Văn trẻ chỉ mới gợn sóng!

Văn trẻ chỉ mới gợn sóng!

Sáng 17-1, Hội Nhà văn TPHCM đã tổng kết hoạt động năm 2016. Được đánh giá là một năm bình lặng, văn học TP không có những tác phẩm, tác giả gây hiệu ứng dư luận mạnh mẽ. Điểm đáng chú ý nhất của văn học TP năm vừa qua nếu có, chính là những tác giả trẻ với nhiều tác phẩm mới được bạn đọc chú ý.

Sáng tác nhiều, dấu ấn ít

Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Nhà văn TP Trần Văn Tuấn, năm 2016 số lượng nhà văn là hội viên của hội có sáng tác được xuất bản khá nhiều, chất lượng sáng tác cũng được đánh giá là khởi sắc hơn năm trước. Nhiều nhà văn quen thuộc với bạn đọc có tác phẩm được đánh giá cao về chất lượng và tư tưởng như tiểu thuyết Trong cơn lốc xoáy của nhà văn Trầm Hương tái hiện cả một giai đoạn lịch sử dân tộc qua số phận một phụ nữ. Văn xuôi cũng là mảng đề tài được các tác giả chú ý đến nhiều hơn trong năm qua, đánh dấu việc chuyển dịch mạnh về cơ cấu thể loại sáng tác so với những năm trước đó vốn thiên nhiều về thơ.

Nhà thơ trẻ Phong Việt, một trong số ít cây bút trẻ giữ được dấu ấn trong thời gian qua

Tuy nhiên, hội cũng thẳng thắn thừa nhận việc còn rất thiếu  sáng tác gắn với tình hình thời sự trong năm qua, như các vấn đề nóng: thiên tai, ô nhiễm môi trường vốn gây bức xúc dư luận nhưng ít được các nhà văn chuyển tải trong các tác phẩm của mình. Điều này được xem là một trong các nguyên nhân khiến sáng tác mới tuy ít nhiều có tính nghệ thuật nhưng lại không tạo được dấu ấn trong bạn đọc.

Thậm chí ngay cả trong bộ phận những cây bút trẻ cũng vắng đi những ồn ào, náo nhiệt như trước đây. Các cây bút trẻ vẫn thể hiện được sự trẻ trung, năng động với nhiều thể nghiệm sáng tạo trong sáng tác. Từ vấn đề nội dung sáng tác với các thể loại tuy không lạ nhưng rất mới với môi trường văn học trong nước hiện nay như văn chương huyền ảo, ngụ ngôn, du khảo lịch sử… Tuy nhiên, như nhận xét ở trên, các tác phẩm ít có sự gắn bó với đời sống hiện thực nên dù có gây tiếng vang cũng chỉ dừng ở mức tạo nên gợn sóng cho văn hóa đọc của TP. Nhiều cây bút trẻ những năm trước từng là hiện tượng văn chương, gây những cú sốc trong đời sống văn học thì nay dù vẫn duy trì sức sáng tác nhưng đã thiếu đi sự táo bạo vốn là thứ mang lại chất riêng cho những tác giả trẻ thời gian qua.

Một lý do cũng được nhắc đến là việc tạm dừng hoạt động trang web của Hội Nhà văn TP. Đây được đánh giá là một trong các trang web của hội chuyên ngành VHNT hoạt động sôi nổi nhất thời gian qua. Việc tạm dừng hoạt động trang web, vốn là nơi dùng để giới thiệu các sáng tác, tác giả mới đã gây nhiều trở ngại cho việc quảng bá những cây bút, đặc biệt là cây bút trẻ trong tình hình thiếu hụt nơi giới thiệu sáng tác mới hiện nay.

Hướng đến người trẻ

Không thể phủ nhận, dù được đánh giá là TP có nhiều tiềm năng phát triển văn học trẻ với đội ngũ sáng tác đông đảo, số lượng tác phẩm nhiều và mới lạ nhưng nhiều năm qua văn học trẻ TP ít được chú ý. Có một giai đoạn thậm chí ngay cả giải của Hội Nhà văn TP cũng ít có phần của người trẻ. Những năm qua, sáng tác trẻ đã được chú ý hơn, từ giải thưởng đến cả những công nhận chính thức. Ngày càng nhiều nhà văn trẻ trở thành hội viên, nhiều cây bút trẻ được hỗ trợ xuất bản sách, giới thiệu ra công luận… Nổi bật nhất trong năm qua có lẽ là việc Ban Văn trẻ của Hội Nhà văn TP hỗ trợ cả nhân lực lẫn vật lực để xuất bản tập thơ Bao giờ đến được cánh đồng của nhà thơ Hoa Níp (tên thật là Trần Quang Minh Giảng) sau khi nhà thơ đột ngột qua đời. Hành động này đã được đánh giá cao trong giới sáng tác, nhất là với những người trẻ khi thể hiện nghĩa tình của những người viết văn với đồng nghiệp.

Trong định hướng hoạt động của năm 2017, những người sáng tác trẻ được xem là một trong những trọng tâm hỗ trợ sáng tác. Hội Nhà văn TP sẽ mở các lớp bồi dưỡng kiến thức viết văn dành cho người mới viết hoặc say mê sáng tác. Điều này dựa trên một thực tế là nhiều cây bút trẻ tạo tiếng vang qua những tác phẩm đầu tay, chủ yếu là dựa trên lối viết bản năng. Đến khi cần mở rộng hơn về đề tài, nội dung thì người viết lâm vào bối rối, rời rạc trong sáng tác nên dần đánh mất niềm đam mê.

Một điểm đáng chú ý là việc hội thúc đẩy lực lượng lý luận phê bình quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ sáng tác trẻ. Trong những năm qua, vấn đề phê bình cho các sáng tác của người trẻ ít được chú ý đến và được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều tác phẩm của người trẻ gây mâu thuẫn trong chính người đọc do không được đánh giá đúng giá trị, hay dở.

Cũng trong năm 2017, Hội Nhà văn TP dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị người viết văn trẻ lần thứ VII. Hội nghị được cho sẽ là cuộc tập hợp các cây bút trẻ của TP, từ đó có những đánh giá, định hướng phát triển những tác giả trẻ nhằm đáp ứng nhu cầu của môi trường văn hóa đọc TPHCM

Sáng 17-1, Hội Nhà văn TP đã trao giải thưởng và tặng thưởng của hội cho các tác giả, tác phẩm xuất bản trong năm 2016. Theo đó, cuốn tiểu thuyết 2 tập dày hơn 1.000 trang với nhan đề Trong cơn lốc xoáy của nhà văn Trầm Hương đã đoạt giải thưởng duy nhất. Phần tặng thưởng của hội đã trao cho các tác phẩm: Mười năm và bảy ngày của nhà văn Ngô Thị Ý Nhi; Khỏa thân trắng của nhà văn Nguyễn Thị Thu Phương; Bao giờ đến được cánh đồng của Hoa Níp.
Riêng giải thưởng dành cho tác giả trẻ năm nay đã thuộc về nhà thơ trẻ Ngô Thúy Nga với tập thơ Nốt lặng…

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục