Không còn lỗi hẹn

Không còn lỗi hẹn

Vậy là tôi được trở lại Phú Quốc đảo giàu sau 40 năm. Không phải ham vui, dù hai tiếng Phú Quốc gần đây rộn rã trên các phương tiện truyền thông, mà vì lẽ khác...

Tháng 7 năm 1954, hòa bình lập lại, có cuộc trao trả thương, bệnh binh giữa ta và Pháp. Anh thương binh thiểu não nhất, lả người trong vòng tay bà mẹ tỉnh Thanh. Mẹ không sao cầm được nước mắt: “Chúng nó hành hạ thế nào mà thân con ra nỗi này, hả con!”. “An Thới. Trại giam An Thới”. Anh thều thào đáp rồi ngất xỉu.

Chứng kiến cảnh ấy, tôi nghĩ thầm: “Ngày thống nhất, thế nào ta cũng làm một chuyến thăm An Thới”. Sài Gòn giải phóng, tôi bôn về Đất Mũi, sang Rạch Giá rồi thẳng tới Hà Tiên ngắm mặt trời lặn trên biển Tây, nhìn kênh Vĩnh Tế  lừng danh trong quá trình mở cõi. Ngỏ lời xin ra Phú Quốc, nói với ai cũng chỉ  gặp cái lắc đầu: “Không được. Mùa này không đi được. Ráng chờ đến mùa khô”.

Mùa khô đến, tôi về. Các bạn địa phương nhiệt tình sắp xếp. Phó Bí thư Tỉnh ủy đích thân chỉ đạo, mượn của dân một tàu đánh cá nhỏ, cấp xăng dầu dôi ra chút ít cho bà con vui - hồi ấy dầu đi biển hiếm lắm, phải mua hàng lậu từ Thái Lan - nhờ  bà con đưa ra đảo. Thời hạn: hai ngày hai đêm.

Đoàn nhà báo chỉ hai người, tôi cùng một anh bạn mới từ Bắc vào. Kèm một anh du kích người địa phương, nay đã quân trang tề chỉnh, khẩu súng AK mới toanh trên vai tháp tùng... bảo vệ. Tiễn ba người xuống con tàu nhẹ tênh vào lúc hoàng hôn, anh cán bộ tỉnh nói: “Các anh ngủ một giấc, thì dậy là đến Dương Đông thôi!”.

Tôi biết, chuyến đi lần này, sau 40 năm, cảnh cũ có thể nhận ra dù đổi thay, người xưa chắc chắn không gặp được. Chú Bảy Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Cửa Dương hồi đó đã 63 tuổi, tóc bạc phơ. Bí thư Huyện ủy Hai Phi trẻ hơn, nay còn khỏe cũng đã nghỉ  hưu hay trở về quê đâu đó.

Chú Bảy rành rọt kể cho nghe họ tên các đồng chí đi đầu trong việc xây dựng cơ ngơi kháng chiến trên đảo. Bí thư Chi bộ đầu tiên là Huỳnh Thiện Nở, anh hy sinh năm 1947. Anh ruột của Nở là Huỳnh Thiện Lang, “để trả thù nhà, đền nợ  nước” (lời chú Bảy), thay em làm bí thư. Anh của Nở hy sinh năm sau. Tiếp đó là Trịnh Văn Nghị, Hồ Thị Nghiêm, Trịnh Điền Tân... Lần lượt ngã xuống hoặc mất tích.

Những chuyện nghe 40 năm về trước, tôi quên lâu rồi. Trước khi trở lại đảo, tôi tìm đọc lại bài bút ký “Đảo Giàu” đăng trên hai số báo của Báo Nhân Dân hồi đó, tự dưng mọi sự hiển hiện, từ mái tóc bạc chú Bảy đến ngôi nhà nơi tạm đóng cơ quan huyện ủy, vốn là nhà riêng một thiếu tá hải quân, có gắn chiếc máy lạnh chạy rè rè nghe như máy phát điện, những nương mì, những rừng lim, tất cả hiện lên tươi rói, như thể chúng tôi mới chuyện trò với nhau hôm qua.

Nhà báo Phan Quang tại Phú Quốc (năm 2015)

Nhà báo Phan Quang (trái) thăm lại di tích Trại giam An Thới

Trải qua bao tổn thất hy sinh, đến năm 1954, huyện đảo có đến hai trăm đảng viên, cán bộ xuống tàu ra Bắc. Ta nghiêm chỉnh nhưng đối phương phản trắc. Khi cần khởi động phong trào, không còn cốt cán! Nhiều người dân bỏ mình trên biển trên đường về đất liền tìm cách liên lạc với tổ chức Đảng. Tỉnh ủy Rạch Giá phái ra đảo một tổ công tác, tổ trưởng làm bí thư huyện, “anh ấy nay là Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy đó”, Hai Phi nói thêm. À ra thế: Nhà lãnh đạo sốt sắng thu xếp cho chúng tôi ra Phú Quốc, vốn có nhiều duyên nợ với đảo này.

Bạn tôi ngỏ ý muốn thăm một căn cứ của Huyện ủy. Anh Hai Phi đứng lên: “Muốn đi thì đi luôn. Chúng ta đâu có nhiều thời gian!”.

Sao cứ rề rà mãi chuyện ngày xưa vậy? - hẳn có người sốt ruột. Tôi biết, Phú Quốc đổi thay nhiều, nay có nhiều cái hay đáng giới thiệu lắm. Nhà ga sân bay mới toanh, hiện đại, xinh xắn, nhìn càng thấy dễ thương. Con đường xuyên đảo phẳng lì, với những biển báo đúng quy cách quốc tế, những tấm biển lớn chỉ các địa danh sắp tới. Những chiếc cầu xây dở. Những cây cổ thụ bị đốn hạ ở bên đường. Các khu nghỉ dưỡng có các bãi biển dành riêng cho mỗi resort tràn ngập tiện nghi thì quay về đâu cũng gặp tấm biển chào mời. Cái chợ đêm mới sập tối đã nườm nượp du khách, dưới sáng chưng ánh điện là những bể chứa hải sản tươi sống đang vùng quẫy, sát cạnh con đường dành cho người đi bộ. Mùi đặc sản chế biến thơm lừng, gió đêm từ biển cả vẫn không đủ sức xua tan.

Nhiều quang cảnh gây ấn tượng, nhưng nói thật lòng, những cảnh ấy ta có thể  gặp nhiều nơi trên đất nước ngày nay. Và đổi thay buồn, cũng tương tự nhiều nơi, là sự biến mất những rừng lim, rừng dầu, rừng sao nhiều năm tuổi... “Trên đảo có núi cao đến tầng mây, hướng về Bắc. Rừng cây cổ thụ, nhiều loại song mây. Không có hùm beo mà lắm heo rừng, trâu rừng, nai hươu, yến sào...” - giữa thế kỷ 19, cụ Trịnh Hoài Đức đã viết như vậy về  Phú Quốc trong Gia Định thành thông chí. Đảo Giàu nay vẫn mượt mà màu xanh cây cỏ nhưng phần lớn là cây rừng trồng. Gió biển ngày đêm vẫn vờn những hàng cây cành lá sum sê ven đường, có điều những giống cây này lớn nhanh, chóng lụi. Trên đời có sự phát triển nào không phải trả giá! - tôi triết lý suông cho bớt lưu luyến chuyện biển dâu.

Cái đích chuyến đi của tôi là thăm di tích Trại giam An Thới. Tôi đã đến đây 40 năm trước. Thời đánh Mỹ, có lúc địch giam tại trại này đến 38.000 cán bộ, chiến sĩ đến từ cả nước. Lần thăm trước đi nhờ xe quân đội. Tư lệnh Binh đoàn 700 thân hành hướng dẫn, chiếc xe Jeep nhảy chồm chồm trên con đường hoang phế. Xe chạy nửa tiếng đồng hồ vẫn chưa vòng quanh hết khu trại giam. Đâu đâu vẫn một cảnh quan  ấy. Những dãy nhà khung sắt, mái tôn thép tè. Những tấm lưới sắt B40 cao vút. Và bùng nhùng, bùng nhùng dây kẽm gai, nghe nói còn có mìn trong đó. Hành lang các khu trại dài hun hút như dẫn tới âm ti.

Vậy mà các chiến sĩ ta vẫn vượt ngục được. Qua con đường hầm đào xuyên sâu dưới các hành lang, lưới sắt và dây kẽm gai, những người thoát ngục biến vào rừng cùng cán bộ cơ sở. “Một lực lượng tiếp sức vô cùng quý báu cho chúng tôi. Có cả  bác sĩ, chỉ  huy trong đó. Các anh đến vào lúc chúng tôi hết gạo, toàn sống nhờ củ  nẫn (?),  thôi thì có thứ gì chia sẻ thứ đó với nhau”, anh Hai Phi nói.

Đại tá Tư lệnh Binh đoàn: “Đi nữa, cũng chỉ thế này thôi. Hay là mời anh sang viếng nghĩa trang?”.

Nghĩa trang vừa được bộ đội giải phóng sửa sang đôi chút. Đằng sau cái cổng đơn sơ là mộ chí.  Tôi quỳ xuống phủi bụi đất, đọc, ghi vào sổ tay tính danh liệt sĩ: Nguyễn Văn Đẹp, sinh năm 1949, mất năm 1968, số tù 5134860; Nguyễn Văn Thọ, 5110564; Nguyễn Quang Dương, 5234567... Chỉ có thế. Mà cây cỏ, gió cát sắp che phủ hết tới nơi. “Chúng tôi đã có dự án xây lại nghĩa trang”, đại tá trầm ngâm nói như thể đọc được băn khoăn trên mặt khách.

Tôi trở lại An Thới lần này trên chiếc xe đời mới sang trọng, có người hướng dẫn. Không chỉ nghĩa trang mà cả một khu lưu niệm được tạo dựng. Tượng đài uy nghiêm. Có quầy bán sách và vật kỷ niệm, có phòng chiếu phim, có nơi cho khách nghỉ chân. Nhiều đoàn từ mọi phương đến thăm, không ít khách nước ngoài.

Xúc động hơn cả là gian trưng bày vật dụng hàng ngày của các chiến sĩ trong trại giam thời trước. Và nổi bật danh sách các liệt sĩ in trang trọng trên những tấm làm bằng vật liệu rắn dựng ngang tầm mắt người xem, xoay quanh cái trục, có thể lật hết trang này sang trang khác. Tổng số 1.209 liệt sĩ. Họ tên, năm sinh, ngày mất, số tù, quê quán - từ Cao Bằng, Hòa Bình qua Hà Tĩnh, Quảng Trị đến Bà Rịa, Vũng Tàu... Tôi ghi lại danh tính vài vị: Hòa Bình - Bùi Văn Cam 3139432, Quảng Trị - Lê Văn Hanh 31273765, Thái Bình..., mắt tôi nhòe mất rồi, không đọc tiếp được nữa.

- Chào anh Phan Quang!

Tôi giật mình. Một phụ nữ lớn tuổi ăn mặc lịch sự, mắt đeo kính mát thời trang, tươi cười:

-  Anh vào đây hôm nào?

- Chị đi từ Hà Nội.

- Vâng. Gia đình em vẫn ở khu chung cư ấy. Nghỉ hưu lâu rồi. Em đã đến đây. Lần này cho mấy đứa cháu ngoại đi, cho chúng nó biết... Hôm nào anh trở ra?

Tôi ấm ớ, làm như thể đã nhận ra bạn cũ. Thời gian lùi xa, ngày một xa hơn. Hiện tại hòa vào dĩ vãng. Đầu óc con người theo năm tháng phôi pha. Vạn vật đổi thay. Tuy nhiên, quá khứ không mất, quá khứ còn kia với các thế hệ cháu chắt ta. Quá khứ trường tồn cùng dân tộc trường tồn. Và lẽ đương nhiên, như thơ Olga Bergholtz:

Không có ai bị quên lãng

Chẳng có gì chịu lãng quên­­ (1)

------------------

(1) Hai câu của nhà thơ Nga Olga Bergholtz khắc trên cổng chính Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Leningrad, nơi an nghỉ của nửa triệu người bỏ mình để bảo vệ thành phố trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

PHAN QUANG

Tin cùng chuyên mục