Nhớ một người nghệ sĩ - chiến sĩ

Từ một chú bé đánh giày trên đường phố Sài Gòn, nhờ cách mạng, nghệ sĩ Trần Giác đã trưởng thành. Năm 1998, ông vinh dự nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều người lại nhớ đến người nghệ sĩ tài hoa, suốt đời lặng thầm cống hiến này.
Nhớ một người nghệ sĩ - chiến sĩ

Từ một chú bé đánh giày trên đường phố Sài Gòn, nhờ cách mạng, nghệ sĩ Trần Giác đã trưởng thành. Năm 1998, ông vinh dự nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều người lại nhớ đến người nghệ sĩ tài hoa, suốt đời lặng thầm cống hiến này.

Bộ trống “Việt Nam đánh Mỹ”

Trong Bảo tàng TP Cần Thơ có một hiện vật quý và lạ, được nhiều khách tham quan chiêm ngưỡng, tìm hiểu. Đó là bộ trống được làm ra từ vật liệu vũ khí, quân trang của quân đội Mỹ, như: vành trống làm từ mảnh bom trái sáng, da trống từ võng ni lông, dùi trống từ vỏ đạn pháo… Thú vị nhất, bộ gõ được thiết kế phía trên là bản đồ Việt Nam và búa liềm, phía dưới là chiếc búa gõ lên nón sắt US. Bộ trống có tên “Việt Nam đánh Mỹ” là vậy.

Bộ trống “Việt Nam đánh Mỹ”.

Bộ trống ra mắt lần đầu tiên trong hội nghị chống phá Bình Định và lễ đón nhận Huân chương Thành đồng Tổ quốc của Cần Thơ (1972), rồi nhanh chóng trở thành vũ khí tuyên truyền lợi hại đến tận ngày toàn thắng. Tác giả bộ trống là ông Trần Giác, khi đó là trưởng Đoàn Văn công Cần Thơ. Ông cũng là người để lại nhiều tư liệu lịch sử bằng ảnh rất quý. Bộ ảnh “Mừng lễ độc lập” (2-9-1949) với cảnh hàng ngàn người dân kéo về chật cứng; “Hội chợ Bà Đầm - Thác Lác” (nay thuộc huyện Thới Lai - Cần Thơ) kỷ niệm 5 năm nước nhà độc lập kéo dài 7 ngày đêm, thu hút hàng vạn người tham dự. Bước chân ông hòa trong nhiều chiến công của bộ đội như chặn tàu trên kênh xáng Xà No, đánh đồn Tầm Vu, phá khu trù mật Vịnh Chèo (Long Mỹ), đánh chi khu Trà Lồng, chống càn Sơn Trắng (Phụng Hiệp), đánh yếu khu Quang Phong...

Sau 1975, những thùng sắt đựng hàng ngàn tấm phim của ông suốt “hai mùa kháng chiến” đã trở thành nguồn tư liệu sống động, cung cấp cho các nhà truyền thống, bảo tàng tỉnh, các ngành Trung ương, TPHCM, Quân khu 9…

Từ chú bé đánh giày

Ông tên đầy đủ là Trần Văn Giác, sinh năm 1923. Cha mất sớm nên phải rời quê (Cái Răng - Cần Thơ) lang thang đánh giày trên những con đường Sài Gòn, rồi gia nhập các đoàn cải lương Phước Cương, Kim Khánh. Nhờ các bậc tiền bối trong đoàn hát (bà Nguyễn An Ninh, bà Bảy Nam...), ông tham gia biểu tình; in và rải truyền đơn khắp Hóc Môn - Bà Điểm, Thị Nghè, Chợ Lớn, xưởng Ba Son, Nhà Bè, bến tàu hỏa... Tháng 8-1945, ông tham gia cướp chính quyền tại Thủ Đức và được cử làm Phó ban tuyên truyền thị trấn.

Năm 1946, ông có mặt trong Ban Thông tin tuyên truyền của Cần Thơ. Trong hai cuộc kháng chiến, ông hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ được giao. Từng phụ trách tổ ảnh (Tiểu Ban Thông tấn báo chí); tự tạo vũ khí, làm giấy căn cước giả cho cán bộ hoạt động hợp pháp... Năm 1970, ông được trao danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” nhờ gài trái nổ diệt 11 sĩ quan Mỹ - ngụy. Năm 1972, trong trận chống càn tại Khu căn cứ Tỉnh ủy Bà Bái, ông được đồng chí Phạm Văn Trà (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sau này) tặng thưởng ngay tại mặt trận khẩu súng K54. Sáng sớm ngày 1-5-1975, cùng một cánh quân, ông có mặt tại bến Ninh Kiều. Sau giải phóng ông phụ trách ngành bảo tồn, bảo tàng Cần Thơ đến năm 1982 mới nghỉ hưu. Năm 1998, ông vinh dự được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Năm 2005, nghệ sĩ Trần Giác qua đời, để lại nỗi tiếc thương cho nhiều người.

Nguyên Bí thư Thành ủy Cần Thơ, ông Lê Nam Giới khẳng định: “Trần Giác là người nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng và ngành văn hóa nghệ thuật, là nghệ sĩ nhân dân bởi những cống hiến của đồng chí đã thấm sâu vào lòng dân”. 40 năm, trân trọng một tấm gương nghệ sĩ.

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục