Văn học thiếu nhi điện tử: Tại sao không?

Văn học thiếu nhi điện tử: Tại sao không?

Nhiều năm nay, tình hình sáng tác văn học thiếu nhi ở Việt Nam hầu như bị bỏ rơi. Không kể truyện tranh hoặc truyện dịch từ nước ngoài, tác phẩm dành cho thiếu nhi do các nhà văn trong nước sáng tác chẳng đáng kể. Vừa ít về đầu sách, vừa gặp khó khăn về đầu ra, số lượng phát hành lại rất thấp, làm các nhà văn e ngại sáng tác cho thiếu nhi.

Những cây bút tâm huyết viết cho thiếu nhi như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Thái Hải, Lê Phương Liên, Trần Đức Tiến, Trần Quốc Toàn, Nguyễn Thu Trân, Cao Xuân Sơn, Kao Sơn, Trần Hoàng Vy, Mai Bửu Minh, Nguyễn Ngọc Thuần, Trần Nhã Thụy… dù có nhiều nỗ lực nhưng số tác phẩm xuất bản rất hạn chế. Chủ yếu họ viết cho người lớn, chỉ dành một phần sáng tác cho thiếu nhi. Ngay cả một người có nhiều đầu sách bán chạy là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, phần lớn tác phẩm của ông gần đây cũng thiên về tuổi mới lớn chứ ít dành cho lứa tuổi thiếu nhi đúng nghĩa.

Sự bức xúc về sáng tác văn học cho thiếu nhi cũng đã được các nhà văn lên tiếng mạnh mẽ trên các diễn đàn nhân Đại hội Hội Nhà văn TPHCM lần thứ VII và Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX. Nếu như trước đây, Hội Nhà văn Việt Nam có Ban Văn học thiếu nhi thì nhiệm kỳ vừa qua, nó chỉ còn là một phần của Ban Chuyên đề trong cơ cấu các ban chuyên môn của hội, nghĩa là văn học cho thiếu nhi đã không còn vị trí quan trọng của hội nghề nghiệp. Còn ở phía Nam, Hội Nhà văn TPHCM dù vẫn duy trì Ban Văn học thiếu nhi nhưng nhiệm kỳ vừa qua chẳng có hoạt động gì.

Trong lúc đó, những trang báo trên cả nước dành đăng sáng tác cho thiếu nhi cũng rất hiếm. Càng hiếm hơn những trang báo dành “đất” giới thiệu các cuốn sách được xuất bản cho thiếu nhi. Nhà văn Nguyễn Thái Hải (Khôi Vũ) tâm sự: “Viết một bài thơ hay một truyện ngắn cho thiếu nhi không hề dễ, nhưng viết được rồi thì chẳng biết gửi đâu in, quả thật là một thực tế làm nản lòng người cầm bút. Chỉ còn cách để dành khi nào đủ tập thì gửi in sách. Mà in sách cũng đâu có dễ dàng gì”. Ông còn thẳng thắn hơn: “Một tờ báo dành riêng cho văn học thiếu nhi (gồm cả giới thiệu sáng tác của các nhà văn, thầy cô giáo... và các em học sinh) hoàn toàn vắng bóng. Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam chỉ in sáng tác cho thiếu nhi vào những dịp lễ tết, Ngày Quốc tế Thiếu nhi, nhưng thực chất những sáng tác này không đến, hoặc đến rất ít với độc giả thực sự của nó là thiếu nhi, mà chỉ là… người lớn viết cho người lớn đọc, hoặc họ chỉ lướt qua cái nhan đề”.

Trước thực trạng ấy, nhà văn Nguyễn Thái Hải đã đề xuất với Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX xuất bản một chuyên đề văn học điện tử cho thiếu nhi. Ông nói: “Đầu tư một tờ báo điện tử sẽ ít tốn kém hơn về tài chính, nhân sự cũng gọn hơn và về lâu dài, nếu hoạt động tốt có thể có nguồn thu từ quảng cáo của các đơn vị kinh tế sản xuất và phân phối các loại sản phẩm cho thiếu nhi trên toàn quốc”. Ông còn miệt mài xây dựng cả một đề án báo điện tử văn học thiếu nhi gửi ra Hà Nội.

Cuối tuần vừa qua, đã diễn ra buổi ra mắt sách Siêu nhân cua của nhà văn trẻ Võ Diệu Thanh (An Giang) tại TPHCM. Là cô giáo dạy mỹ thuật tiểu học, từng xuất bản nhiều đầu sách, nhưng Siêu nhân cua là tác phẩm đầu tay nhà văn trẻ Võ Diệu Thanh viết cho thiếu nhi, do NXB Kim Đồng ấn hành tháng 7-2015. Võ Diệu Thanh thổ lộ rằng, khi nghe lời khuyên viết cho thiếu nhi, chị rất e ngại, nhưng nhờ hàng ngày sống cùng các em, hiểu được tâm lý và ngôn ngữ của các em, chị mạnh dạn viết với mong ước các em sẽ tìm đến trang sách hơn là cứ mải mê với chiếc máy vi tính. Và ngay trong buổi ra mắt sách, nhiều phụ huynh và bạn đọc nhỏ tuổi đã tìm đến mua sách, nghe tâm sự của tác giả Siêu nhân cua, đã tạo cho chị động lực để hình thành một tác phẩm mới cho các em.

Nhà văn Võ Diệu Thanh ký tặng sách Siêu nhân cua

Cùng tâm trạng với Võ Diệu Thanh, cây bút kỳ cựu Nguyễn Thái Hải cũng chia sẻ: “Tôi là một người viết, khởi đầu bằng những trang viết cho thiếu nhi, sau một thời gian gián đoạn, đã trở lại viết cho các em, bền bỉ đến nay và đầy hào hứng. Vì vậy đóng góp chính của tôi chính là sáng tác truyện dài, truyện ngắn cho thiếu nhi. Có thể những gì tôi viết chưa hay nhưng tôi tin rằng việc làm cần mẫn của mình vẫn có ích”.

Niềm tin ấy của nhà văn cũng là sự chờ đợi những trang sách “có ích” của bạn đọc nhỏ tuổi, trước khi một ấn phẩm điện tử dành cho văn học thiếu nhi trở thành hiện thực.

PHAN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục