Sai phạm nối sai phạm
Theo ghi nhận tại phường Phú Hữu, Phước Long B (quận 9, TPHCM), chính quyền địa phương hiện đang tập trung tháo dỡ hàng chục công trình xây dựng trái phép. Chỉ riêng dự án khu nhà ở Trường Đại học Bách khoa đã có 42 nhà kho, nhà xưởng xây dựng sai quy hoạch hiện đang được vận động tự tháo dỡ, nếu không chính quyền sẽ tổ chức cưỡng chế. Tại phường Phước Long B còn có 11 công trình trái phép xây dựng trên đất nông nghiệp và một phần đất dự trữ dọc theo đường Vành đai 2.
Gần đó, quận Thủ Đức cũng vừa tổ chức cưỡng chế nhiều công trình không phép tại các phường Linh Trung, Tam Phú. Tại phường Linh Trung, các công trình không phép chủ yếu xây dựng trên đất dự án Đại học Quốc gia TPHCM và 2 khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý. Trong đó, ở trại thực nghiệm (khu phố 6) có 23 công trình xây dựng không phép lấn lộ giới quốc lộ 1. Gần đó, ở khu đất nông trại nuôi heo của Huyện ủy Thủ Đức (cũ), chính quyền địa phương lập 2 chốt canh và gắn 8 camera để giám sát xây dựng 24/24 giờ. Tuy nhiên, số vụ vi phạm vẫn tăng chóng mặt. Nếu như trong quý 1-2018 nơi đây chỉ có một công trình không phép thì hết quý 1-2019 xảy ra đến 24 trường hợp. Đến cuối tháng 5-2019 con số này tăng lên 45 trường hợp.
Tính chung, toàn quận Thủ Đức trong 4 tháng đầu năm 2019 có 80 trường hợp xây dựng không phép, tăng 700% (tăng 70 trường hợp) so với cùng kỳ năm trước. Trong thời gian này, công trình sai phép cũng tiếp tục tăng hơn 153% so với cùng kỳ 2018 (38 vụ so với 15 vụ). Thống kê của quận Thủ Đức cho thấy, tình trạng xây dựng không phép chủ yếu trên đất nông nghiệp, đất không phù hợp với quy hoạch hoặc trên đất công, gồm các phường Linh Xuân, Linh Trung, Linh Đông, Tam Phú, Bình Chiểu, Trường Thọ, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước.
Trong khi đó, tại huyện Bình Chánh, từ giữa tháng 3-2017 đến cuối năm 2018, các đơn vị liên quan đã phát hiện, cưỡng chế từ đầu gần 1.370 trường hợp, trong đó có gần 690 trường hợp xây dựng không phép. Kết quả xử lý này được cho là tạo “chuyển biến tích cực” khi qua số liệu thống kê của địa phương, công trình không phép giảm mạnh, như năm 2017 có 238 trường hợp thì năm 2018 chỉ còn 78 trường hợp và 6 tháng đầu năm 2019 có 43 trường hợp. Tuy nhiên, trong năm 2019, tại các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B của huyện đã xảy ra các vi phạm nổi cộm với nhiều vụ tự ý phân lô, cất nhà trên đất nông nghiệp. Đặc biệt, báo chí còn phản ánh khá rõ nét những dấu hiệu bảo kê từ lực lượng chức năng.
Theo thống kê, trong các năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, toàn TPHCM có hơn 2.570 công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, đất nằm trong quy hoạch…, chiếm hơn 53% tổng số công trình xây dựng không phép. Các quận vùng ven, huyện ngoại thành đang có tốc độ đô thị hóa cao (quận 2, quận 12, quận Bình Tân, quận Thủ Đức, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi…) xảy ra hàng loạt vi phạm. Trong đó, việc người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rồi phân lô, bán nền để xây nhà trên đất nông nghiệp đã làm phá vỡ quy hoạch, hình thành các khu dân cư tự phát và làm phát sinh nhiều hệ lụy.
Được cấp phép cũng… làm sai!
Các quận vùng ven và huyện ngoại thành với đất quy hoạch, đất nông nghiệp còn nhiều thì xây dựng không phép là phổ biến. Ngược lại, trong nội thành thì nổi lên tình trạng xây dựng sai phép. Sai phạm còn xảy ra ở các dự án quy mô lớn như việc xây dựng 110 nhà liên kế tại dự án ở quận 7 khi chưa hoàn tất thủ tục; tổ chức thi công rầm rộ ở dự án Laimian City tại khu đô thị An Phú - An Khánh (quận 2) khi chưa được phép xây dựng.
Qua thống kê cho thấy, trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 toàn TPHCM xảy ra hơn 4.252 trường hợp vi phạm xây dựng ở các công trình đủ điều kiện để cấp phép xây dựng. Trong đó, nhóm được cấp giấy phép xây dựng (GPXD) không phải nhà ở riêng lẻ có 597 trường hợp vi phạm, chủ yếu ở huyện Bình Chánh, quận 2. Nhóm được cấp GPXD nhà ở riêng lẻ có 2.571 vi phạm, chủ yếu ở quận Bình Tân, quận Thủ Đức, quận 4 và quận 2. Nhóm được cấp GPXD có thời hạn có 154 vi phạm, chủ yếu ở huyện Hóc Môn, quận Bình Tân, quận 9. Đặc biệt, nhóm công trình đủ điều kiện cấp GPXD nhưng vẫn xây dựng không phép, với 930 công trình, chủ yếu ở quận 12, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, quận 2 và quận Bình Tân.
Trong nhiều trường hợp, vi phạm xảy ra do sự “dễ dãi” bởi lực lượng thực thi công vụ, ở khâu cấp phép. Đơn cử, ở quận 1, thời điểm ông Đoàn Ngọc Hải còn làm Phó Chủ tịch UBND quận 1 đã ký hàng chục giấy phép xây dựng vượt thẩm quyền, tăng tầng cao, tăng mật độ xây dựng so với quy hoạch không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị khu trung tâm hiện hữu TPHCM (930ha). Liên quan đến các sai phạm này, PV Báo SGGP liên hệ với lãnh đạo UBND quận 1, trong đó có ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND quận, nhiều lần. Qua nhiều lần nhắn tin, điện thoại và gửi câu hỏi theo đề nghị nhưng vẫn không nhận được thông tin trả lời.
Ở cấp cao hơn, đơn cử như nhiều lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP đã tham mưu UBND TP điều chỉnh chức năng, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của một dự án chung cư tại phường 15 (quận Tân Bình) không phù hợp, làm phá vỡ quy hoạch. Trước các sai phạm này, nhiều lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã phải… kiểm điểm, rút kinh nghiệm!
Chiều 7-7, ông Hồ Ngọc Tùng, Quyền Chủ tịch UBND phường Trường Thạnh (quận 9, TPHCM), cho biết đã phát thông báo việc mua bán đất nền có dấu hiệu lừa đảo trên địa bàn phường. Cụ thể, thời gian qua, phường tiếp nhận thông tin về việc phân lô, mua bán đất nền tại khu đất mặt tiền đường Lò Lu, tổ 1, khu phố Ích Thạnh. Các lô đất này nằm tại thửa đất số 559, 560 trên tờ bản đồ số 17 (nay được thành lập thửa đất mới là 1418). Công ty cổ phần Thiết kế xây dựng địa ốc Đại Phúc Real (972 Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu, quận 9) rao bán đất nền ở vị trí thửa đất trên với tên “Khu dân cư cao cấp Long Phụng 1”. Theo ông Tùng, khu đất này được một chủ đất mới mua lại. UBND phường làm việc với người này và được xác nhận không ủy quyền hay bất kỳ cam kết nào để Công ty cổ phần Thiết kế xây dựng địa ốc Đại Phúc Real làm đại diện phân phối, mua bán tại vị trí thửa đất trên. MAI HOA |