Hội nghị GMS lần thứ 5: Phát triển nhanh và bền vững tiểu vùng sông Mê Công

Ngày 20-12, tại Bangkok Thái Lan đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ 5 với sự tham dự của Thủ tướng các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc; Tổng thống Myanmar và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á.
Hội nghị GMS lần thứ 5: Phát triển nhanh và bền vững tiểu vùng sông Mê Công

Ngày 20-12, tại Bangkok Thái Lan đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ 5 với sự tham dự của Thủ tướng các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc; Tổng thống Myanmar và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á.

Sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước sông Mê Công

Với chủ đề “Đạt tới sự phát triển bền vững và toàn diện trong khu vực tiểu vùng”, hội nghị nhất trí “hợp tác GMS sau gần 2 thập kỷ qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các nước thành viên cũng như trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”.

Lãnh đạo các nước tham dự hội nghị.

Tuy nhiên, trước sự chuyển động nhanh chóng của kinh tế khu vực và thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong quá trình phát triển, tiểu vùng Mê Công đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn liên quan đến môi trường, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu và thiên tai. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, tiểu vùng Mê Công phát triển thịnh vượng, gắn kết và hài hòa sẽ chỉ đạt được nếu Chiến lược 3C: kết nối - cạnh tranh - cộng đồng được đặt trong mục tiêu tổng thể “phát triển bền vững và toàn diện” của tiểu vùng Mê Công.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề xuất 4 định hướng cho hợp tác GMS trong thời gian tới bao gồm: Đảm bảo sự cân bằng giữa 3 yếu tố kinh tế - con người - môi trường trong hợp tác GMS; cần sự chân thành và thực tâm hợp tác giữa các nước thành viên để tạo dựng tinh thần cộng đồng GMS; tiến tới hình thành cơ chế hợp tác mở để tranh thủ thế mạnh của các đối tác phát triển và huy động thêm nguồn lực cho các dự án GMS; khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, thế hệ trẻ tham gia tích cực vào hợp tác GMS. Các đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được hội nghị đánh giá cao.

Nhấn mạnh dòng sông Mê Công là sự gắn kết tất cả thành viên GMS, các lãnh đạo cũng đã trao đổi những giải pháp, nhất là hợp tác chặt chẽ trong quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước sông Mê Công, để sông Mê Công luôn là kết nối bền chặt tình hữu nghị, hợp tác giữa người dân và các quốc gia ven sông.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho rằng, GMS cần tập trung khai thác tối đa mạng lưới giao thông đường bộ hiện có gắn với phát huy các khu vực biên mậu, khu kinh tế cửa khẩu để phát triển mạnh giao thương và giao lưu nhân dân…

Gắn kết GMS với chiến lược phát triển quốc gia

Thực tế cho thấy, GMS đang đứng trước những thách thức lớn như: khoảng cách phát triển giữa các quốc gia, mức độ hội nhập quốc tế, vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu… Để giải quyết các thách thức này, hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung và công bố các tài liệu về kế hoạch thực hiện Khung đầu tư khu vực GMS (RIF) giai đoạn 2014-2018; tài liệu về thành lập Trung tâm Điều phối điện khu vực (RPCC); tài liệu về thành lập Hiệp hội đường sắt GMS; báo cáo rà soát Chiến lược giao thông GMS (2006 - 2015).

Các nhà lãnh đạo nhất trí: Thực hiện Khung đầu tư khu vực GMS (RIF) giai đoạn 2014 -2018; gắn kết hợp tác GMS với chiến lược phát triển quốc gia mỗi nước; thực hiện Chiến lược và chương trình hành động về các hành lang kinh tế GMS; xây dựng chương trình hoạt động tổng thể về tạo thuận lợi cho giao thông và thương mại; thúc đẩy sự phát triển của khu vực, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai và bảo vệ, phát triển hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực.

Hội nghị cũng nhất trí tổ chức Hội nghị GMS lần thứ 6 tại Việt Nam vào năm 2017.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục