Vươn mình
Đó là nhận định của TS. Florangel Rosario Braid trên tờ Manila Bulletin với bài viết tiêu đề: “Việt Nam - con hổ kinh tế đang vươn mình” (Vietnam, the rising tiger economy). Bà Braid viết: “Việt Nam với tăng trưởng GDP 6,81% năm 2017, là nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á. Bất cứ ai đã đến đất nước này sẽ hiểu lý do tại sao sau khi xem người dân ở đó lao động, sau khi nghiên cứu các chính sách của chính phủ về kinh tế, giáo dục và hoạt động của các cơ quan chính phủ”.
Theo TS. Braid, Việt Nam đã thu hút sự ngưỡng mộ của nhiều người, vì đã nhấn mạnh vào chất lượng thay vì số lượng; thái độ làm việc chăm chỉ với tinh thần kinh doanh chủ động, sáng tạo, đã mở cửa thị trường, hội nhập mạnh mẽ nền kinh tế khu vực và thế giới. Các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt việc dần hình thành các đặc khu kinh tế, cho thấy Việt Nam đang cố gắng để trở nên cạnh tranh hơn.
Trong khi đó, chính phủ đã kiểm soát được lạm phát và cải thiện môi trường kinh doanh, bằng cách đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất thông qua cải cách thể chế. “Việc đưa ra các cải cách kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế thị trường thành công của thế giới. Tư nhân được khuyến khích và các doanh nghiệp nhà nước đang được cơ cấu lại. Sản xuất, công nghệ thông tin và kinh doanh công nghệ cao hiện nay là một bộ phận của nền kinh tế quốc dân” - TS. Braid viết.
Một yếu tố có thể giải thích sự tăng trưởng về năng suất và kinh doanh, theo TS. Braid, là việc Nhà nước tập trung nâng cao năng lực đổi mới thông qua việc chú trọng khoa học và công nghệ. “Việt Nam khuyến khích các thí nghiệm về robot học, các chương trình vũ trụ, khuyến khích các sản phẩm khoa học về đời sống, vật lý, kỹ thuật, toán học và vật lý, biến đổi khí hậu, công nghệ sinh học. Hệ thống quản lý và văn hóa kinh doanh của Việt Nam đang được cải thiện tốt, là các nhân tố góp phần làm cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào năm 2020” - TS. Braid cho biết.
Tuy nhiên, theo TS. Braid, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam đòi hỏi một cơ sở nguồn nhân lực có tay nghề cao, chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D) mạnh, và các chính sách tài chính để khuyến khích nâng cấp công nghệ. Quan trọng hơn, Chính phủ phải cố gắng loại trừ tệ nạn tham nhũng, hối lộ, chiếm đoạt tài sản nhà nước…
Dấu ấn qua 2 kỳ APEC
Báo The Diplomat ngày 30-10-2017 viết: “APEC 2006 tại Hà Nội là dịp Việt Nam ra mắt, khởi đầu cho quá trình hội nhập với thế giới. Việc cải thiện quan hệ đã giúp tăng cường thương mại, đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), GDP của Việt Nam đã tăng gấp đôi, từ 25 tỷ USD năm 1996 lên 66 tỷ USD năm 2006. Thu nhập quốc dân (GNI) trên đầu người từ 310USD năm 1996 lên 760USD năm 2006. Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn dừng lại ở mức 2,4 tỷ USD/năm trong thời kỳ này”.
Còn APEC 2017 là nơi Việt Nam tỏa sáng sau nhiều năm hội nhập với thế giới. Kể từ APEC 2006, Việt Nam tiếp tục công cuộc hội nhập kinh tế với các nước láng giềng và các đối tác thương mại ở xa hơn… Kết quả của việc gia tăng hội nhập kinh tế là Việt Nam đã đa dạng hóa được thị trường xuất khẩu. Theo Liên hiệp quốc, cách đây 10 năm, vào năm 2007 tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đã đạt con số 100 tỷ USD, sau khi trở thành thành viên chính thức WTO.
4 năm sau, (2011) quy mô xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi, đạt con số 200 tỷ USD. Con số 300 tỷ USD tiếp tục đạt được với khoảng thời gian tương tự sau 4 năm (2015). Rút ngắn một nửa thời gian, chỉ cần 2 năm tiếp theo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã chinh phục con số kỷ lục 410 tỷ USD, trong đó xuất siêu đạt trên 3 tỷ USD, đóng góp tích cực vào tăng trưởng toàn nền kinh tế. Năm 2017 nhiều dự án quy mô lớn được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khiến dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng nhanh, đạt xấp xỉ 36 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong khi đó, báo Borneo Bulletin của Brunei ngày 2-9-2017, ca ngợi Việt Nam đã thành công trong việc vượt qua thách thức: “Trong những năm gần đây, ngoài những cơ hội và lợi thế, Việt Nam đã phải đối mặt với những tác động bất lợi do những thay đổi phức tạp trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam đã vượt qua được những khó khăn và thách thức để đạt được nhiều mục tiêu quan trọng: quy mô và năng lực của nền kinh tế đã được mở rộng; kinh tế vĩ mô ổn định và lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế được duy trì ở một mức hợp lý và bắt đầu phục hồi dần dần kể từ năm 2013. Đất nước đã tập trung cơ cấu lại kinh tế gắn liền với việc đổi mới mô hình tăng trưởng, đã đạt được một số kết quả tích cực ban đầu. Hệ thống giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế và bảo vệ môi trường đã có sự phát triển bền vững”.
Triển vọng 2018
2018 hứa hẹn tiếp tục là một năm tỏa sáng của Việt Nam. Ông Kevin Snowball, Tổng Giám đốc của PXP Vietnam Asset Management, nói trên Bloomberg ngày 10-11-2017: “Có rất nhiều tiền đổ vào Việt Nam, và vẫn có tiềm năng cho thị trường tiếp tục tăng trong năm 2018”. Trong khi đó, hãng Forbes ngày 27-12-2017 có bài viết, cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tăng tốc vào năm 2018 khi các nhà đầu tư tràn vào “như nước lũ”.
Trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam theo hướng tích cực hơn, với 6,7% năm 2018 thay cho dự báo 6,3% và 6,5% trước đó. Ngay cả WB dù thận trọng hơn cũng dự báo tăng trưởng trong năm tới cao hơn năm 2017.
Theo Forbes, đầu năm 2017, hạn hán đã làm ảnh hưởng tới nông nghiệp Việt Nam, trong khi khai thác mỏ đối mặt chi phí sản xuất cao và giảm giá bán ra nước ngoài. Quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã khiến nhiều người lo lắng, Việt Nam sẽ bỏ lỡ các mục tiêu tăng trưởng. “Nhưng những làn gió ngược đó vẫn không cản được Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện tử và các nhà máy sản xuất sợi polyester vẫn chọn Việt Nam vì chi phí thấp, lao động dồi dào và quá trình cấp phép thực tế thông thoáng hơn” - Forbes viết.
Hãng nghiên cứu đầu tư SSI Research cho biết: "Chúng ta có thể suy luận hợp lý rằng, vốn FDI đăng ký cao vào năm 2017 sẽ dẫn đến giải ngân dòng vốn này cao vào năm 2018”. Theo Forbes, các nhà đầu tư bị thu hút đến Việt Nam vì một lực lượng lao động trẻ trung, đầy nhiệt huyết. Khởi sự kinh doanh ở Việt Nam đang trở nên có hiệu quả hơn và hầu hết ngành công nghiệp đều cho phép đầu tư nước ngoài 100%.