Tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam học trong thế giới ngày nay” (do Khoa Việt Nam học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM tổ chức), PGS-TS Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Việt Nam học, cho biết những năm vừa qua, với tư cách là một ngành khoa học liên ngành nghiên cứu về đất nước, con người Việt Nam, Việt Nam học đã nhanh chóng xác lập được vị trí quan trọng trong hệ thống nghiên cứu và đào tạo, trở thành ngành khoa học mũi nhọn thu hút sự quan tâm của đông đảo học giả trong và ngoài nước.
Trong đó, bên cạnh một số quốc gia có lịch sử phát triển ngành học này khá lâu đời như Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, thì vài chục năm trở lại đây, Hàn Quốc và Hoa Kỳ nổi lên như những quốc gia có sự phát triển phi mã về chuyên ngành Việt Nam học.
Tại Nhật Bản, nhìn lại lịch sử phát triển gần 400 năm của ngành học này, TS Bùi Duy Dương, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, phân tích hiện nay không chỉ các nhà kinh doanh, nhân viên các công ty sắp đầu tư vào Việt Nam theo học tiếng Việt, mà nhiều tầng lớp xã hội khác nhau như các bà nội trợ, sinh viên các trường đại học, nhân viên cơ quan nhà nước, chuyên viên các ngành nghề khác nhau, thậm chí những người đã về hưu cũng tham gia học tiếng Việt nhằm mục đích du lịch hoặc kết bạn, tìm cơ hội giao lưu văn hóa, xã hội với người dân đất nước “hình chữ S”.
Nhiều trường đại học ở quốc gia này đã mở thêm chuyên ngành tiếng Việt, các trung tâm ngoại ngữ cũng bổ sung thêm ngoại ngữ tiếng Việt, khiến bức tranh giảng dạy tiếng Việt trở nên đa dạng và nhiều màu sắc.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phương, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, cho biết bắt đầu từ tháng 9-2015, Bộ GD-ĐT Việt Nam đã ban hành quy định về Khung năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài.
Đây là cơ sở giúp các cơ sở giáo dục thiết kế các dạng bài tập, bài thi đánh giá năng lực sinh viên. Tuy nhiên, trước những yêu cầu đặt ra của thời kỳ đổi mới, việc đánh giá khả năng ngoại ngữ nói chung và năng lực tiếng Việt đối với người nước ngoài nói riêng hiện nay cần chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn tiếp cận theo hướng phát triển năng lực.
Cụ thể, đánh giá không chỉ nằm ở chỗ đo lường xem người học nhớ được bao nhiêu kiến thức, mà cần kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức đã học vào tình huống thực tế.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Lịch, Trường Đại học Thăng Long Hà Nội, 20 năm qua, ngành Việt Nam học đã và đang phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, sự phát triển này đang tập trung nhiều về mặt số lượng, thiếu đào sâu khả năng tiếp thu, hiểu biết về phương pháp tiếp cận liên ngành do còn nhiều bỡ ngỡ và hạn chế về mặt phương pháp.
Từ thực tế đó, PGS-TS Nguyễn Văn Lịch kiến nghị, để chuyên ngành này phát triển, cần tiếp cận theo hướng nghiên cứu liên ngành, đặt đối tượng nghiên cứu trong không gian lịch sử, văn hóa và phát triển bền vững, đặt Việt Nam trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.