Bảo tàng sống động về khảo cổ học dưới lòng đất

Nằm sâu trong lòng đất, tại 2 tầng hầm của tòa nhà Quốc hội, có một không gian đầy những thanh âm của tiếng chim hót, tiếng chuông, tiếng nhạc, màu cổ kính của những viên ngói thời Lý Trần, màu son của đầu rồng thời Lý...
Bảo tàng sống động về khảo cổ học dưới lòng đất

Nằm sâu trong lòng đất, tại 2 tầng hầm của tòa nhà Quốc hội, có một không gian đầy những thanh âm của tiếng chim hót, tiếng chuông, tiếng nhạc, màu cổ kính của những viên ngói thời Lý Trần, màu son của đầu rồng thời Lý...

Đây chính là bảo tàng trưng bày hơn 400 di vật và gần 10 di tích được các nhà khoa học khảo cổ phát hiện trong quá trình khai quật tại chính khu vực tòa nhà này. So với hàng chục ngàn di vật và 140 di tích đã được phát hiện, lưu giữ trên chính mảnh đất linh thiêng này thì hiện vật trưng bày chỉ là một phần nhỏ trong số đó. Nhưng đến với nơi đây, để nghe, nhìn và cảm nhận, dường như ký ức của ngàn năm lịch sử kinh thành xưa đang ào ạt dội về. 

Cuộc cách mạng về bảo tàng

PGS-TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh thành, chủ nhiệm dự án này chia sẻ, chủ trương dành một phần diện tích dưới 2 tầng hầm của tòa nhà Quốc hội để trưng bày một số loại hình di tích, di vật tiêu biểu được khai quật dưới lòng đất tòa nhà đưa ra song song với việc xây dựng tòa nhà Quốc hội mới. Vì vậy, công việc nghiên cứu và đưa ra không gian trưng bày đặc biệt này được khởi động mạnh mẽ vào năm 2014. Tất cả xuất phát từ mong muốn của những nhà khoa học, làm sao có thể biểu đạt sống động nhất, dễ hiểu nhất, để công chúng có thể tiếp cận những giá trị khảo cổ học một cách giản dị nhất, cảm nhận một cách sâu lắng về lịch sử và văn hóa của cha ông trên chính mảnh đất này. Do đó, một không gian trưng bày nhưng thực sự đó là một bảo tàng về khảo cổ học đã được đưa ra và theo đuổi.

Bảo tàng sống động về khảo cổ học dưới lòng đất ảnh 2

Các hiện vật được trưng bày ở phía dưới tòa nhà Quốc hội

“Bên cạnh ý tưởng trưng bày hiện vật theo địa tầng khảo cổ học, còn trưng bày theo diễn biến thời gian từ xa xưa lại gần từ thời Tiền Thăng Long, thời kỳ trước khi vua Lý Công Uẩn hạ Chiếu dời đô về đây đến thời kỳ Thăng Long, tức là sau năm 1010, sau khi vua Lý Công Uẩn hạ đô. Ở mỗi tầng hầm, trong mỗi không gian, chúng tôi lại lựa chọn các điểm nhấn nhằm đem lại những cảm xúc, ấn tượng cho người xem và thể hiện những giá trị cốt lõi nhất của di sản đến công chúng một cách tự nhiên”, TS Bùi Minh Trí cho biết. Với diện tích gần 1.700m­2, tầng hầm 1 là không gian trưng bày những di tích, di vật Thăng Long và nổi bật nhất là những mô phỏng về một kiến trúc của cung điện thời Lý, được tái tạo giống như bối cảnh khai quật. Mặt bằng kiến trúc được trình diễn bằng hệ thống 42 đèn cột ánh sáng, để gợi mở cho công chúng hình dung về 42 cột gỗ của một công trình kiến trúc Cung điện thời Lý, cùng sắc thái độc đáo của bộ mái qua các loại ngói lợp còn tìm thấy được. Lịch sử vàng son của kinh đô Thăng Long cùng dấu tích cung điện còn được diễn giải sinh động với công nghệ trình diễn mapping và media, tái tạo lại bằng hình ảnh của một bức tường bao quanh cung điện

Là một trong những người đầu tiên được tham quan không gian trưng bày này, PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vô cùng ấn tượng với những hiệu quả của không gian trưng bày đem lại và thốt lên rằng, đây là một cuộc cách mạng về bảo tàng cho hệ thống bảo tàng Việt Nam! Với PGS-TS Hoàng Văn Khoán thì một trong những hiệu quả rõ nét của bảo tàng dưới lòng đất này là tính chân thực, hiện vật nguyên gốc chứ không bị lồng vào ý chủ quan của người làm trưng bày. “Nếu đi chậm, đi hết, người ta có thể hình dung được cả tiến trình lịch sử lâu dài, đậm nét nhất là Lý, Trần, Lê”, ông Khoán nói.

Nhìn, nghe, hiểu và cùng cảm nhận

Những câu chuyện về khảo cổ tưởng như rất khó kể nhưng đã kể được và kể rất hay bởi khi đến đây người ta không chỉ nhìn, nghe hiểu mà còn được tương tác, được cảm nhận không gian, thời gian của những thời kỳ ấy qua các công nghệ hiện đại có tính tương tác cao. Chỉ một cái cóng, cái đồ đựng thức ăn cho chim ăn, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được cái cóng và suy nghĩ làm thế nào để cái cóng “nói được tiếng nói”, để người xem suy nghĩ được đời sống trong cung đình như thế nào. Và người ta đã sáng tạo ra góc trưng bày vừa có cái cóng, vừa có cái lồng chim, vừa nghe tiếng chim hót và thấy chim bay nhảy trong cái lồng đó. Một cách rất đơn giản thôi, người ta tìm thấy một mảnh vỡ trong cái giếng cổ. Và người ta đã phục dựng lại cái giếng cổ, ở giữa vẫn để lại hiện vật là những viên gạch xây dựng cái giếng đó. Tất cả những cái đó đã làm cho bảo tàng này trở nên sống động. Người ta sẽ cảm thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa cuộc sống và hiện vật.

Thực tế, ngoài các khu tái hiện thành quả khảo cổ học, khách tham quan, nhất là trẻ em có cơ hội tham gia các trò chơi điện tử tương tác ở mỗi tầng hầm. Đó có thể là trò chơi đi chân trần trên mặt sàn sẽ thấy mặt sàn nở hoa, hoặc tìm thấy các hiện vật khảo cổ, chỗ khác là trò chơi ghép hình cung điện...

Những ai đã từng đặt chân đến khu trưng bày khảo cổ học dưới tầng hầm tòa nhà Quốc hội đều có chung cảm giác cuốn hút. Tuy nhiên, thời gian mở cửa phục vụ đông đảo khách tham quan vẫn đang để ngỏ…

MAI AN

“Việc sử dụng công nghệ mới, cùng phương pháp trưng bày kết hợp tĩnh và động, tạo ra tương tác giữa hiện vật với người xem, sự hài hòa giữa không gian xưa và nay đã đưa tới một cách cảm nhận rất mới đối với khách tham quan”

PGS-TS NGUYỄN VĂN HUY

Tin cùng chuyên mục