Nhạc sĩ Ca Lê Thuần qua đời ở tuổi 78

Sáng 20-1, nhạc sĩ Ca Lê Thuần qua đời sau thời gian dài bị đột quỵ, hưởng thọ 78 tuổi.
Nhạc sĩ Ca Lê Thuần qua đời ở tuổi 78

(SGGPO).- Sáng 20-1, nhạc sĩ Ca Lê Thuần qua đời sau thời gian dài bị đột quỵ, hưởng thọ 78 tuổi.

Được biết, nhạc sĩ Ca Lê Thuần qua đời vào khoảng hơn 8 giờ sáng ngày 20-1 tại Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM). Hiện công tác chuẩn bị tang lễ đang được gấp rút thực hiện. Trước đó, vào giữa tháng 11-2016, ông nhập viện vì đột quỵ.

Nhạc sĩ Ca Lê Thuần tại triển lãm Thiêng liêng biển đảo Việt Nam. Ảnh: ĐINH KHẮC DŨNG

Nhạc sĩ Ca Lê Thuần sinh năm 1938 tại xã Tân Thanh Bình, huyện Mỏ Cày, Bến Tre, là nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc, nhà sư phạm.  Ông từng nhận: Giải B của Hội Văn nghệ Giải phóng (1976), Giải A của Vụ Âm nhạc và Múa (1980), Giải Nhì của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1998), Huy chương Vàng, Bạc trong Liên hoan Kịch múa Việt Nam lần thứ nhất (2001). Năm 1984, ông được Nhà nước phong hàm Phó giáo sư.

Theo bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Ca Lê Thuần sinh ra trong một gia đình trí thức, bố mẹ đều là nhà giáo, anh chị em hầu hết đều hoạt động nghệ thuật. Ông là con trai của giáo sư Ca Văn Thỉnh và là anh trai của nhà thơ Lê Anh Xuân và NSƯT, đạo diễn Ca Lê Hồng. Ngay từ nhỏ, Ca Lê Thuần thấm nhuần những âm điệu hò, dân ca trữ tình, điều đó ảnh hưởng đến ngôn ngữ âm nhạc của ông sau này.

Năm 16 tuổi, Ca Lê Thuần là diễn viên văn công. Năm 1954, ông theo đơn vị tập kết ra Bắc. Năm 1957, ông theo học sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội). Năm 1959, ông học sáng tác và lý luận âm nhạc tại Nhạc viện Odessa (Liên Xô cũ).

Trở về nước năm 1964, Ca Lê Thuần làm công tác giảng dạy sáng tác và lý luận tại Trường Âm nhạc Việt Nam, góp phần xây dựng các chương trình, giáo trình các mô kiến thức âm nhạc cơ bản và chính quy, đồng thời tiếp tục sáng tác, nổi bật là 12 bản prélude dành cho piano dựa trên cảm hứng nảy sinh từ những câu thơ, khai thác những âm hưởng trong âm nhạc dân gian Việt Nam, đặc biệt là chất dân ca Nam bộ.  

Năm 1972, Ca Lê Thuần trở lại Nhạc viện Odessa học tiếp, hoàn thành một số tác phẩm khí nhạc. Sau ngày thống nhất đất nước, ông trở về miền Nam công tác tại Nhạc viện TPHCM. Từ năm 1987 đến năm 1997, ông là đại biểu Quốc hội, là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

Năm 1989, ông nhận chức Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM. Năm 1997, Ca Lê Thuần là Giám đốc Nhạc viện TPHCM cho đến khi nghỉ hưu.

Từ năm 2001, ông là Tổng Thư ký Hội Âm nhạc TPHCM. Trong những năm đó, Ca Lê Thuần vẫn tiếp tục sáng tác nhiều ca khúc và hợp xướng.

Sự nghiệp sáng tác của người nghệ sĩ lừng danh rất phong phú, đa dạng. Các tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng gồm: Giao hưởng thơ cung Rê trưởng, Tranh giao hưởng Dáng đứng Việt Nam (1974), Bản ballad-giao hưởng (1999), tác phẩm Mặt trời và niềm tin (2001), Concerto cho piano và dàn nhạc (1983). Các tác phẩm dành cho hợp xướng có: Cantata-giao hưởng Việt Nam tiếng hát trái tim ta (1979), Bài ca Việt Nam (2001), Tổ khúc giao hưởng-kịch múa Ngọc trai đỏ (1998),  Nhạc cho vở ballet Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga (2001)... Các tác phẩm nhạc thính phòng: Chủ đề và biến tấu cho piano (1973),  Sonata cho piano (1973); Các bản tứ tấu đàn dây: Số 1 (1985), Số 2 (1985). Ngoài ra ông còn sáng tác nhạc cho phim, kịch nói, cải lương.

Thông tin về lễ tang nhạc sĩ Ca Lê Thuần chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật.

HẢI DUY

Tin cùng chuyên mục