Về đồi non, ra biển lớn

Ngô Hồng Quang có phải cái tên xa lạ? Điều đó có thể đúng. Nói có thể là bởi trong giới âm nhạc Việt anh chưa phải nhân vật đại chúng đến mức ai cũng nhớ mặt đặt tên.  Nhưng anh đã chọn quảng bá âm nhạc dân tộc theo cách của riêng mình, không quá ồn ào nhưng đủ để gọi anh là “sứ giả”.

Ngô Hồng Quang có phải cái tên xa lạ? Điều đó có thể đúng. Nói có thể là bởi trong giới âm nhạc Việt anh chưa phải nhân vật đại chúng đến mức ai cũng nhớ mặt đặt tên.  Nhưng anh đã chọn quảng bá âm nhạc dân tộc theo cách của riêng mình, không quá ồn ào nhưng đủ để gọi anh là “sứ giả”.

Về đồi non, ra biển lớn ảnh 1


1. Đêm diễn cuối cùng trong tour diễn Hanoi Duo (Song tấu Hà Nội) tối 1-3 tại Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF) TPHCM của Ngô Hồng Quang và nhạc sĩ Nguyên Lê không còn một chỗ trống. Nhiều người ngồi bệt dưới sàn. Một số khác đứng nép ở các hành lang để được xem các nghệ sĩ trình diễn trên sân khấu theo một thể thức vừa dân dã nhưng cũng rất thời thượng khi các nhạc cụ dân tộc - ngôn ngữ của âm nhạc ngũ cung hòa mình, đồng điệu, bay bổng và thăng hoa cùng các nhạc cụ, âm nhạc hiện đại. Vẫn là những ca khúc cũ ấy, hồn cốt ấy nhưng sự tinh túy, điêu luyện khiến khán giả không ngớt trầm trồ. Đã mắt, đã tai suốt đêm diễn, nhiều người ra về vẫn ngậm ngùi lưu luyến. Trước TPHCM, khán giả tại Hà Nội và Huế cũng có dịp thưởng lãm không gian nghệ thuật của hai người nghệ sĩ tài năng ấy. Và trước khi về Việt Nam, Song tấu Hà Nội đã trình diễn ra mắt khán giả Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và hiện đang trên hành trình chinh phục Pháp, Thụy Sỹ, Đức, Ý... cùng nhiều quốc gia châu Âu khác.

Ngô Hồng Quang kể, sự kết hợp với nhạc sĩ Nguyên Lê là một cơ duyên, bắt đầu từ việc vài lần được mời diễn chung trên sân khấu. Sự đồng điệu là sợi dây để cả hai cùng nhau hợp tác và cho ra mắt sản phẩm âm nhạc đầu tiên với sự kết hợp Đông Tây một cách nhuần nhuyễn. Nhờ mối quan hệ và sự bảo chứng của Nguyên Lê, album được ACT - hãng đĩa hàng đầu thế giới chuyên về jazz đầu tư tiền thu âm, quảng bá và chia phần trăm từ bán đĩa. Anh chia sẻ, trong đĩa nhạc này mỗi người cùng nhau sáng tác 3 bài, 4 bài còn lại là âm nhạc dân tộc. “Tôi thích nhất là sự cởi mở trong tư duy âm nhạc của Nguyên Lê, có gì đó rất trúc trắc, đóng khung kiểu chuẩn mực nhưng cũng đầy bay bổng. Vì hợp và hiểu nhau nên cả hai làm việc rất nhanh và ăn ý”. Sau khi ra mắt, album nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả khắp nơi trên thế giới. “CD mang âm hưởng Tây Bắc nhiều. Đó là một bước nhảy từ Song hành (Ngô Hồng Quang) cho đến Hanoi Duo. Sự kết hợp giữa điện tử, jazz nhưng khá dễ nghe, đặc biệt khi có nhiều âm hưởng Việt Nam được thể hiện trong đó” - một khán giả nhận xét sau khi nghe Hanoi Duo.

Khi hỏi điều gì khiến anh cảm thấy hài lòng nhất trong lần kết hợp với Nguyên Lê, Hồng Quang ngắn gọn: “Đó là lan tỏa âm nhạc dân tộc”. Dù vẫn trung thành với mục tiêu đó khi bước vào âm nhạc, nhưng theo anh, đây là cách khác để đưa âm nhạc dân tộc ra thế giới theo cách tiếp cận văn minh, dễ dàng hơn. Và anh tin, nó sẽ thành công.

2.Lần đầu tiên tôi nghe Quang trình diễn là khi anh về nước kết hợp cùng Vũ Ngọc Khải trong show diễn múa đương đại Nón 2016. Lúc đó, Quang viết Về đồi non riêng cho Nón và lần đầu đưa lên sân khấu biểu diễn. Từ trên sàn tập cho đến khi xuất hiện trên sân khấu, Quang luôn giữ phong thái điềm tĩnh. Cùng khả năng chơi được 7-8 nhạc cụ khác nhau: đàn nhị, đàn bầu, đàn tính, đàn môi, chiêng dây... giọng hát của Quang cũng đầy mê hoặc. Anh tự nhận: “Tôi không thuộc tuýp nghệ sĩ được học hành bài bản về hát. Do đó, tôi chọn cách hát mộc giống như mình kể chuyện. Bao năm trình diễn sân khấu, tôi vẫn duy trì điều đó”.

Quang tự nhận, cũng có lúc sẽ sợ mình hát nhiều quá sẽ trở thành thợ hát nhưng luôn biết cách làm sao để đưa âm nhạc đến với khán giả theo cách tự nhiên nhất. Vậy nên, khi nghe anh cất giọng hát, có cái gì đó thủ thỉ, tâm tình giống như đang kể một câu chuyện về âm nhạc. Nhưng, giọng hát ấy, giống như mạch nước nhỏ cứ thấm thía dần dần tạo thành mạch ngầm nuôi dưỡng những chồi biếc nhú lên, xanh non và đơm hoa, kết trái. Nghe Quang hát hay chơi nhạc cụ, hồ như mọi thứ xô bồ cuộc sống bên ngoài trở thành biệt lập, vụn vỡ, chỉ còn người nghệ sĩ với âm nhạc mà thôi. Không gian cũng đơn thuần chỉ có người nghệ sĩ, những cây đàn hay vài đạo cụ sân khấu, chứ không màu mè, lòe loẹt. Ngay cả bộ đồ anh chọn - những chiếc áo dài màu nâu, gụ, xám... cũng phản ánh một cách nhất quán từ tính cách cho đến âm nhạc và diện mạo. Một sự nhất quán đầy tinh thần Việt Nam.

Kể về những ngày cũ hơn - năm 2009, thời điểm anh bắt đầu du học tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan có thể xem là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp. Nhưng trước đó, mạch nguồn cảm xúc phải kể đến mảnh đất Hải Dương - nơi anh sinh ra và lớn lên, được sống trong không gian âm nhạc dân tộc Bắc bộ với sự phong phú của chèo, xẩm... Tất cả điều đó cứ ngấm dần và nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc dân tộc nơi chàng trai nhỏ thó với mái tóc quăn, đôi mắt và khuôn miệng luôn cười thật tươi. Nhìn vào Quang, ai cũng nhận ra cái chất nghệ sĩ toát lên. Nhưng để thành công như hiện nay không hề dễ dàng. Quang chia sẻ, hạnh phúc lớn nhất với anh trong những ngày rong ruổi khắp nơi trên thế giới đó là chưa bao giờ trong lúc biểu diễn bị khán giả phản đối, bỏ về nửa chừng. Chỉ cần điều đó thôi đủ sức khiến bất cứ người nghệ sĩ nào cũng mặc sức thăng hoa. Nhưng, khi chầm chậm câu chuyện lại, anh vẫn mong muốn mình có ê kíp đầy đủ và có điều kiện tổ chức những show diễn lớn hơn phục vụ khán giả.

3. Trong câu chuyện trước khi rời Việt Nam đi Paris (Pháp) để tiếp tục cho Hanoi Duo, Quang tâm tình về sản phẩm âm nhạc kế tiếp - một đĩa hát quan họ mang tên Nam nhi do anh hát và phối khí cho ngũ tấu dây, chuẩn bị được phát hành trong nước. Anh tiếp thị: “Đó là album quan họ cổ với những ca khúc: Con ếch, Nam nhi, Ngồi tựa mạn thuyền. Hiện mọi công đoạn đã hoàn thành 90% để chuẩn bị cho đợt in 1.000 đĩa đầu tiên”. Theo Quang, cái khó nhất khi thực hiện sản phẩm lần này đó là làm sao để truyền tải tinh thần quan họ một cách đại chúng, dễ nghe mà vẫn đầy quyến rũ. Do đó, anh không chọn cách hát như các liền anh, liền chị mà cố gắng nghe thật nhiều, ngấm được chất quan họ đó và thể hiện theo cách của riêng mình.

Một điều thú vị không kém, anh còn mời các nghệ sĩ quốc tế tham gia thu âm trong album lần này, một việc không hề dễ dàng nhưng cuối cùng mọi thứ đã sắp thành hình hài và đầy hứa hẹn. Sẽ thật khó để nói trước Nam nhi liệu có là bước tiến tiếp theo sau Song hành, Hanoi Duo... nhưng luôn tin rằng, một sản phẩm được thực hiện bằng sự tận tâm và tử tế sẽ được khán giả đón nhận. Và Quang, theo cách của riêng mình vẫn viết tiếp hành trình đầy chông gai nhưng mỗi ngày sẽ lại được lát thêm những viên gạch mới để âm nhạc dân tộc Việt sẽ ngày càng đi xa.

Văn Tuấn

Tin cùng chuyên mục