Kể chuyện Tổ quốc bằng thơ

Nguyễn Phan Quế Mai là một trong những gương mặt thơ Việt tiêu biểu hiện nay ở nước ngoài, có nhiều gắn bó với sinh hoạt văn học trong nước, hội viên Hội Nhà văn TPHCM và Hội Nhà văn Việt Nam. Mới đây, từ Philippines trở về ra mắt tập thơ Tổ quốc gọi tên mình (NXB Phụ nữ 2015) tại Hà Nội, chị tiếp tục giao lưu với bạn đọc TPHCM vào sáng 23-7. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai ngay sau buổi giao lưu.
Kể chuyện Tổ quốc bằng thơ

Nguyễn Phan Quế Mai là một trong những gương mặt thơ Việt tiêu biểu hiện nay ở nước ngoài, có nhiều gắn bó với sinh hoạt văn học trong nước, hội viên Hội Nhà văn TPHCM và Hội Nhà văn Việt Nam. Mới đây, từ Philippines trở về ra mắt tập thơ Tổ quốc gọi tên mình (NXB Phụ nữ 2015) tại Hà Nội, chị tiếp tục giao lưu với bạn đọc TPHCM vào sáng 23-7. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai ngay sau buổi giao lưu.

- Phóng viên: Sau hai buổi ra mắt tập thơ Tổ quốc gọi tên mình ở TPHCM và Hà Nội, chị nhận thấy có gì khác biệt trong buổi giao lưu tại TPHCM?

- Nhà thơ NGUYỄN PHAN QUẾ MAI: Cả hai buổi ra mắt thơ đông người dự ngoài sức tưởng tượng của tôi. Bạn đọc cho tôi thấy rằng thơ ca vẫn sống và là một phần không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của người Việt. Ở cả Hà Nội và TPHCM, tôi nhìn thấy tình yêu Tổ quốc, tình yêu hướng về nguồn cội hừng hực trong lòng những người tham dự. Có lẽ vì tôi làm việc ở Hà Nội nhiều năm hơn nên buổi ra mắt thơ ở Hà Nội là cuộc hội ngộ của những độc giả mình đã từng gặp gỡ. Còn ở TPHCM, trong khán phòng hơn hai trăm người, phần đông là những người tôi chưa từng biết mặt. Thật xúc động khi tôi được đón rất nhiều thầy cô giáo, các bạn sinh viên và học sinh đã đến với thơ của tôi.

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (thứ sáu, từ phải sang) cùng dàn đồng ca Tổ quốc gọi tên mình trong buổi ra mắt tập thơ tại TPHCM

- Các nhà thơ phái đẹp thường viết hay hơn về những đề tài gần gũi trong đời sống tình yêu, hôn nhân, gia đình. Sáng tác thành công về những đề tài rộng lớn như Tổ quốc mà chị gặt hái được rất hiếm. Đâu là bí quyết của chị?

- Tôi là người lăn lộn với công tác xã hội và chính những câu chuyện của những phận người kém may mắn đã soi rọi vào tôi một tình yêu Tổ quốc lớn lao. Càng đi nhiều, tôi càng hiểu rằng chúng ta đã trải qua quá nhiều nỗi đau khổ của chiến tranh, vì thế người Việt Nam trân trọng những giá trị của hòa bình. Tôi viết để kể những câu chuyện của đất nước chúng ta, về vẻ đẹp văn hóa, lịch sử, về tình yêu hòa bình không nguôi trong mỗi con người. Khi viết, tôi không nghĩ nhiều về kỹ thuật thơ, tôi chỉ muốn là người kể chuyện.

- Dù không nghĩ nhiều về kỹ thuật thơ, nhưng ngôn ngữ và hình tượng thơ của chị đã mở ra con đường riêng cho chị, mang lại cho người yêu thơ một không gian thẩm mỹ vừa quen, vừa lạ. Xa quê, mỗi lần quay về Việt Nam chắc lòng chị trào dâng nhiều cảm xúc?

- Trong chương trình ra mắt Tổ quốc gọi tên mình, tôi có tâm sự với bạn đọc là khi xa quê hương, tôi như bị mất đi một phần thân thể. Mỗi lần về Việt Nam, tôi cảm thấy mình lành lặn trở lại. Tôi yêu cảm giác được nghe tiếng Việt trên môi những người qua đường, được vào bếp nấu cơm cùng với mẹ tôi, được làm những điều bình dị nhất của một người con đất Việt.

Sau khi ra mắt Tổ quốc gọi tên mình ở Hà Nội, tôi và chồng tôi đã đi xe máy xuyên Việt. Đi qua hàng ngàn cây số, tôi được hít thở quê hương vào trong lồng ngực của mình. Khi chúng tôi ùa xuống những bãi biển dọc theo đất nước, tôi thấy mình được tắm gội trong tình yêu thương của đất nước. Thật thú vị khi trên chuyến hành trình xe máy rất dài ấy, món ăn tôi nhớ nhất là món bắp luộc mà chúng tôi mua ven đường - từ một người nông dân vừa thu hoạch trên thửa ruộng và nấu ngay ở đó. Vị ngọt của trái bắp đó và câu chuyện của người nông dân đó vẫn còn ở lại trong tôi cho tới hôm nay.

- Từng trải nghiệm đời sống thi ca ở nhiều quốc gia, chị thấy thơ Việt có vị trí ra sao trên thế giới?

- Vừa qua, tập thơ Bí mật của hoa sen của tôi được Quỹ Văn hóa Lannan trao giải thưởng và tài trợ cho việc xuất bản ở Mỹ. Một số trường đại học và trung tâm văn hóa đã mời tôi sang đó giao lưu. Những cuộc giao lưu đó có rất đông người tham dự, họ là con của những cựu binh Mỹ hoặc là những người đã xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam. Họ nói với tôi rằng, họ chưa biết gì nhiều về thơ ca Việt Nam và ước mong được tìm hiểu, để biết về bản sắc Việt và một Việt Nam yêu hòa bình.

Việt Nam có nhiều bài thơ hay và độc giả quan tâm, tôi tin là có, nhưng tôi nghĩ chúng ta thiếu những “cây cầu” dịch thuật để có thể đưa thơ ca Việt đến bạn bè quốc tế. Nhận ra điều đó, tôi đang có nhiều chương trình giới thiệu thơ ca đến bạn đọc Mỹ. Tạp chí Atlanta Review đã “đặt hàng” để tôi giới thiệu 60 trang thơ Việt vào số báo đặc biệt sẽ in trong năm 2016. Một chương trình radio của Mỹ cùng tôi tổ chức một chương trình phát thanh các bài thơ Việt Nam qua giọng đọc của các nhà thơ Việt cùng với bản dịch tiếng Anh qua giọng đọc của các nhà thơ Mỹ. Thêm vào đó, tôi và nhà thơ Teresa Mei Chuc đang gấp rút hoàn thành các bản dịch để một tập thơ Việt Nam, đương đại với sự hiện diện của nhiều tác giả sẽ được ra mắt ở Mỹ vào năm sau.

- Còn những dự định sáng tác và công việc khác của chị trong thời gian tới?

- Tôi vừa được Trường Đại học Lancaster (Anh quốc) tặng học bổng tiến sĩ. Đề tài của tôi là nghiên cứu về hậu quả của chiến tranh. Tôi sẽ viết một quyển sách về đề tài đó. Ngoài ra, tôi cũng đang giúp các cựu binh Mỹ tìm lại những người con lai mà họ từng bỏ rơi ở Việt Nam. Những câu chuyện của họ khiến tôi rơi nước mắt. Và tôi tin rằng rất nhiều người Việt Nam muốn lắng nghe những câu chuyện của họ.

HOÀNG THỦY (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục