Đội ngũ lý luận phê bình trẻ: Thiếu và yếu

Phê bình tránh người trẻ
Đội ngũ lý luận phê bình trẻ: Thiếu và yếu

Người viết trẻ được coi là tương lai của nền văn học Việt Nam, lý luận phê bình là một trong những công cụ nền tảng hỗ trợ sáng tác. Nhưng thực tế, hai lực lượng này đang ngày càng xa nhau, "sợ hãi", né tránh nhau. 

Phê bình tránh người trẻ

TS Trần Lê Hoa Tranh, hiện là giảng viên Trường ĐH KHXH - NV TPHCM kể lại câu chuyện khi cô bắt tay nghiên cứu các hiện tượng văn học như ngôn tình hay các nhà văn trẻ Việt Nam mới như Hamlet Trương, Anh Khang… đã bị một số người phê phán là “giết gà dùng dao mổ trâu” với hàm nghĩa cho rằng lý luận phê bình (LLPB) nên làm cái cao siêu hơn là những cái “tầm thường” đó. Đây không phải là trường hợp duy nhất, ngay tại tọa đàm về sách, một nhà LLPB tên tuổi khi được hỏi có nhận xét gì về những cây bút trẻ hiện nay đã hùng hồn đáp lại: “Không đọc vì không đáng để quan tâm”.

Nhà văn trẻ Tiểu Quyên (hàng đứng, đầu tiên bên phải) giới thiệu sách mới với độc giả

Sự xa lánh của một bộ phận giới phê bình chính vì thế đã tạo nên một khoảng trống của nền văn học. Giữa lúc nhiều nhà thơ than rằng thơ bị rẻ rúng thì một nhà thơ trẻ như Phong Việt cứ mỗi tập thơ bán hàng chục ngàn bản. Khi nhiều cây bút lão làng chật vật với tác phẩm chỉ 2.000 - 5.000 bản thì có những Anh Khang, Iris Cao, Hamlet Trương… tác phẩm nào ra mắt cũng đạt 5 con số bản bán được.

Dù nhìn dưới góc độ nào, các cây bút trẻ trên đều là những hiện tượng văn học đáng để nghiên cứu. Thế nhưng, cho đến nay không có bất cứ một nhà phê bình nào đánh giá về giá trị nghệ thuật, văn chương của những tác giả ăn khách này để từ đó lý giải sự thành công, nhu cầu của bạn đọc. Chỉ có những phân tích của báo chí về vấn đề quảng bá, làm truyền thông sách của những tác phẩm ăn khách trên. Nhà thơ, nhà LLPB Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT Trung ương đã nhận xét việc thiếu hụt này làm nảy sinh nghi ngờ rằng LLPB ít nhất ở mảng sáng tác trẻ đang có sự xa rời hiện thực sáng tác.

Vì sao các nhà LLPB né tránh văn học trẻ, nhiều lý giải được nêu ra nhưng như tiết lộ của một nhà phê bình tại một hội nghị về LLPB vừa diễn ra thì vấn đề thực ra rất đơn giản: Bởi vì họ không đọc! Không đọc không phải vì xem thường hay không thích mà chỉ thuần túy là sự khác biệt quá lớn về thế hệ. Đa số tác phẩm gây xôn xao vừa qua của người trẻ đều viết cho bạn đọc trẻ. Ở đó có những từ ngữ của riêng họ, có những vấn đề của riêng người trẻ hôm nay, có cả những quan điểm, suy nghĩ mà chỉ có người trẻ biết và cảm nhận. Trong khi đó, đa số những nhà phê bình tên tuổi hiện nay đều đã ở lứa tuổi tương đối lớn, với sự khác biệt về thế hệ nên khi đọc các tác phẩm này có cái không hiểu, có cái không biết, thậm chí có cái buồn cười về sự ấu trĩ, ngớ ngẩn, thơ ngây của người viết trẻ. Trong trường hợp đó, các nhà phê bình cao niên lựa chọn cách im lặng.

Người trẻ sợ phê bình

Vậy ai có thể phê bình tốt nhất với các tác phẩm của người viết trẻ? Dĩ nhiên chính là các nhà phê bình trẻ. Thế nhưng, đội ngũ này lại đang lâm vào một khủng hoảng mà như Hội đồng LLPB VHNT Trung ương nhận xét ngắn gọn là: thiếu và yếu.

TS Trần Lê Hoa Tranh đưa một ví dụ trực quan là ngay cả ở Khoa Văn học và Ngôn ngữ của Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, một nơi được xem là đào tạo cơ bản về văn cũng rất ít bạn trẻ nào chọn LLPB. Tốt nghiệp Khoa Văn học và Ngôn ngữ chỉ mới biết đại khái về LLPB, lên cao học mới chính thức học LLPB nhưng rất ít bạn trẻ đăng ký học. TS Phan Tuấn Anh, ĐH Huế cho biết để trở thành một nhà LLPB, sinh viên phải học khoảng 70 môn nhưng chỉ có 10 môn là liên quan trực tiếp. Đó là chưa kể đến việc các giáo trình LLPB đa phần được soạn từ cách nay 30 - 40 năm, thậm chí có một số giáo trình phê bình ngày trước do vấn đề dịch thuật nên hiện không thể đọc được chứ chưa nói đến việc hiểu để giảng dạy, tiếp thu.

Đó mới chỉ là việc học, người trẻ bước vào LLPB còn vấp phải vô vàn trở ngại. Nhà báo Phan Tùng Sơn của Báo Quân đội Nhân dân nhận xét là hiện có hàng ngàn ấn phẩm báo chí nhưng không đâu có chuyên trang cho LLPB. Nhà phê bình Cẩm Lệ hiện đang công tác tại Sở VH-TT TPHCM cho biết thêm, với người được đào tạo LLPB lại không được dạy để viết phê bình trên báo thường ngày. Chính vì vậy, dù có viết cũng rất khó để được sử dụng trên các tờ báo thông thường.

Tuy nhiên, tất cả những nhà phê bình đều cho rằng những trở ngại trên chỉ là phụ, trở ngại chính, lớn nhất chính là việc sợ đụng chạm. Nhà báo Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, nguyên Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ nhận xét, người viết trẻ ngày nay sợ đụng chạm, chỉ thích viết những gì có sẵn. Trong khi đó, đã viết phê bình thì chắc chắn là đụng chạm, không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, tức giận. Chính vì thế, người viết phê bình ngoài các yêu cầu của một người viết còn cần thêm chữ “dũng”, không ngại va chạm.

Tuy nhiên, điều này không đơn giản vì sự đả kích, phê phán không chỉ từ phía sáng tác mà thậm chí ngay từ trong giới phê bình. Một thực tế là các nhà phê bình trẻ vừa phải chật vật kiếm sống, bổ sung kiến thức, tìm nơi để đăng sáng tác của mình nhưng đến khi có tác phẩm thì lại bị các bậc đàn anh trong nghề xem là “trẻ ranh”, “trứng khôn hơn vịt”… dù rằng như nhà phê bình Hồng Vinh nhận xét là nếu không có trứng hôm nay thì làm sao có vịt ngày mai!

Hệ quả của những gian nan vất vả, chướng ngại kể trên là đội ngũ LLPB trẻ ngày càng vắng vẻ, thế nhưng nhu cầu phê bình các sáng tác mới vẫn đang tồn tại. Kết quả là xuất hiện một kiểu “phê bình” phổ biến hiện nay là phê bình tay ngang, tán dương thái quá hoặc xúc phạm người bị phê bình.

Lối ra cho người trẻ viết lý luận phê bình

Vừa qua, tại TP Vũng Tàu đã diễn ra Hội nghị những người trẻ viết lý luận phê bình VHNT khu vực phía Nam do Hội đồng lý luận phê bình VHNT Trung ương tổ chức. Một trong những trọng tâm chính là việc tìm ra giải pháp để phát triển đội ngũ người trẻ viết LLPB vốn đang khủng hoảng thiếu hiện nay.

Nhà báo Phạm Đức Hải nêu ra một thực tế là các cơ quan báo chí thực ra rất mong muốn có các bài viết phê bình, trong trường hợp Báo Tuổi trẻ là các bài phê bình trẻ thì mức trả nhuận bút đều rất cao, nhất là các bài nhận được đánh giá hay, phản hồi bạn đọc tốt. Ở các báo khác, tùy vào nhu cầu có các đòi hỏi khác nhau nhưng đều có sự ưu ái với phê bình. Tuy nhiên, điều quan trọng là các bài viết ngoài kiến thức, trình độ còn đòi hỏi sự phù hợp với báo chí hiện đại.

Nhà phê bình Hồng Vinh thì đề cập đến vai trò của các tổ chức phê bình, hội nghề nghiệp trong việc bảo vệ các cây bút phê bình, nhất là những cây bút trẻ trước các áp lực của xã hội. Đây là một vấn đề được đề cập đến nhiều lần vì thực tế đã có không ít trường hợp người sáng tác, viết LLPB hứng chịu đủ mọi đã kích trong khi các tổ chức hội nghề nghiệp lại không phản ứng gây nản lòng cho các tác giả, đặc biệt là các tác giả trẻ.

Và cuối cùng là vấn đề là người viết LLPB trẻ hầu như bị đứng ngoài trong các giải thưởng văn học từ địa phương đến trung ương. Nhiều nơi không có giải cho tác phẩm LLPB hoặc nếu có thì đánh đồng chung một giải khiến các tác giả trẻ hầu như không có cơ hội. Một giải thưởng LLPB dành riêng cho người trẻ được xem là một sự khích lệ quan trọng với những người trẻ dấn thân vào lĩnh vực LLPB hiện nay.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục