Vui cười trên đường du lịch

Vui cười trên đường du lịch

Đi du lịch, giờ đây cũng là một nhu cầu phổ biến trong sinh hoạt cộng đồng. Thường là qua miền đất lạ cùng đoàn khách gần xa, bên các cô cậu hướng dẫn viên vui tính, nên trên những nẻo đường du lịch thường có những nét văn hóa vui cười. Như trên chuyến đi miền Tây sông nước Cửu Long, khi đoàn khách tham quan chợ nổi Phụng Hiệp, cả nhóm bỗng vỗ tay reo cười, khi thấy con heo con treo trên cái giỏ kêu eng éc. Cô hướng dẫn viên giải thích rằng, ghe bán hàng trên chợ nổi thường bán thứ gì thì treo trên cái giỏ trên cột dựng thứ đó, tức ghe này bán heo con. Tiếng cười còn tiếp, khi cô giải thích tiếp, những cây cột này có tiếng lóng là cột “bẹo” tức bẹo hình bẹo dạng để bán hàng. Khi ghe len vào Xẻo Quýt trong cảnh chân quê với rặng trâm bầu phủ kín bờ, bỗng xuất hiện biển chào: “Thả heo nọc - lấy heo con”. Đoàn khách vừa cười vừa thắc mắc, cô hướng dẫn viên phải giải thích, chủ của con heo đực nhận thả nọc cho heo cái đẻ, sau này heo cái đẻ mới lấy phí bằng heo con.

Minh họa: NGỌC THIỆN

Xuôi về miền Trung, các hướng dẫn viên phải thông “phương ngữ” mới kịp ứng biến. Một ông khách Việt kiều đến tìm nhà người thân. Con chó trong nhà chạy ra sủa ầm ĩ. Bà chủ chạy ra la lớn: “Không răng mô! Không răng mô! Cứ vô đi”. Ông khách chỉ tay về phía con chó, cũng la lớn: “Nó nhe cả hai hàm nhọn hoắc thế kia, mà cứ la không răng mô!”. Thật ra bà chủ muốn nói “không sao đâu, cứ vào đi”.

Ra đến Hà Tĩnh, khách quen thì thích dừng lại bên cái biển chào mời “Bán kẹo cu-đơ”, còn khách lạ thì thắc mắc. Sau khi được mời ăn thử, thì ra kẹo đậu phộng rang, kẹp giữa hai miếng bánh tráng có mạch nha, cắn ngập răng rất ngon. Tên cu-đơ có hai nguồn giải thích, do ngày xa xưa, xóm bán kẹo này gần đồn lính Tây, Tây quen ăn, do cắn một miếng mà được hai, tiếng Tây là couq-deux, nên Tây gọi là kẹo cu-đơ luôn. Một giải thích khác là do trong xóm có anh cu tên Đơ mở đầu sản xuất loại kẹo này, nên gọi tên kẹo cu-đơ…

Nói đến du lịch là luôn có nhà hàng, khách sạn theo sát. Ra đến Hà Nội, khách thường được đưa đến tiệm phở ngon nổi tiếng ở số 99, Nguyễn Trường Tộ, Ba Đình, đó là hiệu phở cười, đi kèm với câu ngụ ngôn: “Một nụ cười hơn 10 bát phở”. Theo lý giải của chủ quán, phở ở đây tuy ngon bổ, nhưng nụ cười mới là quan trọng, vì vậy cảnh trí cũng như đội ngũ phục vụ cần phải tươi vui, để tạo nụ cười cho khách theo đúng hai câu ca dao địa phương: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Đến khách sạn, khách bỗng nghe hai câu nói lạ tai vui vui: “Nô pho-tu phai” có nghĩa là khuyên nhau “vô tư - đi ngủ”. Bởi tiếng lóng cầu kỳ ghép 3 ngôn ngữ Anh - Hoa - Việt. Tiếng Anh no four là không 4, bốn quen gọi là tư, nên no four thành vô tư. Tiếng Anh go five là đi năm, năm tiếng Hoa là ngủ, nên go phai là đi ngủ. Cứ thế mà nụ cười văn hóa cứ nhân rộng theo bước đường du lịch.

LÊ VĂN SÂM

Tin cùng chuyên mục