Nguyễn Khắc Phục: Nhà văn sống để viết

Có những người cầm bút viết để sống và cũng có người cầm bút để ngơ ngẩn ước ao đạt tới nhiều tham vọng khác… Riêng với Nguyễn Khắc Phục, mọi niềm vui và nỗi buồn, những vật vã và trăn trở, những hy vọng và thất vọng; những kiến tạo và đổ vỡ của anh suốt bảy chục năm cuộc đời mình - gạn lọc, lật trái lật phải, soi cho kỹ càng, quả là anh đã dành hết cho những trang viết. Để trang trải cho những gì đã nhìn, đã cảm, đã dứt ruột yêu thương, gắn bó…
Nguyễn Khắc Phục: Nhà văn sống để viết

Có những người cầm bút viết để sống và cũng có người cầm bút để ngơ ngẩn ước ao đạt tới nhiều tham vọng khác… Riêng với Nguyễn Khắc Phục, mọi niềm vui và nỗi buồn, những vật vã và trăn trở, những hy vọng và thất vọng; những kiến tạo và đổ vỡ của anh suốt bảy chục năm cuộc đời mình - gạn lọc, lật trái lật phải, soi cho kỹ càng, quả là anh đã dành hết cho những trang viết. Để trang trải cho những gì đã nhìn, đã cảm, đã dứt ruột yêu thương, gắn bó…

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục

Tôi còn nhớ vào năm 1968 hoặc 1969, tạp chí Văn nghệ Quân đội quyết định in riêng một số cho sáng tác của những cây bút trẻ nổi lên trong mấy năm đầu cuộc chiến tranh chống Mỹ. Giữa những truyện ngắn, những bài thơ của Đỗ Chu, Lê Lựu, Phạm Tiến Duật, Lê Văn Sửu, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Trí Huân… xuất hiện truyện ngắn Ngã ba vô tình của một tên tuổi rất lạ lẫm: Nguyễn Khắc Phục.

Tên truyện khá độc đáo, tứ truyện hay, văn chương mượt mà, giàu hình ảnh mộng mơ, lãng đãng như văn của Đỗ Chu, nhưng hoàn toàn không chịu ảnh hưởng của Đỗ Chu. Vài số sau, tác giả Nguyễn Khắc Phục cho xuất hiện thêm một truyện ngắn nữa, không thua kém phần xuất sắc: Hoa cúc biển. Tìm hiểu mới hay, tác giả của hai truyện ngắn này là một chàng thủy thủ, 22 tuổi, quê Nam Trực, Nam Hà, chuyên xuôi ngược với những chuyến sà lan chở gạo, muối, thực phẩm từ cảng Hải Phòng, vượt qua sự khống chế của máy bay, chiếm hạm Mỹ suốt dọc dải biển miền Trung để cập các bến cảng vùng đất lửa Nam Khu IV cũ.

Chàng thủy thủ này - từ lâu, cũng đã kết thân với nhóm văn thơ Hải Phòng gồm những tên tuổi đã được người yêu văn chương dành thiện cảm như Thi Hoàng, Đào Trọng Khánh, Hoàng Hưng, Thanh Tùng…

Báo in, báo mạng đã nói, đã viết, tính tới hôm nay, thuộc tài sản của nhà văn Nguyễn Khắc Phục có tới 12 đầu tiểu thuyết (Học phí trả bằng máu, Cuối xuân, Khát vọng, Thăng Long, Hỗn độn…), 12 kịch bản phim truyện điện ảnh và  truyền hình (Thành phố trước lúc rạng đông, Hoa cúc biển, Điệp khúc hy vọng, Chiến trường chia nửa vầng trăng, Bình minh châu thổ, Những nẻo đường phù sa, Dự cảm, Những đưa con thành phố…), 70 kịch bản đã dàn dựng trên sân khấu (Bất hòa với số phận, Giũ áo mù sa, Trò đời, Vườn Quỳnh, Kết bạn với Thiên thần, Thi sĩ hủi, Khúc đoạn trường…), mấy chục kịch bản cho các lễ hội. Đã đủ, hay còn thiếu đây? 

Thiếu! Bởi anh còn hàng trăm truyện ngắn (kiểu như Ngã ba vô tình, Hoa cúc biển…) đã xuất hiện trên tuần báo, tạp chí nhưng chưa được gom thành sách; cùng hàng trăm bài thơ; một số trường ca chưa in thành tập. Nguyễn Khắc Phục cũng còn cả gần trăm bức tranh bột màu, sơn dầu.

Nguyễn Khắc Phục mê cờ tướng, đông bầu bạn, lắm chiến hữu. Anh nổi tiếng về thú lãng tử, xê dịch… Vậy anh viết vào lúc nào, âu cũng là một điều bí ẩn!

Nguyễn Khắc Phục trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1976, khi lực lượng nhà văn miền Bắc và lực lượng nhà văn Giải Phóng tập hợp về một mối, ở tuổi 29 tuổi. Những năm tháng đó được kết nạp vào Hội nhà văn là chuyện “cá vượt vũ môn”. Như một sự trái ngược với bản tính quảng giao, Nguyễn Khắc Phục xa lánh tất cả cảnh bon chen, các cuộc hội hè… Anh cũng dị ứng với các cơ hội đăng đàn, diễn thuyết… Điều này có người khen, kẻ chê. Ai thân thiết với anh sẽ hiểu, qua rất nhiều ca đại, tiểu phẫu (gan, mật, đại tràng...) anh biết mình “phận mỏng cánh chuồn” nên né tránh mọi bận bịu, mọi rắc rối… để dành thời gian chỉ cho hai việc độc nhất: Viết… và đàn đúm ông - tôi, tao - mày cùng bạn hữu. Phải chăng, cũng chính ở điểm này, chúng ta hiểu được một trong những duyên do vì sao gia tài sáng tác của anh đạt tới con số “khủng” đến vậy!

Năm 1971, như nhiều người viết trẻ khác, Nguyễn Khắc Phục rời miền Bắc, khoác ba lô lính vượt Trường Sơn vào chiến trường Khu 5. Để trở thành người làm công tác văn học bên những cây bút đàn anh như Nguyên Ngọc, Phan Tứ, Thu Bồn… và những cây bút cùng trang lứa như Chu Cẩm Phong, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Trí Huân, Thanh Quế, Ngân Vịnh, Dương Thị Xuân Quý, Thái Bá Lợi…

Đồng nghiệp văn chương của anh còn sống đến hôm nay thường kể cho tôi nghe nhiều kỷ niệm về Nguyễn Khắc Phục. Rằng khi xuống đồng bằng “móc” gạo đưa lên chiến khu, anh thường nêu kỷ lục đeo trên vai những bao gạo tới 35, 40 ký. Rằng khi theo bộ đội bám đường diệt xe địch trên đèo Măng Giang, anh được tặng “danh hiệu dũng sĩ” về lòng dũng cảm. Rằng anh đã chết hụt pháo X lần, bom B.52 Y lần. Rằng anh đã đôi ba lần lọt vào giữa trận càn của quân Mỹ, quân Nam Hàn, phải rúc hầm, chịu đói chịu khát, chịu tình cảnh thiếu không khí để thở suốt cả tuần…

Trước khi trở thành một nhà văn, Nguyễn Khắc Phục đã có những năm tháng “qua lửa” để chứng minh đã là một người lính can trường. Nhưng tính làm gì? Đó đã là chuyện của ngày xa xưa, chuyện của mọi người. Nay anh đã ra đi mãi mãi…

TÔ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục