Luật Nghệ thuật biểu diễn có tiếp tục “đuổi hình bắt bóng”?

Luật Nghệ thuật biểu diễn có tiếp tục “đuổi hình bắt bóng”?

Cho tới thời điểm này, Nghị định 79 và Thông tư 03 được Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) dùng làm “cây gậy” pháp lý quản lý hoạt động biểu diễn đã bộc lộ nhiều hạn chế đáng lo ngại. Vì thế, thông tin về việc bắt tay triển khai xây dựng Luật NTBD đã đem đến nhiều kỳ vọng.

Nhiều kẽ hở sẽ được lấp đầy

Thời gian qua, chuyện ăn mặc phản cảm, hát nhép, đạo nhạc, thi người đẹp không phép, biểu diễn không phép… cho tới thi người đẹp “chui”, dù các đơn vị và cá nhân đã bị xử lý và nhận án phạt, nhưng thời gian sau đó sai phạm vẫn tái diễn. Thực tế này cho thấy, dường như càng phạt, “người trong cuộc” càng lờn luật. Một trong những nguyên nhân khiến scandal có đất bám rễ, phải kể đến mức phạt hành chính quá nhẹ, khiến người ta dễ hình dung phạt như một cách để đánh bóng tên tuổi cho người mắc sai phạm. Bởi sau án phạt, tiền cát xê của ca sĩ, người mẫu tăng vọt, hay tên tuổi của họ được chú ý nhiều hơn...

Các cuộc thi hát, các chương trình biểu diễn nghệ thuật trên truyền hình liệu có chịu sự điều chỉnh của Luật NTBD?

Nếu trong những năm trước, lác đác một vài trường hợp thi “chui” như Ngọc Trinh, Quế Vân thì năm 2014, “căn bệnh” này lây lan một cách nhanh chóng. Sau vụ người đẹp Phan Hoàng Thu bị xử phạt 15 triệu đồng vì thi Hoa hậu Du lịch quốc tế không xin phép, sau đó liên tiếp có trường hợp Huỳnh Thúy Anh, Cao Thùy Linh... Thậm chí, Huỳnh Thúy Anh sau khi tự ý tham dự một cuộc thi sắc đẹp bên Mỹ và nhận mức phạt hơn 20 triệu đồng, cô lại tiếp tục lờ quy định để tham gia cuộc thi khác tại Đức.

Hoạt động biểu diễn âm nhạc có lẽ là lĩnh vực đi đầu trong xu hướng “thị trường hóa”, cũng là lĩnh vực tồn tại nhiều bất cập và lệch lạc khi càng sốc, sến, sex... lại càng hút khán giả. Xu hướng trọng scandal hơn tài năng này được nhiều bạn trẻ “ít tài, nhiều tật” vận dụng triệt để khiến dư luận nhiều lúc phải đặt những câu hỏi hoang mang, liệu có phải thời của hàng “nhái” khi liên tiếp xuất các nghi án đạo nhạc, chép nhạc...

Riêng về việc cấp phép biểu diễn, Thanh tra Bộ VH-TT-DL đã nhiều lần lên tiếng về việc có Sở VH-TT-DL cấp phép biểu diễn “cả mớ”, cấp phép mà không duyệt thực tế vì không có hội đồng duyệt... Trăn trở về vấn đề này, ông Trần Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, nhiều lần kể “khổ” khi nhiều đơn vị, công ty tổ chức sự kiện xin cấp phép ở địa phương khác, nhưng lại tổ chức biểu diễn chương trình ở Hà Nội khiến việc kiểm tra, giám sát rất khó khăn, nhất là khi xảy ra những vấn đề liên quan đến biểu diễn, trang phục, hóa trang của nghệ sĩ. “Không thể có chuyện một số đơn vị cứ vô tư cấp phép cho các nhà tổ chức biểu diễn mà không hề có trách nhiệm với quyết định của mình, việc thẩm định lại… nhờ địa phương khác và trông chờ vào hậu kiểm”, ông Quốc Chiêm nói.

Xoay quanh vấn đề này, ông Phạm Đình Thắng, Phó Cục trưởng Cục NTBD, cũng cho rằng, trong thời điểm hội nhập, việc giao lưu hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng thì yếu tố nước ngoài trong NTBD cũng nên có cách tiếp cận mới. Ví dụ như cùng một chương trình đó, các nghệ sĩ nước ngoài khi đã được cấp phép ở một địa phương rồi thì sau đó có tiếp tục được biểu diễn ở tỉnh, thành khác không hay lại tiếp tục xin cấp phép lại? Hay tổ chức, cá nhân nước ngoài đã vào Việt Nam hoặc đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam khi tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang thì có phải xin phép không? Bên cạnh đó thì việc quá dễ dàng trong thành lập doanh nghiệp tổ chức biểu diễn hay như thí sinh các cuộc thi biểu diễn, thi hát trên truyền hình... có thuộc đối tượng quản lý của NTBD, cũng đang là những vấn đề lớn phát sinh trong thực tế.

Hy vọng sẽ có những bước tiến dài

Theo lộ trình, kế hoạch triển khai xây dựng dự án Luật Nghệ thuật biểu diễn sẽ được triển khai từ tháng 3-2015 đến tháng 5-2018 bước đầu nhằm rà soát, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành so với yêu cầu của thực tiễn và quy chiếu các văn bản pháp luật có liên quan (văn bản trong nước và văn bản của nước ngoài) để tìm ra những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của hạn chế, bất cập đó; tổ chức hội thảo tại khu vực phía Bắc và phía Nam nhằm đánh giá những mặt tích cực và hạn chế của văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực thi hành; dự báo xu thế phát triển của hoạt động nghệ thuật biểu diễn trong thời kỳ mới... trước khi đưa ra từng chương, điều cụ thể. Nếu cứ theo tiến trình này, nếu thuận lợi thì phải dăm năm nữa mới hình thành được khung của luật.

Là một người nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, chia sẻ, không có luật là không có đầu tư, không có chế định bảo vệ cho NTBD. Khi đã có luật thì người sáng tác, người biểu diễn... muốn làm điều nọ, điều kia đều sẽ bị rằng buộc bởi các chế định. Theo ông quy hoạch nghệ thuật biểu diễn vừa mới được phê duyệt, việc xây dựng Luật NTBD triển khai trong một thời gian dài như vậy thì e rằng luật sẽ khó đi vào đời sống bởi lĩnh vực NTBD vốn đa dạng và phức tạp, nhiều ngành, nhiều đặc thù khác nhau hơn, nữa lại biến đổi liên tục không ngừng.

Đây cũng là tâm tư chung của những làm công tác NTBD bởi lẽ ngay như Nghị định 79 - nghị định đầu tiên của riêng lĩnh vực NTBD nhưng chỉ mới ban hành được 3 năm đã nảy sinh hàng loạt các bất cập khác nhau. Như Cục phó Cục NTBD Phạm Đình Thắng cũng chia sẻ, luật xoay quanh những quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu… cũng sửa đổi nhiều lần mà vẫn chưa ổn. Trước đây chỉ quy định 1 năm có một cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia, sau đó có ý kiến cho rằng như vậy là quá ít nên đã bổ sung lên 2 cuộc thi/năm. Thế nhưng sắp tới có lẽ cũng vẫn phải cân nhắc tiếp là 2 cuộc đã phù hợp chưa hay là lại... nhiều quá?  Hay trong tình huống người đẹp, người mẫu vi phạm quy định chung, vi phạm chuẩn mực đạo đức sau khi đạt danh hiệu và trách nhiệm của người được nhận giải thưởng, danh hiệu đối với xã hội… cũng không có những tiêu chí cụ thể cũng đã gây nhiều tranh cãi sau mỗi kỳ thi tìm kiếm danh hiệu sắc đẹp kết thúc.

Đề xuất xây dựng Luật NTBD không phải là một nội dung mới, từ năm 2010, vấn đề này đã từng được đưa ra bàn thảo. Tới nay, sau 5 năm, việc xây dựng luật này mới chính thức được khởi động và dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2018. Hy vọng rằng, tới khi đó, việc quản lý nghệ thuật biểu diễn sẽ có những bước tiến dài.

 NSND Lê Tiến Thọ cũng cho rằng: “Dù xây dựng thông tư, nghị định hay luật đều phải có tầm nhìn xa, phải đi trước một bước nếu không chúng ta rơi vào trạng thái luật đuổi theo đời sống, giống như kiểu luôn luôn chạy theo cái bóng của chính mình”.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục