Dạy vẽ trên đảo Trường Sa

Câu chuyện bắt đầu được gợi lên từ những tác phẩm vẽ về đảo Trường Sa của họa sĩ Phan Oánh vừa trưng bày trong cuộc triển lãm chung tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. “Nghệ sĩ chúng tôi được ra thăm một số đảo ở Trường Sa. Ngoài vẽ ký họa phong cảnh, ký họa chân dung anh em hải quân, chúng tôi đã dạy vẽ cấp tốc cho các chiến sĩ và các cháu thiếu nhi, học sinh trên đảo…”,  họa sĩ Phan Oánh cho biết.
Dạy vẽ trên đảo Trường Sa

Câu chuyện bắt đầu được gợi lên từ những tác phẩm vẽ về đảo Trường Sa của họa sĩ Phan Oánh vừa trưng bày trong cuộc triển lãm chung tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. “Nghệ sĩ chúng tôi được ra thăm một số đảo ở Trường Sa. Ngoài vẽ ký họa phong cảnh, ký họa chân dung anh em hải quân, chúng tôi đã dạy vẽ cấp tốc cho các chiến sĩ và các cháu thiếu nhi, học sinh trên đảo…”,  họa sĩ Phan Oánh cho biết.

Đến đảo Trường Sa Lớn, các nghệ sĩ mỹ thuật phân ra làm 2 nhóm. Nhóm 1 gồm họa sĩ Phan Oánh và Lê Văn Nhường nhận nhiệm vụ vẽ ký họa. Các chàng “người mẫu” chịu khó xếp hàng chờ đến lượt mình một cách vui vẻ và thỉnh thoảng đề nghị “bố Oánh vẽ cho con một bức chân dung thật đẹp đấy nhé!”. Nụ cười thật tươi, thật rạng rỡ của những anh lính trẻ măng làm vị đại tá - cựu chiến binh Phan Oánh chợt nhớ một thời  trai trẻ của thế hệ mình lúc ở Trường Sơn. Sự lạc quan, khí phách dũng cảm, mạnh mẽ, thời đại nào cũng thể hiện nồng nhiệt ở  tuổi trẻ.

Tranh của các cháu thiếu nhi đảo Trường Sa trong cuộc triển lãm ở Hà Nội

Tranh của các cháu thiếu nhi đảo Trường Sa trong cuộc triển lãm ở Hà Nội

Họa sĩ Lý Trực Sơn và nhà điêu khắc Đào Châu Hải phụ trách dạy vẽ ở nhóm 2 trên đảo. Các ông tìm gặp cô giáo Bùi Thị Nhung và nhờ cô tổ chức lớp vẽ thiếu nhi tại nhà văn hóa của đảo. Bọn trẻ học vẽ khá nhanh và vẽ đẹp, ngộ nghĩnh, tình cảm trong trẻo.

Những ngày kế tiếp, đoàn nghệ sĩ ghé thăm đảo Sinh Tồn, đảo Song Tử Tây. Lớp vẽ cấp tốc tiếp tục được mở. Các “họa sĩ -  lính đảo” đang làm bích báo của bộ đội khá tin tưởng cho rằng mình có cơ hội nâng cao tay nghề vẽ minh họa và trình bày báo nghệ thuật hơn. Ở đảo Song Tử Tây, thầy giáo Đoàn Quốc Thái cũng tập hợp các cháu thiếu nhi từ 4 - 9 tuổi đến lớp vẽ. Bọn trẻ được dịp tung tẩy màu cùng các bác họa sĩ. Lần này, đến lượt họa sĩ Lý Trực Sơn khen các “họa sĩ nhí” vẽ đẹp và tự nhiên. Các ông bàn luận: Các cháu thiếu nhi ở đất đảo có năng khiếu hội họa, nếu được một trường mỹ thuật nào đó ở TPHCM hay Hà Nội nhận đỡ đầu đào tạo sau này, biết đâu đó cũng là một cách thức khá thiết thực để thế hệ nghệ sĩ trẻ tiếp nối ươm mầm cho hạt giống nghệ thuật trên đất đảo Tổ quốc đầu sóng ngọn gió!

Họa sĩ Phan Oánh cho biết, cuối năm ngoái các tác phẩm ký họa và sáng tác của các nghệ sĩ mỹ thuật sau chuyến đi thực tế, tranh của anh em hải quân Việt Nam và tranh của các em thiếu nhi trên các đảo Trường Sa đã được trưng bày ở Hà Nội.

Giá như cuộc triển lãm mỹ thuật đầy ý nghĩa như thế tiếp tục được mở rộng cho công chúng nhiều miền đất nước thưởng thức, chia sẻ và hỗ trợ.

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục