Tìm lại cao lương đã mất

Hai loại lương thực đặc sản của người Vân Kiều ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh, Quảng Bình) tưởng như thất truyền thì nay được tìm thấy trở lại, đó là chà và và nếp đen. Người Vân Kiều xem chà và và nếp đen là cao lương để cúng giỗ, cung tiến vua chúa, đãi bạn quý miền xuôi nhưng không may đã bị “thất lạc” mấy chục năm. Nay thổ sản quý này được tìm ra, xem như “châu về hợp phố” làm ấm lòng đồng bào dân tộc miền cao.
Tìm lại cao lương đã mất

Hai loại lương thực đặc sản của người Vân Kiều ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh, Quảng Bình) tưởng như thất truyền thì nay được tìm thấy trở lại, đó là chà và và nếp đen. Người Vân Kiều xem chà và và nếp đen là cao lương để cúng giỗ, cung tiến vua chúa, đãi bạn quý miền xuôi nhưng không may đã bị “thất lạc” mấy chục năm. Nay thổ sản quý này được tìm ra, xem như “châu về hợp phố” làm ấm lòng đồng bào dân tộc miền cao.

Bên bữa cơm chà và

Tôi cùng một số anh em miền xuôi vào bản Bến Đường và được chị Hồ Thị Con thết đãi một bữa ngon “thấm núi, thơm rừng”. Theo chị Con, chà và là tên gọi giống lúa trồng quảng canh của người dân chốn này. Đó là giống lúa rẫy bản địa với cách sinh tồn tự nhiên giữa núi rừng, chịu hạn hán khốc liệt nhưng cho hạt gạo chắc mẩy, năng suất tuy không cao nhưng ngon lạ kỳ. Chị Con kể: “Chà và thích hợp vùng núi dốc nên đất Trường Sơn hợp với giống lúa này. Ngày xưa, chà và được cung tiến vua, chúa nhà Nguyễn. Mỗi vụ, voi đến thồ về xuôi rồi ngựa phi vào triều. Món này dùng với thức ăn nơi cung cấm, nghe nói vua, quan ưng bụng lắm”.

Chị Con (bìa phải) cùng người thân giã gạo chà và đãi khách

Tôi được mời dùng bữa cùng gà nương và cá mương bắt ở đầu nguồn thác Bến Đường. Món ăn được nấu kiểu vùng cao Vân Kiều, chấm với muối ớt cay xé lưỡi. Cơm chà và được xới ra mâm, có màu không trắng xóa như gạo miền xuôi, bởi được giã bằng cối và chày thủ công. Chị Con cho biết: “Chà và với nếp đen thất lạc mấy chục năm. Xưa sống du canh du cư nên 2 giống cao lương này được đưa theo để trỉa trên rẫy; hạt lúa sống nhờ trời, không kỳ công chăm sóc. Rồi cuộc sống chuyển thành định canh, định cư; có giống lúa miền xuôi năng suất cao đưa lên để xóa đói giảm nghèo. Cái bụng được lúa miền xuôi thúc no nên quên lãng nếp đen và chà và, dẫn đến thất truyền”.

Quyết tìm theo di nguyện tổ tiên

Bao nhiêu già làng, trưởng bản trước khi qua đời đều muốn con cháu tìm lại 2 giống lương thực này vì đã từng nuôi người Vân Kiều rất nhiều đời rồi. Mất nó như mất đi linh hồn của người dân tộc anh em chốn rừng xanh nơi đây.

Chị Hồ Thị Con tâm sự: “Trước khi mất, cha tôi có trăng trối: con là người tốt bụng, giúp nhiều việc cho dân bản, vì vậy phải có trách nhiệm tìm lại giống chà và với nếp đen. Tìm được coi như trả được hiếu nghĩa mẹ cha, dân quê bản quán”. Nghe lời cha, chị Con nhớ lại ký ức thời du canh du cư, rồi một mình chạy xe máy theo đường Trường Sơn Tây tìm đến anh em Vân Kiều, Pa Cô phía Hướng Hóa (Quảng Trị), vào với dân tộc Tà Ôi ở huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Những nơi chị đến đều còn lúa rẫy nhưng không phải giống chà và hay nếp đen mà chị từng ăn. Lặn lội qua bao nhiêu nương rẫy theo chỉ tay của anh em đồng bào, chị không thu hoạch được gì ngoài mấy lon lúa đưa về trồng thử, nhưng cũng không phải giống cao lương bản địa đã thất truyền.

Lục lại ký ức, chị nhớ những người già nhất ở nhiều bản (cùng xã Trường Sơn), trước khi qua đời có kể lại với chị rằng, ngày xưa có một nhánh họ hàng bà con của người Vân Kiều từng qua Bô La Pha (Khăm Muộn, Lào) lập nghiệp và có đưa theo giống lúa chà và cùng nếp đen. Thế là chị xuyên rừng, theo đường 20 - Quyết Thắng, vượt đèo Phu La Nhích, qua cửa khẩu Noọng Ma để tìm gặp những thân thuộc Vân Kiều đang định cư phía bên kia rặng Trường Sơn. Tại đây, chị được người dân cho biết, ở một bản nhỏ nằm sâu trong hốc núi, vẫn còn trồng hai giống lúa rẫy này theo cách quảng canh cổ xưa mà tổ tiên Vân Kiều truyền sang. Như mở cờ trong bụng, chị Con xin dân bản cho ở lại chờ họ thu hoạch, phơi khô, rồi xin trưởng bản làm lễ rước loại cao lương này về lại quê nhà. Từ 15 lon đầu tiên mỗi thứ, chị đưa về trồng trên chính đất tổ của người Vân Kiều xưa từng khai khẩn ở bản Bến Đường.

Với 15 lon mỗi giống lúa rẫy thất truyền, chị Con đã gầy dựng vụ đầu tiên thành 90 bao lúa. Chọn ra những bao chắc hạt nhất làm giống để phân phát miễn phí cho dân bản đem về trồng và nay đã là vụ thứ 3, chà và cùng nếp đen đã trở lại gần như một nửa ở các bản trong xã. Điều đặc biệt, mỗi vụ rẫy xong chị lại trồng cây khác, cách năm sau mới trồng quảng canh loại cao lương này để giữ năng suất lý tưởng.

Bữa cơm chà và vụ mới

Người tốt giữa rừng xanh

Chị Con năm nay đã 59 tuổi, theo quy định phải nghỉ hưu, không giữ chức Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Trường Sơn, nhưng vì nhiệt huyết, có uy tín lớn với đồng bào Vân Kiều nên chị được xã mời làm cộng tác viên dân số. Phụ cấp không cao nhưng chị Con vẫn vui vẻ nhận trách nhiệm để “đả thông tư tưởng” cho đồng bào bỏ những hủ tục xa xưa không phù hợp.

Chị Hồ Thị Con có cuộc đời gian truân và khó khăn nhưng trái tim luôn hướng đến nhân văn. 15 năm trước, anh em Vân Kiều còn giữ chặt luật tục chồng chết vợ phải tái giá với em hoặc anh chồng. Tục nối dây ấy vướng vào số phận của gia đình, chồng mất chị Con phải đối diện với cái tục ấy. Tang chồng vừa mấy ngày, vợ của em chồng là Hồ Thị Nòng qua nhà đưa chị về làm vợ của chồng chị Nòng là Hồ Văn Thục. Chị Nòng bảo: “Chị thương các cháu nhỏ thì về mần vợ chồng em, chứ chồng chị mất rồi”. Chị Con vãn hồi bằng cách: “Em về nói với bố chồng và chú Thục cho chị mãn tang chồng 2 năm”. Hết 2 mùa rẫy, Hồ Văn Thục sang nói chị về làm vợ như cổ tục đã có. Chị Con lại nói: “Thục là em Hồ Văn Cu, chồng chị. Ngày xưa khi Thục còn nhỏ, chị đã bồng Thục như đứa em trong bản nên chị về làm vợ Thục sẽ không hay đâu”. Thuyết phục không được, Thục ra về, ít bữa sau bố chồng lại sang khuyên chị giữ tục nối dây cho bản làng không bị ma bắt vạ, không bị ốm đau, bệnh tật. Chị lại nói với bố chồng: “Bản thân con làm cán bộ thôn, xã có hiểu biết luật pháp, nếu làm vợ em trai của chồng thì không gương mẫu được. Thôi cho con xin ra khỏi họ chồng để không theo tục nối dây”. Bố chồng chị nghe xong ra về trong lo lắng.

Bẵng đi thời gian, dân bản không ai bị ma rừng phạt vạ, không bắt ai ốm đau, bản làng không bị hạn hán, bố chồng hiểu chuyện không còn trách cứ mà ủng hộ chị bỏ tục nối dây. Từ đó, chị Con đã một mình nuôi lớn 6 đứa con đẻ, 2 đứa con nuôi và nay có 10 đứa cháu nội, ngoại.

Trên gác nhà sàn, bên bữa cơm chà và đãi khách, chị vẫn lấy sổ ghi nhớ vô số việc cần phải làm trong tháng tới cho dân bản, để cộng đồng cùng tiến bộ. Chị bảo: “Khi mô cái lưng còng đi, đôi chân hết bước, cái mắt nhắm lại thì thôi giúp dân bản”.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục