Phản hồi bài viết “Gỡ khó cho bảo tàng”: Quá lạc hậu, chưa được đầu tư đúng tầm

Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội di sản văn hóa TPHCM: TP chưa có chính sách đầu tư đúng mực cho bảo tàng

>> Gỡ khó cho bảo tàng

Ngay sau khi Báo SGGP có bài viết Gỡ khó cho bảo tàng, phản ánh tình hình thực tế tại các bảo tàng ở TPHCM, phóng viên Báo SGGP đã có trao đổi cùng 2 chuyên gia, đưa ra những ý kiến tháo gỡ cho hoạt động bảo tàng.

Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội di sản văn hóa TPHCM:
TP chưa có chính sách đầu tư đúng mực cho bảo tàng

Nói về cơ sở vật chất các bảo tàng tại TP, tôi xin kể câu chuyện này: Trước đây, khi nhắc đến bảo tàng tại TPHCM, các đồng nghiệp ngành bảo tàng tại nhiều tỉnh thành trong nước đều mơ ước. Thế nhưng hiện tại thì khác, giờ nhìn lại cơ ngơi của bảo tàng các tỉnh thành bạn, không ít đồng nghiệp tại TPHCM lại phải mơ ước! Các tỉnh đầu tư xây dựng quy mô và công trình đáp ứng nhu cầu hoạt động bảo tàng, khang trang, hiện đại, dù rằng về lượng khách thì họ chỉ bằng 1-2 phần so với TPHCM. Nói thế để thấy rằng, cơ sở vật chất ngành văn hóa nói chung và ngành bảo tàng nói riêng của TPHCM đã quá lạc hậu và cũ kỹ, không hề xứng tầm với sự phát triển của một trung tâm kinh tế bậc nhất cả nước. TP đã đầu tư xây dựng rất nhiều công trình kinh tế, trung tâm thương mại, nhưng đầu tư các thiết chế cho văn hóa thì hầu như chưa có gì, từ nhà hát, sân khấu chuyên nghiệp đến bảo tàng.

Học sinh tìm hiểu về xác ướp tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Ảnh: LÊ MINH

Một trong những vấn đề tưởng chứng nhỏ mà không nhỏ là xây dựng kho bảo quản hiện vật. Mỗi loại, mỗi chất liệu hiện vật có cách bảo quản riêng để được bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, để hiện vật được nói lên tiếng nói của mình với những thế hệ sau. Thế nhưng, người ta cứ nghĩ đơn giản xây dựng kho bảo quản hiện vật cũng không khác gì xây nhà kho để chứa đồ!

Nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ và tạo cơ chế linh hoạt để các bảo tàng sưu tầm được hiện vật quý. Nếu cứ như cách làm cứng nhắc, bất hợp lý lâu nay, đợi đến lúc hồ sơ được duyệt, tiền được duyệt thì hiện vật quý đã về tay các nhà sưu tập tư nhân hết rồi. Câu chuyện đầu tư phát triển nguồn nhân lực theo tôi thấy còn tâm tư hơn. Những năm 1980-1990, ngành bảo tàng TP đã đào tạo hàng chục tiến sĩ chuyên môn, nhưng sau này không mấy ai quan tâm nữa. Như thực tế hiện nay, có nhiều bảo tàng không có người lãnh đạo, người quản lý. Tôi cho rằng, TPHCM chưa có một chính sách đúng mực về những người làm công tác bảo tàng.

PGS-TS Đặng Văn Thắng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TPHCM:
Công nghệ lạc hậu, nguồn nhân lực không được đầu tư

Hiện cơ sở vật chất các bảo tàng tại TPHCM quá thiếu thì đúng hơn, vì những năm qua TP hầu như không đầu tư cho xây dựng bảo tàng. Hầu hết các cơ sở làm bảo tàng đều tận dụng lại những mặt bằng sẵn có, kiểu “có chi dùng nấy”. Cách trưng bày ở các bảo tàng hiện nay là quá lạc hậu. Nếu có dịp đến Viện Bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp, sẽ thấy công nghệ ở đây hiện đại như thế nào. Một hình ảnh, hiện vật ở đây được chú thích trên giấy khổ rất to, chú thích bằng nhiều thứ tiếng để du khách tham khảo. Hiện đại hơn, khách chỉ cần kết nối điện thoại sẽ được nghe giới thiệu về bảo tàng, về hiện vật bằng một câu chuyện cụ thể, thời lượng từ 20 đến 30 phút. Còn các bảo tàng tại TPHCM thì chỉ có vài dòng giới thiệu khô cứng, không diễn tả hết được nội dung cũng như giá trị của hiện vật. Ngay cả 2 phòng tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM - được cho là trưng bày theo công nghệ hiện đại nhất do Dự án FSP (Phát huy di sản bảo tàng Việt Nam) của Pháp hỗ trợ thực hiện - cũng chưa hiện đại, lại càng không thể nào so sánh với trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật châu Á Guimet, cũng nằm ở Paris. Nói thật ra, công nghệ trưng bày của các bảo tàng tại TPHCM còn lạc hậu hơn cả các bảo tàng ở Hà Nội, nói gì so với quốc tế.

Vấn đề mấu chốt, theo tôi là nguồn nhân lực ngành bảo tàng không được quan tâm đầu tư đúng mực. Chúng ta xây dựng cơ ngơi hoành tráng nhưng không đào tạo con người thì ai sẽ thực hiện quản lý và phát huy giá trị của di sản bảo tàng? Từ nhiều năm qua, TP không có một cơ chế nào đầu tư phát triển nhân lực cho ngành. Phải có chiến lược đưa người trẻ đi học tập, đào tạo về bảo tàng tại các nước mới học hỏi được cái mới, cái hay, cái hiện đại. Lực lượng nghiên cứu không có, lực lượng làm chuyên môn bảo tàng cũng không có, như hiện nay, trình độ thạc sĩ còn tìm đỏ mắt thì nói gì đến tiến sĩ.

MINH AN (ghi)

Tin cùng chuyên mục