Ký ức oanh liệt và đau thương

Ký ức oanh liệt và đau thương

Nhà văn Lam Giang với Vùng trắng

Lam Giang là người lính bước ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Do vậy, chiến tranh là nỗi day dứt khôn nguôi trong hàng chục tác phẩm của ông mấy mươi năm qua, mà mới nhất là Vùng trắng - tiểu thuyết được trao giải B, giải cao nhất về văn học trong Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà văn Lam Giang đã có cuộc trò chuyện với Báo SGGP.

Ký ức oanh liệt và đau thương ảnh 1

Nhà văn Lam Giang (thứ ba, trái sang) nhận giải B Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam.

Phóng viên: Thưa nhà văn, ông có thể nói gì về tiểu thuyết Vùng trắng?

Nhà văn Lam Giang: Tiểu thuyết Vùng trắng đã hình thành trong đầu tôi từ sau khi kết thúc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tôi muốn viết về vùng đất mà mình lăn lộn chiến đấu sống chết từ Tết Mậu Thân 1968 cho đến ngày giải phóng Sài Gòn, trong hoàn cảnh vô cùng ác liệt và dày đặc sự kiện mà tôi là người lính từng chứng kiến. Nhưng viết làm sao, viết như thế nào cho hiệu quả nhất thì tôi trăn trở mãi không dám hạ bút. Mãi đến năm 2013, khi tham dự trại viết văn của Hội Nhà văn TPHCM, tôi mới quyết định khởi đầu công trình tiểu thuyết Vùng trắng, viết một mạch khoảng 4 tháng thì hoàn thành.

Vùng trắng đề cập đến vấn đề gì, thưa nhà văn?

Nội dung Vùng trắng có thể tóm tắt như sau: Trên vành đai bán nguyệt với chiều sâu khoảng 60km bảo vệ Sài Gòn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, địch đã biến Củ Chi - Trảng Bàng thành “vùng trắng”, vùng tự do hủy diệt, tự do oanh kích, nhất là từ sau Tết Mậu Thân 1968. Hơn 3 năm (1968-1970) giữ vùng trung tuyến - bàn đạp tiến công Sài Gòn từ hướng Tây Bắc, Trung đoàn 268 quân giải phóng đã bám trụ kiên cường trong mưa bom bão đạn, đối đầu với những sư đoàn sừng sỏ thiện chiến nhất của Mỹ. Cán bộ chiến sĩ trung đoàn chiến đấu vô cùng anh dũng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử trong giai đoạn khốc liệt nhất của chiến trường vùng ven Sài Gòn - Gia Định. Gần 1.700 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống ở “vùng trắng” này.

Ông có suy nghĩ gì về những tác phẩm văn học gần đây viết về đề tài chiến tranh cứu nước?

Những tác phẩm gần đây viết về chiến tranh đã có độ lùi xa nên có cái nhìn mới và đa dạng về chiến tranh. Các tác giả tránh chuyện đánh nhau mà đi sâu mổ xẻ những vấn đề trước đây chưa đụng tới. Lối viết thoáng hơn, dám lật những mặt trái, nhất là những tổn thất phía bên ta... Tuy nhiên, có những tác phẩm có xu hướng lập lờ không phân biệt chiến tranh cách mạng chính nghĩa và chiến tranh xâm lược phi nghĩa, xóa nhòa ranh giới giữa ta và địch, chối bỏ quá khứ, có người còn mô tả như cuộc nội chiến nồi da xáo thịt... Đó là quan điểm hết sức sai lầm, phủ nhận xương máu của hàng triệu chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống.

Ở tuổi 70, sức sáng tạo của ông vẫn mạnh mẽ. Sau thành công của Vùng trắng, ông có những dự định gì trong thời gian tới?

Còn sức khỏe tôi vẫn còn giữ cảm hứng sáng tác. Sau khi hoàn thành tiểu thuyết Vùng trắng, tôi dự định viết một thiên tự truyện từ Bắc vào Nam dài khoảng 600 - 700 trang, hiện tại đã xong chương 250 ngày đêm vượt Trường Sơn. Chương khó nhất là “Mang bảy quân hàm đi qua một cổng gác”, vì nó có thể sẽ đụng chạm đến những chuyện tế nhị của một số cán bộ quân đội, nhưng được tái hiện dưới hình tượng văn học.

Nếu cứ tránh né mãi những vấn đề tế nhị mà bạn đọc quan tâm thì văn học sẽ dần bị chính bạn đọc xa lánh. Ông nhìn nhận ra sao về đời sống văn học hiện nay, nhất là cách ứng xử và sáng tác của các nhà văn trẻ ở TPHCM?

Đời sống văn học hiện nay duờng như đang chùng xuống, không có mấy tác phẩm gây tiếng vang, sách in ra nhiều nhưng ít được đón nhận, kể cả văn thơ. Hình như các tác giả in sách là vì không thể không in chứ không hứng thú ngay với tác phẩm của mình. Các nhà văn trẻ trăn trở tìm tòi, xông xáo cho ra hàng loạt tác phẩm, phần nào đem lại sức sống mới cho văn học TPHCM nhưng chưa có sự bứt phá đáng kể. Thời gian qua, Hội Nhà văn TPHCM cũng chưa làm được nhiều trong việc quảng bá tác phẩm cho hội viên, trong khi các trào lưu văn hóa nghệ thuật với phương tiện tối tân hiện đại lấn át mạnh văn học và cả văn hóa đọc...

Nhà văn Lam Giang tên thật Hồ Sĩ Thành, quê quán ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông vốn là thượng tá trong quân đội, từng có thời gian dài gắn bó với chiến trường miền Đông Nam bộ, nhất là vùng ven Sài Gòn. Lam Giang vừa viết văn vừa làm thơ, viết khảo cứu, tác giả của nhiều tác phẩm đã xuất bản như: Những tiếng nổ rung chuyển Sài Gòn (truyện ký - 1984), Ngày cuối cuộc chiến tranh (truyện ký - 1986), Chiếm đoạt tình yêu (tiểu thuyết - 1991), Trở lại dấu chân mình (trường ca - 1994), Qua miền hoa chân chim (thơ - 1995), Cửa gió (thơ - 1997), Góp nhặt tháng ngày (thơ - 2006), Phía sau huyền thoại (trường ca - 2010), Việt Nam kỳ tích (9 tập, khảo cứu, 1998 - 2003)…

HÙNG PHAN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục