Lan tỏa tinh hoa nghề Việt

Các làng nghề tiêu biểu trong cả nước đang háo hức chuẩn bị những sản phẩm truyền thống đặc sắc nhất để trình làng tại Festival nghề truyền thống Huế lần thứ VII-2017 diễn ra từ ngày 24-4 đến 2-5, để góp phần quảng bá, lan tỏa tinh hoa nghề Việt với du khách bốn phương.

Các làng nghề tiêu biểu trong cả nước đang háo hức chuẩn bị những sản phẩm truyền thống đặc sắc nhất để trình làng tại Festival nghề truyền thống Huế lần thứ VII-2017 diễn ra từ ngày 24-4 đến 2-5, để góp phần quảng bá, lan tỏa tinh hoa nghề Việt với du khách bốn phương.

Hoa sen, sản phẩm thủ công độc đáo tại làng hoa giấy truyền thống Thanh Tiên

Mới lạ và hấp dẫn

Ngoài các lễ hội “đinh”, Festival nghề truyền thống Huế 2017 còn dành riêng không gian để các nghệ nhân và làng nghề giới thiệu, trưng bày, thao diễn, tạo hình sản phẩm cũng như giao lưu giữa nghệ nhân với khách tham quan. Đặc biệt, lần đầu bày bán cho du khách các sản phẩm thủ công truyền thống được tuyển chọn từ cuộc thi hàng lưu niệm do TP Huế và các cơ quan liên quan tổ chức hồi đầu năm 2017. Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Trưởng ban tổ chức Festival nghề truyền thống Huế lần thứ VII, cho biết, đó là cách khắc phục những tồn tại du lịch cố đô Huế do thiếu các sản phẩm làm quà tặng. Dù các làng nghề ở đây khá đa dạng và phong phú, song sản phẩm khiến khách phải “rút hầu bao” còn khiêm tốn, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là vài bức tranh, nón lá... Ngoài ra, ban tổ chức còn bình chọn các sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu trưng bày tại không gian làng nghề để trao giải. Qua đó sẽ giúp các cơ sở, làng nghề có thêm điều kiện quảng bá, giới thiệu và đưa sản phẩm ra thị trường thuận tiện hơn.

Hiện đã có hơn 50 cơ sở và làng nghề trong cả nước đăng ký tham gia trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống tại Festival nghề truyền thống Huế 2017. Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống trong nước còn lựa chọn những nghệ nhân tiêu biểu hội ngộ về Huế làm lễ tế tổ bách nghệ nhằm tỏ lòng tri ân các bậc tiền nhân đã sản sinh ra làng nghề truyền thống lâu đời. Các nghệ nhân sẽ cùng nhau biểu diễn những ngón nghề gia truyền, chia sẻ kinh nghiệm trong việc liên kết các sản phẩm nghề truyền thống với du lịch, với thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Cũng ở đó, các nghệ nhân có thêm cơ hội tiếp xúc với các tổ chức, chuyên gia du lịch để nắm bắt thị hiếu du khách, tạo ra những sản phẩm du lịch đậm đà giá trị văn hóa địa phương và phù hợp với mọi du khách.

“Trước đây mỗi lần tổ chức Festival nghề truyền thống Huế, chúng tôi khá vất vả trong việc mời gọi các nghệ nhân, làng nghề tham gia vì phải đến nhiều địa phương, gõ cửa nhiều cơ sở, làng nghề, mà có khi người ta còn nghi ngại. Bây giờ, chỉ cần gửi thư mời là các nghệ nhân, làng nghề gửi danh sách đăng ký tham gia. Tất cả các nghệ nhân đều hứng khởi bước vào cuộc chơi đầy trách nhiệm này”, ông Nguyễn Đăng Thạnh chia sẻ.

Kết nối làng nghề với du lịch

Nằm bên bờ hữu ngạn sông Hương về phía cuối nguồn, làng Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) giờ trở thành điểm đến mê hoặc du khách bốn phương sau các lần tham gia trình diễn, giới thiệu sản phẩm hoa giấy truyền thống của làng tại các kỳ Festival nghề truyền thống Huế. Những vị khách đến với Thanh Tiên đều được các nghệ nhân hướng dẫn, tự tay làm ra các loại hoa giấy mô phỏng hoa có ở tự nhiên như loa kèn, cúc, tường vi... Những bông hoa kỷ niệm ấy đã theo khách về tận châu Âu, Bắc Mỹ hay Tây Á. Ông Trần Viết Cơ, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu, cho biết, nghề làm hoa giấy truyền thống Thanh Tiên đứng trước nguy cơ thất truyền khi cả làng chỉ lác đác vài người làm, quanh quẩn với vài mẫu cũ kỹ hoa cúc, hướng dương để cúng trên bàn thờ. Hiểu rõ cái giá của sự mất mát này, nghệ nhân Thân Văn Huy cùng một số nghệ nhân khác trong làng đã dày công nghiên cứu và đi đến thay đổi toàn bộ chất liệu và kỹ thuật làm hoa sen giấy cũ bằng cách sử dụng loại giấy trắng A4, đưa kỹ thuật pha màu của hội họa vào để nhuộm màu cho giấy, dùng keo dán thay cho hồ, cành hoa làm bằng sợi mây thay cho cành tre cũ... Hoa giấy Thanh Tiên từng bước hoàn thiện về kỹ thuật, hình dáng, màu sắc, mỹ thuật và trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo thuyết phục được cả du khách lẫn người dân địa phương.

Bên cạnh đó, bằng việc đa dạng hóa các sản phẩm thủ công truyền thống gắn với hoạt động du lịch, nhiều làng nghề truyền thống khác ở Thừa Thiên - Huế đã được khôi phục sau một thời gian dài mai một. Tại mỗi kỳ tổ chức Festival nghề truyền thống Huế, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn mạnh dạn kết nối các tour đến với các làng nghề như: tour du lịch trải nghiệm nghề đúc đồng, gốm, nón lá, tranh làng Sình… Đây được xem là cách “né tránh” thời khủng hoảng. Đặc biệt, khách du lịch khi đến với làng nghề không chỉ mua sắm, xem các nghệ nhân làm ra sản phẩm mà còn mong muốn khám phá tầng sâu văn hóa từ các làng nghề truyền thống. Đó là cái hồn của du lịch cố đô Huế với hàm lượng văn hóa cao cùng thế mạnh từ các giá trị di sản đã được UNESCO vinh danh.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục