các chuyến thăm đó, chúng tôi tái khẳng định sự gắn kết với khu vực, trong đó có Việt Nam. Tăng cường mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là một phần trong chính sách tập trung, tham gia của Hoa Kỳ trong khu vực châu Á. Hoa Kỳ đặt mối quan tâm lớn tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vì nó có liên quan trực tiếp tới lợi ích kinh tế lâu dài của mình”  - ông Daniel Russel nói.

Cũng theo Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, phía Việt Nam cũng đã thông báo cho ông về những diễn biến trên khu vực Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 đến Hoàng Sa. Ông Daniel Russel cho hay ông cũng đã giải thích quan điểm Hoa Kỳ đối với vấn đề biển Đông nói chung và sự kiện liên quan đến giàn khoan Trung Quốc nói riêng tại cuộc gặp với các lãnh đạo Việt Nam. Theo ông Daniel Russel, căng thẳng trên biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình, theo phương thức ngoại giao và theo luật quốc tế. “Quan điểm mạnh mẽ của Hoa Kỳ rằng những tuyên bố chủ quyền chồng chéo trên những vùng tranh chấp, trong đó có Hoàng Sa, phải được giải quyết một cách hòa bình, phải theo phương thức ngoại giao và phải giải quyết theo đúng luật quốc tế. Tự do hàng hải rất quan trọng đối với nền kinh tế thế giới và khu vực. Vì vậy, Hoa Kỳ thúc giục các quốc gia trong khu vực kiềm chế các động thái có thể đe dọa hòa bình và gia tăng căng thẳng. Tất cả các nước có liên quan cần kiềm chế để giữ hòa bình, ổn định trong khu vực” - ông Daniel Russel nhấn mạnh.

Ông Daniel Russel cho biết, quan điểm mạnh mẽ của Hoa Kỳ là nếu các kênh ngoại giao không đem lại kết quả, thì các bên có quyền vận dụng các cơ chế quốc tế hợp pháp.

THÀNH NAM - LINH ANH


Dư luận quốc tế:
Trung Quốc vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam

Ngày 8-5, các chính khách, nhà ngoại giao quốc tế, giới học giả chuyên gia cùng dư luận báo chí truyền thông các nước đều lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc triển khai giàn khoan dầu khổng lồ HD 981 trái phép vào vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Tàu Việt Nam bị hư hại sau khi bị tàu Trung Quốc đâm va ngày 7-5.

Tàu Việt Nam bị hư hại sau khi bị tàu Trung Quốc đâm va ngày 7-5.

Nhiều nước quan ngại

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ tàu Trung Quốc đâm va vào tàu cảnh sát biển Việt Nam ở biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế. Trước đó, bình luận về việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh hành động của Trung Quốc “làm gia tăng căng thẳng trong khu vực” và khiến Nhật Bản quan ngại. Ông kêu gọi tránh mọi hành động đơn phương trên biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore cũng bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới tại biển Đông. Trả lời báo giới về phản ứng của Singapore trước thông tin có nhiều sự cố xảy ra tại biển Đông, đặc biệt là các vụ tàu Trung Quốc đâm va vào tàu cảnh sát biển Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore nêu rõ Singapore kêu gọi các bên tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích và bày tỏ quan ngại về các hành động của tàu Trung Quốc ở biển Đông, coi đó là cách hành xử nguy hiểm.

Chuyên gia về Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer, cố vấn Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, nói với hãng tin AFP rằng quyết định đưa giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam là một thay đổi lớn trong chiến thuật của Trung Quốc. Ông Thayer cho biết thêm đây có thể là phản ứng của Bắc Kinh với chuyến thăm châu Á vừa qua của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong chuyến thăm, Mỹ khẳng định sẽ ủng hộ Nhật Bản và Philippines, hai quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh.

Ông Andrew Billo, học giả chuyên nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á thuộc Hiệp hội châu Á (Asia Society) có trụ sở tại New York, khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Ông Andrew nhấn mạnh đây rõ ràng là thất bại của Trung Quốc trong việc thực hiện trách nhiệm hành động theo Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà nước này đã ký với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Bước đi khiêu khích của Trung Quốc

Các hãng tin trên thế giới đều nhận định rằng việc Trung Quốc đặt giàn khoan trên thềm lục địa Việt Nam là diễn biến rất nghiêm trọng, gia tăng nguy cơ xung đột ở biển Đông.

Hãng tin AP nhận định việc đặt giàn khoan ở khu vực thềm lục địa Việt Nam cuối tuần trước là một trong những bước đi khiêu khích nhất của Trung Quốc trong việc khẳng định chủ quyền ở biển Đông. Hãng Reuters dẫn lời một quan chức trong ngành công nghiệp dầu khí Trung Quốc (giấu tên) nói rằng việc triển khai giàn khoan của Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) tới vùng biển gần Việt Nam dường như mang tính chính trị nhiều hơn là thương mại: “Động thái này phản ánh ý chí của chính phủ trung ương và còn có liên quan đến chiến lược của Mỹ ở châu Á”. Tờ The Economist đưa bài viết với tiêu đề “Không phải khoan dầu bình thường”, cho rằng cơ sở của những tuyên bố của Trung Quốc là mơ hồ, đều không có cơ sở luật pháp quốc tế và Trung Quốc cũng chưa bao giờ làm rõ những tuyên bố của mình.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain khẳng định việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là trái luật quốc tế và Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về cách hành xử hiếu chiến của mình. Ông McCain đưa ra lời chỉ trích Trung Quốc trong thông cáo báo chí được công bố trên trang web chính thức: “Các tàu Trung Quốc bao vây và đâm vào tàu của Cảnh sát Biển Việt Nam là biểu hiện của quấy rối hung hăng. Không có gì nghi ngờ rằng Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng này”.

VIỆT ANH (tổng hợp)

- Nhân dân ủng hộ đối sách kiên trì, kiên quyết đấu tranh trước hành vi ngang ngược, xâm phạm chủ quyền

- Việt Nam kiên quyết đấu tranh với mọi hành động xâm phạm chủ quyền

- Hải quân Việt Nam luôn sẵn sàng và đủ sức bảo vệ Tổ quốc

- Học giả Trung Quốc phản đối đưa giàn khoan vào biển Đông

Tin cùng chuyên mục