Văn trẻ nỗ lực bứt phá

Cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần thứ 5 bước vào giai đoạn chung khảo với 18 tác phẩm đã tạo nên một dấu ấn đầy bất ngờ. Chiếm hơn phân nửa là các tác phẩm có cách thể hiện theo một xu hướng đang hấp dẫn giới trẻ: huyền ảo. Bên cạnh đó, nội dung và tư tưởng của các tác phẩm cũng có những nét mới lạ, phản ánh một sự nỗ lực bứt phá ở những cây bút trẻ hôm nay.
Văn trẻ nỗ lực bứt phá

Cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần thứ 5 bước vào giai đoạn chung khảo với 18 tác phẩm đã tạo nên một dấu ấn đầy bất ngờ. Chiếm hơn phân nửa là các tác phẩm có cách thể hiện theo một xu hướng đang hấp dẫn giới trẻ: huyền ảo. Bên cạnh đó, nội dung và tư tưởng của các tác phẩm cũng có những nét mới lạ, phản ánh một sự nỗ lực bứt phá ở những cây bút trẻ hôm nay.

Thành viên ban giám khảo, nhà văn Nguyễn Đông Thức (đứng) giao lưu với các thí sinh tham gia cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần 5.

Huyền ảo đến chậm

Việc có đến hơn phân nửa tác phẩm lọt vào chung khảo cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 5 thuộc thể loại huyền ảo được xem là một tín hiệu thay đổi đáng kể trong sáng tác của các cây bút trẻ. Điều đáng nói là dù cũng mượn cách thể hiện của văn chương huyền ảo nhưng các cây bút trẻ đã có những sáng tạo riêng, khác biệt so với những tác phẩm dịch đang tràn đầy trên các kệ sách.

Urem - Người đang mơ của Phan Bá Diệp với một anh hùng và một thế giới đang diệt vong được xem là tác phẩm có nội dung theo đúng tiêu chuẩn của thể loại huyền ảo hiện nay. Tác phẩm này có được nhận xét của ban giám khảo “Một fantasy viết chắc tay với đầy đủ những kỹ thuật mà thể loại này đòi hỏi”. Tác phẩm này tuy ít có tính đột phá về nội dung so với các tác phẩm dịch cùng thể loại, nhưng là tác phẩm đầu tay của một cây bút sinh viên (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) thì Urem - Người đang mơ đã đem lại một sự khích lệ không nhỏ cho các cây bút trẻ khác thêm vững tin khi viết huyền ảo.

Nếu tác phẩm trên vững vàng theo kiểu “huyền ảo truyền thống” thì Hạt hòa bình của Minh Moon có thể xem là một đột phá ở thể loại này. Câu truyện xoay quanh một cậu thanh niên ở thế kỷ 21 tình cờ quay trở lại quá khứ, trở thành một người lính trên chiến trường Tây Nam 1979. Trong Hạt hòa bình, nhân vật không trở nên vĩ đại do “biết điều gì sẽ xảy ra”, cũng không có ý định thay đổi lịch sử… Tất cả chỉ đơn thuần là giúp bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ cảm nhận lịch sử bằng một cái nhìn khác, cái nhìn của người trong cuộc.

Để làm được điều này, tác giả một người sinh ra sau chiến tranh đã phải tham khảo rất nhiều các chi tiết từ các cựu chiến binh và chính những chi tiết này đã tạo nên một không gian đầy chân thực cho tác phẩm. Tuy rằng tác phẩm còn chưa hoàn thiện ở những gắn kết về tâm linh như chuyển kiếp, luân hồi… thế nhưng Hạt hòa bình mở ra một cách thể hiện đề tài lịch sử đầy hấp dẫn cả cho người sáng tác cũng như bạn đọc trẻ.

Khác với hai tác phẩm trên xem huyền ảo là cột trụ để chuyển tải tư tưởng thì những tác phẩm huyền ảo còn lại dùng huyền ảo như một công cụ phụ trợ cho nội dung. Như ở Đối cực của Trần Đức Tĩnh bắt đầu khi nhân vật chính rơi vào địa ngục, nơi anh phải thực hiện cuộc chiến giữa hiện thực và ảo tưởng cùng những bí mật của một tội ác. Hoặc với Người ngủ thuê của Nhật Phi mượn yếu tố viễn tưởng đề cập đến những góc khuất của con người.

Hiện thực chân thực

Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 4 đã trao giải nhất cho Trương Anh Quốc với tác phẩm Biển. Một trong những lý do chính tác phẩm này đoạt giải chính là ở sự chân thực, tác phẩm của chàng kỹ sư hàng hải này đầy ắp những chi tiết, câu chuyện về cuộc sống lênh đênh trên biển cả, những chi tiết mà nếu không phải người trong cuộc sẽ rất khó để biết được.

Năm nay, những tác phẩm lọt vào chung khảo cũng không ít đi theo con đường này như Những đêm không ngủ ở Toronto của Nguyễn Thu Hoài với hành trình của nhân vật nữ chính từ khi rời Việt Nam qua Canada du học cho đến khi ra trường. Tác giả hiện đang sống tại Canada và có thể xem tác phẩm là một dạng ký của chính tác giả.

Hay như với Chộn rộn xứ người của Mai Thanh Nga viết về cuộc sống của người trẻ Việt Nam ở châu Âu. Tác giả cũng chính là người trong cuộc, hiện đang làm nghiên cứu sinh tại Paris (Pháp) nên những chi tiết về sự va chạm về văn hóa, ngôn ngữ, những vấn đề chi tiết của cuộc sống nơi xứ người được thể hiện rất tinh tế và cụ thể.

Gia tộc ăn đất của Lê Minh Nhựt lại là một dạng chân thực khác, là phóng viên Tạp chí Văn nghệ Cà Mau, cái nhìn về cuộc sống của người nông dân miền Tây Nam bộ được khắc họa đậm tính thời sự. Ở tác phẩm của Nhựt, cuộc sống nông thôn nhìn bên ngoài bình lặng lại được anh lật lên để cho thấy những vấn đề đầy khốc liệt, đặc biệt là xung quanh chuyện đất đai, giải tỏa, quy hoạch… vốn đang là vấn đề nóng của xã hội.

Được xem là cái nôi làm nên tên tuổi nhiều nhà văn trẻ tiêu biểu của văn học trong nước hiện nay như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Thuần, Dương Thụy, Vũ Đình Giang… Văn học tuổi 20 được xem là cuộc thi lớn nhất cho mảng sách dành cho giới trẻ, cả ở sáng tác lẫn người đọc.

Chính vì thế, sự mạnh mẽ của huyền ảo, chất chân thực của cuộc sống hiện thực ở những tác phẩm năm nay được xem như là một dấu hiệu lạc quan, cho thấy thành quả của nỗ lực bứt phá từ những cây bút trẻ, báo hiệu một sức sống mới đang đến với văn học trong nước, một sức sống đầy đa dạng và hấp dẫn người đọc.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục