Đi qua con đường huyền thoại

“Tất cả vì miền Nam thân yêu”, đáp lời Đảng gọi, thực hiện chủ trương chi viện cho miền Nam theo tinh thần Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15, khóa II tháng 1-1959, các lực lượng vận tải, pháo phòng không, bộ binh, lực lượng thông tin kỹ thuật, cơ yếu, quân báo, giao liên, quân y… đã ngày đêm bám sát tuyến đường Trường Sơn, làm nhiệm vụ đưa đón các đoàn hành quân, hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ, thương bệnh binh ra vào đường Trường Sơn đến các chiến trường an toàn, bí mật.
Đi qua con đường huyền thoại

“Tất cả vì miền Nam thân yêu”, đáp lời Đảng gọi, thực hiện chủ trương chi viện cho miền Nam theo tinh thần Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15, khóa II tháng 1-1959, các lực lượng vận tải, pháo phòng không, bộ binh, lực lượng thông tin kỹ thuật, cơ yếu, quân báo, giao liên, quân y… đã ngày đêm bám sát tuyến đường Trường Sơn, làm nhiệm vụ đưa đón các đoàn hành quân, hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ, thương bệnh binh ra vào đường Trường Sơn đến các chiến trường an toàn, bí mật.

Ngày đêm bám cung đường ác liệt thực hiện nhiệm vụ, ngoài những nữ thanh niên xung phong, giao liên, lái xe, chiến sĩ thông tin, chiến sĩ hậu cần ở các binh trạm…, còn có nữ trí thức, văn nghệ sĩ, kỹ sư, bác sĩ vừa tốt nghiệp đại học đã từ bỏ cuộc sống êm ấm, xung phong vượt Trường Sơn vào Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ.

Những chiến sĩ đi B vượt Trường Sơn giao lưu cùng các bạn trẻ TPHCM tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (từ trái qua: nhà văn Trần Thị Thắng, bà Trần Phúc Mộng Loan - vợ nhà văn Anh Đức, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai)

Những bước chân thầm lặng

Đường Trường Sơn hay còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh - con đường được xem là huyền thoại của sức mạnh ý chí và niềm tin quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, con đường đi tới độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc.

Bởi sứ mệnh lịch sử này, suốt 16 năm, từ năm 1959 đến năm 1975, đường Trường Sơn trở thành trọng điểm ngăn chặn quyết liệt của địch. Núi rừng Trường Sơn ngày đêm rung chuyển, bị cày đi xới lại dưới hàng triệu tấn bom, chất độc hóa học gây nhiều tổn thất về người, phương tiện vật chất và môi trường sinh thái. Con đường huyền thoại ấy đã sớm in dấu chân của những người phụ nữ…

Năm 1954, cô gái Lê Hồng Hoa ở Tịnh Biên, Châu Đốc tập kết ra Bắc khi mới 11 tuổi. Theo học ở Trường Học sinh miền Nam số 4, rồi được cử đi học ở Cộng hòa dân chủ Đức.

“Trong thời gian học tập ở miền Bắc, chúng tôi thường xuyên được nghe báo cáo tình hình thời sự ở miền Nam. Mỹ - ngụy đang ra sức đàn áp đồng bào, lê máy chém khắp nơi… Lúc đó đã nung nấu trong chúng tôi tinh thần yêu quê hương đất nước, yêu đồng bào với khí thế hừng hực, ai cũng muốn lên đường về Nam để được trực tiếp chiến đấu”, bà Lê Hồng Hoa kể.

Không lâu sau đó, nghe tin Ban Thống nhất Trung ương chiêu sinh lớp y sĩ đặc biệt (đào tạo từ năm 1962 - 1965) để chi viện cho chiến trường miền Nam, bà xung phong ngay. Ngày 26-2-1966, cùng với đoàn khoảng 100 người gồm nhà báo, cán bộ y tế, văn nghệ sĩ, bà vượt Trường Sơn về Nam.

Ròng rã hơn 5 tháng vượt Trường Sơn đã để lại trong ký ức của bà những kỷ niệm không thể nào quên. Vượt trên tất cả những khó khăn gian khổ, thiếu thốn, bệnh tật đã có tình đồng chí, đồng đội yêu thương chia sẻ - đã trở thành sức mạnh tinh thần vững chắc giúp những người trẻ vững bước.

Sau khi nhận công tác tại Trung ương Cục miền Nam ở Ban Dân y, cuối năm 1967, bà được giao liên đưa từ Củ Chi về Sài Gòn với nhiệm vụ chiến sĩ biệt động công tác hợp pháp trong nội đô, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968.

Đi theo tiếng gọi từ trái tim mình

Tốt nghiệp khoa Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhà văn Trần Thị Thắng được chọn vào đoàn văn nghệ sĩ vào chiến trường miền Nam khi mới ngoài 20 tuổi. Những ngày đi thực tế ở địa đạo Củ Chi, về các tỉnh miền Tây Nam bộ, những hình ảnh thực tế từ chiến trường nóng bỏng được thể hiện qua những trang viết sắc sảo… giúp bà hoàn thành nhiều tác phẩm, nhiều giải thưởng văn học đáng tự hào.

“Chúng tôi đi theo tiếng gọi từ trái tim mình. Những ngày ở chiến trường miền Nam đã cho chúng tôi chất liệu, giúp chúng tôi tôi luyện và trưởng thành”, nhà văn Trần Thị Thắng chia sẻ.

Tốt nghiệp khoa Kèn - Trường âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai cũng là người được chọn vào đội ngũ văn nghệ sĩ đi B. Cô gái quê Sông Cầu, Phú Yên từ khi tập kết lúc nào cũng đau đáu nỗi mong nhớ, mong được trở về miền Nam chiến đấu nên dù lúc ấy con gái đầu lòng mới 1 tuổi, bà vẫn sẵn sàng ra đi. Trong đội hình Đoàn ca nhạc A8, CP90 (phiên hiệu của Đoàn ca nhạc Đài phát thanh Giải Phóng), bà đã sáng tác nhiều ca khúc phổ thơ hừng hực khí thế chiến đấu. Trong đó, nổi bật nhất là bài hát Xe ơi ta lên đường sáng tác năm 1966 (phổ thơ Huy Cận)…

Em đã đẹp trong chiếc áo dài Hà Nội/ Đi giữa đường thơm mỗi mùa xuân tới/ Em còn đẹp hơn trong chiếc áo bà ba/ Nhuộm màu đen, màu bùn đất quê nhà/ Đẹp lắm em đi đường dừa xanh mát/ Tóc em ướp hương sen Đồng Tháp/ Đẹp lắm khi em đứng dưới chiến hào/ Đem tuổi xuân xóa sạch thương đau… Chắc em đã sẵn sàng rồi nhỉ/ Một chiếc ba lô một tâm hồn chiến sĩ/ Có phải em đêm ngủ không yên/ Khúc quân hành đang giục trong tim…  Những vần thơ từ bài Về đi em vang lên khiến mọi người im lặng, một cảm xúc dạt dào và tươi trẻ từ những tâm hồn rất đẹp, từ những người rất trẻ luôn sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

Những ngày cuối năm 1964, một giảng viên sử của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã rời giảng đường, tình nguyện vào Nam chiến đấu, đó là Ca Lê Hiến, tức nhà thơ Lê Anh Xuân. Anh viết bài thơ này năm 1965, dành tặng các bạn thanh niên miền Nam tập kết ra Bắc, bài thơ được hoàn tất khi mặt trận kêu gọi sẵn sàng trở về miền Nam chiến đấu. Anh đã hy sinh nhưng trong lòng bao người con đất Việt, Dáng đứng Việt Nam của anh đã tạc vào thế kỷ và mãi mãi trường tồn!

MINH AN

Tin cùng chuyên mục