PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng - người sáng lập và là Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Hồng Bàng - Việt Nam. Ông là nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ phương Đông đối chiếu, là người chịu khó đọc sách. Giới giáo chức và nghiên cứu gọi ông là “con mọt sách”. Tuy nhiên, “con mọt” thì ăn vào sách, ăn mất chữ nghĩa, còn ông thì nâng niu sách và thêm chữ nghĩa cho những quyển sách mà ông đã xuất bản.
Phải nói là ông “cặm cụi ngày đêm” để hoàn thành những công trình lớn có giá trị khoa học và xã hội nhân văn. Các công trình ấy có thể kể đến tác phẩm Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX - Kỹ thuật của người An Nam thông qua bộ tư liệu đã bị quên lãng từ gần 1 thế kỷ “Technique Du Peuple Annamite” của Henri Oger (1908-1909 tại Hà Nội) mà ông đã mất hơn 10 năm nghiên cứu. Ngoài ra, tác phẩm Kanji Hán Nhật Việt - Từ điển lại lấy thêm công sức của ông hơn 10 năm nữa, trong đó có 7 năm “nằm hầm” trước năm 1975 tại Sài Gòn. Đó là chưa kể những bộ tiểu thuyết đã ấn hành như Con kền kền và thằng bé” - tái hiện nạn đói năm Ất Dậu. Bộ tiểu thuyết Viên sỏi đen trong thể loại truyện Chiến tranh và hòa bình Việt Nam” - từ năm 1945 đến năm 1976.
Đó là chưa nói những tham luận của ông về văn minh, văn hóa Việt Nam, Nhật Bản, Hoa Kỳ trong cách đối chiếu và so sánh. Đặc biệt so sánh Chữ Nôm Việt Nam và chữ Nôm Nhật Bản mà ông cố tình đưa ra khái niệm mới. Nhật Bản đã hoàn toàn sáng tạo ra bộ chữ Nôm hoàn chỉnh để viết văn tự. Khái niệm này đã gây “sốc” một thời cho nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Nhân dịp ra mắt bộ Việt Nam xưa, tập 3, chúng tôi xin giới thiệu người chủ biên của tập sách này, một người đã có công góp nhặt nên bộ bưu thiếp từ xa xưa mà ngày nay phần lớn đã không còn tồn tại trong xã hội chúng ta.
Xin trân trọng giới thiệu.
Nguyễn Hạnh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Xưa & Nay)