Nhà văn Vũ Hạnh - Một đời văn, một đời chiến sĩ

“Người Việt cao quý”
Nhà văn Vũ Hạnh - Một đời văn, một đời chiến sĩ

Sáng 5-10, nhân dịp ra mắt Tuyển tập Vũ Hạnh (NXB Tổng hợp TPHCM), Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TPHCM cùng Hội Nhà văn TPHCM tổ chức tọa đàm “Tuyển tập Vũ Hạnh - Đời văn, chiến sĩ”. Hội thảo tập hợp đông đảo các nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu nhằm đánh giá về giá trị tư tưởng - văn hóa - lịch sử - văn học… qua các tác phẩm của nhà văn Vũ Hạnh.

Nhà thơ Hữu Thỉnh (trái), Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam tặng nhà văn Vũ Hạnh

“Người Việt cao quý”

GS-TS Mai Quốc Liên khi đánh giá về sự nghiệp sáng tác của nhà văn Vũ Hạnh đã nhắc đến hoàn cảnh ra đời của tác phẩm Người Việt cao quý (1965), một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn. Theo đó, khi Mỹ đổ quân vào Việt Nam, nhiều người, nhất là ở các thành thị, đã rơi vào tâm lý bi quan, thoái chí khi chứng kiến sức mạnh quân sự của người Mỹ. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã gợi ý nhà văn Vũ Hạnh viết “một cái gì đó” để kích thích tinh thần dân tộc ta. Thế là chỉ trong vòng một tuần, Vũ Hạnh dưới cái tên của một người Italia là Pazzi đã viết Người Việt cao quý, một tác phẩm đề cao những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam, giúp cổ vũ tinh thần người dân trong nước khi đó.

Không phải ngẫu nhiên mà GS-TS Mai Quốc Liên lại chọn tác phẩm trên là tác phẩm điển hình của nhà văn Vũ Hạnh. Khác với nhiều văn nghệ sĩ khác ở miền Nam trước 1975, Vũ Hạnh không đơn thuần là một nhà văn yêu nước mà còn là một chiến sĩ cách mạng, đang thực thi nhiệm vụ do tổ chức giao trên mặt trận văn hóa ngay giữa lòng địch. Đây là một nhiệm vụ cực kỳ gian nan, đòi hỏi người chiến sĩ Vũ Hạnh những đặc tính rất riêng mà quan trọng nhất trong đó chính là một lập trường trung kiên với cách mạng. Sống giữa lòng địch, chịu những áp lực to lớn từ tâm lý, tinh thần đến cả vật chất nhưng Vũ Hạnh luôn giữ vững lý tưởng của mình. Cái tên Pazzi thực tế là trại đi của từ bất di, thể hiện rõ quan điểm bất di bất dịch của mình với lý tưởng.

Con người của lý tưởng

Có một yếu tố đáng chú ý về Vũ Hạnh là thông qua sự nghiệp sáng tác của ông, các thế hệ ngày nay có thể nhìn lại một thế hệ chiến sĩ văn hóa, hoạt động trong lòng kẻ thù để thực hiện lý tưởng của mình. Và cuộc đời của Vũ Hạnh cũng tái hiện đầy đủ nhất những yêu cầu, đòi hỏi và nỗ lực của người chiến sĩ văn hóa khi ấy. Để miêu tả cụ thể những gì nhà văn đã trải qua, soạn giả Lê Hữu Thành, một người bạn, đồng đội thân thiết với nhà văn Vũ Hạnh đã liệt kê 3 đặc điểm về khả năng sáng tác của nhà văn: Đó là viết tốt được nhiều thể loại khác nhau, từ kịch bản, truyện ngắn đến truyện dài, từ tiểu luận đến phê bình, thậm chí như chính nhà văn từng thừa nhận là để phê phán dòng sách chưởng bạo lực, đề cao chủ nghĩa anh hùng cá nhân, đồng thời ông đã từng viết truyện kiếm võ hiệp và bất ngờ thành công, được giới bạn đọc yêu thích thể loại này nhớ đến với bút danh Hoàng Thiên Lý. Đặc điểm khác nữa là nhờ có vốn sống phong phú, ông có thể viết được nhiều thể loại, từ nông thôn đến thành thị, từ núi rừng đến biển đảo, từ chuyện xưa đến chuyện nay… Và cuối cùng là khả năng thể hiện nhiều giọng văn khác nhau, thích hợp cho từng thể loại văn chương. Đây là điểm mà hiếm nhà văn nào có được.

Chính nhờ những khả năng này đã giúp ông hoàn thành trách nhiệm của mình. Năm 1960, khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, giữa Sài Gòn, ông viết Lửa rừng dày trên 300 trang để chào mừng mà kẻ địch không thể làm gì được. Rồi khi chống bọn bồi bút, ông viết Bút máu kêu gọi người cầm bút phải có trách nhiệm với nhân dân, dân tộc mình. Có thể nói, như nhận xét của PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương, đến nay, bước qua tuổi 90, nhà văn Vũ Hạnh có thể tự hào luôn đi đúng lý tưởng của mình, cả trong văn chương cũng như cuộc sống.

Tiêu biểu một thế hệ cầm bút

Có thể nói từ trước đến nay, khi nhắc đến dòng văn chương, sáng tác thời kỳ chiến tranh thống nhất đất nước, người ta nhắc nhiều đến các tác giả ở miền Bắc viết về hậu phương lớn, ở miền Nam viết về cuộc chiến đấu trực diện với kẻ thù. Thế nhưng, vẫn còn khá ít người nhắc đến những chiến sĩ cách mạng sáng tác ngay trong lòng địch mà Vũ Hạnh là một con người tiêu biểu. Thông qua ông, cả một thế hệ cầm bút chiến đấu như tái hiện những hào hùng, gian truân, với tài năng và khí phách, họ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa, tâm lý của những người sống tại miền Nam khi đó. Đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TPHCM, nhận xét, nhà văn Vũ Hạnh hôm nay cùng với những tác phẩm của ông chính là nhân chứng lịch sử, là thực thể cấu thành của nền văn học giai đoạn đấu tranh ấy.

Trong phần tổng kết, đồng chí Thân Thị Thư đã đưa ra 3 đặc điểm quan trọng về nhà văn Vũ Hạnh: Đầu tiên đó là sự nhất quán trong tư tưởng và hành động, giữa tác phẩm và cuộc đời tác giả nhà văn Vũ Hạnh; thứ hai là ý nghĩa to lớn của sự nghiệp đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc đối với công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và vai trò của lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc mà nhà văn Vũ Hạnh là nhân tố tiêu biểu. Sau cùng, theo đồng chí Thân Thị Thư, nhà văn Vũ Hạnh đã có những đóng góp tích cực đối với nền văn hóa, văn học nghệ thuật đất nước thông qua các tác phẩm văn học, tiểu luận, phê bình tiêu biểu của mình.

Nhà văn Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh năm 1926 tại xã Bình Nguyên, Thăng Bình, Quảng Nam. Theo ông tự bạch, năm 1955, trong khi đang đấu tranh đòi thực hiện Hiệp định Geneve thì ông bị địch bắt tại Quảng Nam và bị đưa vào danh sách đi thủ tiêu. Một người lính Việt Nam Cộng hòa tên là Nguyễn Hữu Dư có cảm tình với cách mạng đã ngầm báo cho vợ nhà văn. Nhờ thế, ông là người duy nhất trong danh sách bị đưa đi thủ tiêu đã thoát được. Trong buổi tọa đàm, nhà văn Vũ Hạnh đã mời người lính năm đó đến để gửi lời tri ân.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục