Quyền tác giả văn học nghệ thuật - Cần sự chuyên nghiệp

Dù đã được nhắc đến từ khi Công ước Berne chính thức có hiệu lực tại Việt Nam (10-2004) nhưng đến nay, việc đảm bảo quyền tác giả vẫn là vấn đề nóng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Cùng với việc Việt Nam chuẩn bị bước vào TPP (Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương), vấn đề quyền tác giả lại lần nữa được nhắc đến.
Quyền tác giả văn học nghệ thuật - Cần sự chuyên nghiệp

Dù đã được nhắc đến từ khi Công ước Berne chính thức có hiệu lực tại Việt Nam (10-2004) nhưng đến nay, việc đảm bảo quyền tác giả vẫn là vấn đề nóng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Cùng với việc Việt Nam chuẩn bị bước vào TPP (Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương), vấn đề quyền tác giả lại lần nữa được nhắc đến.

Bí ẩn mang tên “in bao nhiêu”

Quyền tác giả văn học nghệ thuật - Cần sự chuyên nghiệp ảnh 1

Công ty Bách Việt đã bị tác giả
sách Mật ngữ rừng xanh
tố không minh bạch lượng bản in

Sáng 27-8, nhà văn trẻ Lê Hữu Nam, tác giả cuốn sách Mật ngữ rừng xanh đã gửi đề nghị thanh lý hợp đồng xuất bản trước thời hạn đến Công ty cổ phần Sách Bách Việt với lý do là đơn vị này đã có hành vi gian dối về số lượng sách được in thực tế. Theo tác giả, vào cuối năm 2014, anh đã ký với Bách Việt thực hiện cuốn Mật ngữ rừng xanh (tên gốc Tiếng gọi từ đại ngàn), trong đó có điều khoản về số lượng in ban đầu 1.000 cuốn, tác giả hưởng 10% trên giá bìa. Sau khi sách ra mắt, cùng với số sách được tặng theo hợp đồng, tác giả còn mua thêm từ Bách Việt cũng như của một số nhà sách khác tổng cộng 945 cuốn. Cho đến nay, giữa tác giả và Bách Việt chưa có bất cứ quyết định gì về việc tái bản. Như vậy, theo lý thuyết thì số sách trên thị trường chỉ còn khoảng hơn 50 cuốn. Thế nhưng, tác giả được biết các công ty phát hành sách lớn như Fahasa, Phương Nam, Vinabook, Tiki… đều có nhận bán một lượng sách Mật ngữ rừng xanh lớn, mỗi đơn vị từ 80 - 300 bản. Theo tác giả, các đơn vị phát hành trên là những đơn vị nghiêm túc trong việc giám sát nguồn sách nên số sách họ nhận đều có nguồn gốc, không phải sách lậu. Có nghĩa, Bách Việt đã in thêm sách mà không báo tác giả, không thanh toán tiền nhuận bút.

Việc tác giả không biết thực tế số lượng sách mình được in cũng không phải hiếm. Giới làm sách vẫn chưa quên chuyện “cười ra nước mắt” khi cách đây vài năm, một đơn vị làm sách tái bản tác phẩm của một tác giả với lời ghi rõ trên bìa sách: “Hơn 10.000 bản được bán hết trong lần đầu xuất bản”. Tác giả cuốn sách thấy thế đã vô cùng kinh ngạc vì trước đó ông được thông báo bản in đầu bán được chưa đến 5.000 bản và nhận tiền nhuận bút theo con số đó. Tác giả yêu cầu đơn vị làm sách phải giải thích.

Theo quy định của Luật Xuất bản, sách xuất bản phải ghi rõ số bản in. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua, việc kiểm tra, giám sát con số in thực tế vẫn còn bỏ ngỏ. Ông Vũ Ngọc Hoan, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, cho biết việc không minh bạch trong lượng bản in chính là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều đơn vị xuất bản nước ngoài khi bán bản quyền cho các đơn vị xuất bản trong nước đều yêu cầu thanh toán theo số in tối thiểu. 

Trục trặc tuân thủ bản quyền

Trong tọa đàm về quyền tác giả vừa được tổ chức tại TPHCM, nhiều đơn vị xuất bản đã nêu lên những khó khăn phức tạp khi đảm bảo quyền tác giả hiện nay. Đại diện Công ty Sách Thị Nghè nêu ví dụ: Khi có nhu cầu tái bản một tuyển tập tác phẩm của các nhà văn giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám, họ không biết phải tìm gia đình, người thân những tác giả này ở đâu để thương thảo. Đây cũng là cái khó chung của các đơn vị làm sách khi không có nhân lực, vật lực để tìm các tác giả, người sở hữu bản quyền… Thông thường đơn vị làm sách thường có hai lựa chọn, một là bỏ qua tác phẩm và hai là… làm đại, khi nào bị phản ánh thì thanh toán tác quyền sau. Phương thức thứ hai chính là nguyên nhân của một số vụ tố cáo vi phạm bản quyền vừa qua.

Các vấn đề về xuất bản, quyền tác giả… kể trên đang ngày càng trở nên phổ biến và một thực tế không thể phủ nhận là cá nhân các tác giả hay đơn vị làm sách rất khó để giải quyết các vấn đề đó. Tại các nước có nền xuất bản phát triển, những vấn đề trên thường được giao cho các đơn vị, tổ chức chuyên môn xử lý.

Thực ra, ngay tại Việt Nam điều này cũng không phải mới lạ. Trước đây khi công ty cung cấp dịch vụ trực tuyến nổi tiếng thế giới Google dự định xây dựng một thư viện sách số hóa toàn thế giới, họ cũng đã nhắm vào thị trường sách Việt Nam. Và khi tiếp cận, họ không thể làm việc với từng tác giả, từng NXB hay đơn vị làm sách mà chỉ làm việc với một vài đại diện chung của các cá nhân, đơn vị. Những tác giả, đơn vị nằm ngoài, trừ khi quá nổi tiếng, còn không sẽ bị bỏ qua.

Tại Việt Nam hiện nay có Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam. Tuy nhiên, do trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam nên đơn vị này hiện chủ yếu chỉ hỗ trợ các tác giả trong việc bảo vệ bản quyền mà thiếu đi sự hỗ trợ về phía người làm sách.

Vừa qua, Hội Xuất bản Việt Nam chi nhánh TPHCM đã đề xuất xây dựng một trung tâm tác quyền sách. Trung tâm sẽ cung cấp cho các tác giả, đơn vị xuất bản và cơ quan quản lý nhà nước một công cụ lưu trữ đầy đủ thông tin, hồ sơ về sách, có thể tra cứu dễ dàng và thông tin liên hệ với chủ sở hữu tác quyển sách. Trung tâm còn cung cấp các dịch vụ liên quan đến bản quyền như tư vấn về pháp lý khi giao dịch, xử lý tranh chấp tác quyền, phát hiện vi phạm tác quyền…

Như vậy, trung tâm tác quyền sách sẽ là sự bổ sung cho Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, trở thành nơi không chỉ tác giả mà cả những người làm sách có thể tìm kiếm sự giúp đỡ, giải quyết các vấn đề về bản quyền.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục