Phát động Cuộc thi ký sự báo chí “40 năm – Những ký ức không thể nào quên”

Sáng 27-8, cuộc thi ký sự báo chí “40 năm – Những ký ức không thể nào quên”, do Báo Sài Gòn Giải Phóng và Hội Nhà văn TPHCM phối hợp tổ chức đã chính thức phát động.
Phát động Cuộc thi ký sự báo chí “40 năm – Những ký ức không thể nào quên”

Báo SGGP và Hội Nhà văn TPHCM

Sáng 27-8, cuộc thi ký sự báo chí “40 năm – Những ký ức không thể nào quên”, do Báo Sài Gòn Giải Phóng và Hội Nhà văn TPHCM phối hợp tổ chức đã chính thức phát động.

Đông đảo nhà văn đến dự buổi lễ phát động

Ban Giám khảo cuộc thi


Cuộc thi ký sự báo chí không nằm ngoài mục đích tôn vinh những thành tựu tiêu biểu trên các lĩnh vực của đất nước cũng như của TPHCM trong chặng đường 40 năm (1975-2015); ghi nhận và cổ vũ tình đoàn kết, sự chung tay góp sức của mọi tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, xây dựng TPHCM, góp phần phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; trong đó nêu bật nội dung mang đậm đấu ấn thời đại Hồ Chí Minh là “ Không có gì quý hơn độc lập tự do”, thể hiện qua tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ và người dân cả nước luôn đề cao cảnh giác, kiên trì đấu tranh giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, xây dựng đất nước giàu mạnh; sẵn sàng hy sinh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.


Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Tấn Phong phát động cuộc thi

Nhà báo Nguyễn Tấn Phong, Thành ủy viên, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi gợi mở: “Cuộc thi khuyến khích các tác phẩm giàu cảm xúc, khắc họa hình ảnh các sự kiện tiêu biểu, độc đáo, những việc làm thực tế, người thật việc thật. Đó là những tấm gương vượt khó, các nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, những công trình lớn có tầm ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh... trên chặng đường phát triển của đất nước và của TPHCM. Ban tổ chức cũng khuyến khích các cây bút thể hiện sinh động các sự kiện, dấu mốc quan trọng, tình huống độc đáo xảy ra trong thực tế; những kỷ niệm, ký ức không thể nào quên mà bản thân tham gia hoặc chứng kiến trong những ngày tháng đầu tiên sau ngày giải phóng miền Nam 30-4-1975 và các sự kiện trọng đại của đất nước ta sau ngày thống nhất. Hy vọng các tác giả với nhiệt tình, tâm huyết sẽ tích cực hưởng ứng gởi tác phẩm dự thi. Và đây sẽ là những bông hoa tươi đẹp chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước cùng những ngày lễ trọng đại khác”.

Nhà văn Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn TPHCM, Chủ tịch Hội đồng giám khảo chia sẻ: “40 năm – Những ký ức không thể nào quên là một đề tài vừa rộng vừa hẹp. Giới hạn thời gian 40 năm để bài viết tập trung vào chủ đề chính nhưng cái hẹp về thời gian sẽ giúp cho các tác giả lựa chọn những ký ức sâu sắc hơn, mức độ cảm xúc rộng rãi hơn, nội dung thông tin ký ức phong phú hơn. Tuy nhiên đó cũng là một đề tài rất rộng, nhấn mạnh yếu tố con người. Đó là những điển hình, tận tâm tận lực, sáng tạo trong công việc, trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Đó là anh bộ đội cụ Hồ, là chiến sĩ công an dũng cảm mưu trí, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, đó là những chiến sĩ luôn vững vàng tay súng ngày đêm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, vùng trời Tổ quốc. Họ là những công nhân, cán bộ, nhà trí thức, là doanh nhân, là những nông dân, những người bình thường luôn vươn lên trong cuộc sống, hết mình phục vụ nhân dân, xây dựng đất nước”...

Nhà văn Lê Văn Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM tâm tình, sau chuyến đi thực tế giáp một vòng biên giới và hải đảo của Tổ quốc thiêng liêng, ông thấy viết bao nhiêu vẫn chưa đủ, vẫn chưa hết về những vùng đất đã qua, về những con người bình dị mà can trường đã gặp.

Nhà văn Trầm Hương góp ý cuộc thi


Theo nhà văn Trầm Hương, chủ đề cuộc thi ký sự báo chí “40 năm – Những ký ức không thể nào quên” là một đề tài rộng mở, hứa hẹn sẽ thu hút nhiều cây viết tâm huyết trong cả nước và nhiều tác phẩm đặc sắc, hấp dẫn. “Tuy nhiên, đề tài này là một thách thức không nhỏ đối với những người cầm bút. Bởi cuộc sống thực tế có rất nhiều tấm gương người thật việc thật ấn tượng, nhiều chân dung điển hình rất sinh động, nhiều con người bình dị mà phi thường, e rằng giới hạn trong khuôn khổ 2.500 từ thì sẽ khó diễn tả hết được”, nhà văn Trầm Hương nhìn nhận.

 Về tâm tư này, nhà báo Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng biên tập, Tổng Thư ký tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng, đồng Chủ tịch Hội đồng giám khảo cho biết, đối với những bài viết với đề tài độc đáo, cần diễn đạt sâu, Ban tổ chức có thể kéo dài 2 kỳ báo với dung lượng đến 5.000 từ, qua đó sẽ giúp các tác giả thể hiện được nội dung tác phẩm cũng như khắc họa sinh động những con người, sự việc, những nhân vật của mình.

Nhà báo Lê Tiền Tuyến tâm tình: Đất nước ta đã đi qua một chặng đường dài chiến tranh với hậu quả nặng nề, tiềm lực đất nước kiệt quệ. Nhưng sau chiến tranh, với chặng đường 40 năm thống nhất, bước đầu đất nước đã có bước phát triển thần kỳ với nhiều công trình tiêu biểu, những bước chuyển mình quan trọng tạo dấu ấn của sự đổi mới trong đời sống xã hội, nhiều số phận nghiệt ngã vẫn vươn lên, thể hiện sức sống mãnh liệt Việt Nam. Và đó cũng là mong muốn của Ban tổ chức cuộc thi: Luôn trân trọng đón nhận những tác phẩm đặc sắc và mong nhận được sự tham gia của các tay viết tâm huyết trong cả nước.

Minh An- ảnh: Dũng Phương

>> Cuộc thi ký sự báo chí - 40 năm và trách nhiệm của người viết

Tin cùng chuyên mục