Tấm lòng vị giáo sư

GS Hoàng Xuân Nhị (1914 - 1990), Chủ nhiệm khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (1958 - 1982), là người đặt nền móng cho việc giảng dạy văn học Nga Xô Viết ở Việt Nam. Còn ít ngày nữa là kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Giáo sư Hoàng Xuân Nhị (19-5-1914 – 19-5-2014).
Tấm lòng vị giáo sư

GS Hoàng Xuân Nhị (1914 - 1990), Chủ nhiệm khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (1958 - 1982), là người đặt nền móng cho việc giảng dạy văn học Nga Xô Viết ở Việt Nam. Còn ít ngày nữa là kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Giáo sư Hoàng Xuân Nhị (19-5-1914 – 19-5-2014).

Một sáng giữa thu năm 1969, lớp E4 chúng tôi nghe tin giáo sư Hoàng Xuân Nhị (ảnh) giảng chuyên đề về Mỹ học trong thơ Hồ Chí Minh, đứa nào cũng háo hức hồi hộp chờ đợi. Lý do thật đơn giản: Đây là lần đầu chúng tôi được nghe giáo sư chủ nhiệm khoa dạy, lại dạy về thơ Bác.

Quê thầy ở xã Nhân Thọ (nay là Đức Nhân), huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh. Lúc du học ở Pháp, lấy xong bằng cử nhân triết học loại ưu tại Đại học Sorbonne, thầy học luôn cao học và lấy bằng sau đó một năm (1938). Năm 1946 thầy về nước tham gia kháng chiến ở Nam bộ rồi tập kết ra Bắc và làm giảng viên Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tại khoa Ngữ văn, khi việc dạy văn học Xô Viết được đặt ra cấp thiết, thầy liền xin được phụ trách. Một vị lãnh đạo khoa liền nói: “Cậu chỉ sành Pháp ngữ chứ biết gì về Nga văn!”. Tự ái, thầy về cạo trọc đầu tự học tiếng Nga trong 6 tháng. Kết quả, thầy chẳng những đọc và nói thành thạo ngôn ngữ của đất nước Lênin mà còn dịch và viết một loạt giáo trình về văn học Nga, văn học Xô Viết mà những năm qua bao thế hệ sinh viên văn khoa được học. Nghe nói sau đợt đó tóc thầy cứ mọc đâu là bạc đấy.

Lại nhớ một buổi chiều, tôi và Lê Huy Hòa đến thăm thầy ở khu sơ tán Tràng Dương (tỉnh Thái Nguyên). Hỏi thăm mãi, chúng tôi mới tìm được chỗ ở của thầy. Thật khó tưởng tượng túp nhà tre nứa đơn sơ chừng hơn chục mét vuông, nằm chênh vênh bên sườn núi giữa ngút ngàn rừng sim lại là nhà một vị giáo sư danh tiếng. Cửa nhà khóa im ỉm. Chúng tôi đang ngơ ngác, bỗng thấy từ sườn núi nơi con đường mòn nhỏ xíu quanh co xuất hiện một cụ già cao lêu nghêu, lưng trần, quần cộc đang vác trên vai một bó củi lớn, lặng lẽ rẽ từng bụi sim, dò từng bước xuống núi. Tới nơi, chúng tôi mới ngỡ ngàng nhận ra đó là giáo sư Hoàng Xuân Nhị.

Thầy cười hề hề:

- Có gì đâu. Lao động là một cách thư giãn đầu óc mà. Đọc sách nhiều, viết nhiều, căng thẳng lắm!

Thầy mở cửa mời chúng tôi vào nhà. Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy ngoài chiếc giường cá nhân, chiếc bàn làm việc và chiếc ghế đều được làm bằng tre nứa còn cả ngôi nhà của thầy bốn bề chỉ thấy sách và sách. Sách tiếng Việt, sách tiếng Trung, sách Pháp, sách Nga…, có cuốn dày cả ngàn trang. Chúng tôi cảm động nhất là khi hỏi thầy về cái phích lạ đặt ở góc nhà. Thầy bảo đó là chiếc phích thầy dùng chứa cơm chứ không phải đựng nước. Nhờ cái phích này mà mỗi ngày, thầy chỉ phải nấu một lần mà vẫn có cơm nóng ăn cả ngày. Thầy nói:

- Cụ Mãn Giác Thiền Sư thời Lý cách đây cả gần ngàn năm từng than thở: “Trước mắt việc đi mãi/ Trên đầu già đến rồi”. Đúng là tuổi già thấy thời gian cứ trôi vèo vèo. Tiếc lắm! Tranh thủ được phút nào hay phút ấy các em ạ!
Lúc chào ra về, thầy vòng tay ôm hôn rất tình cảm cả hai rồi tặng mỗi đứa một cuốn M. Gorki - Đời sống, sự nghiệp. Thầy còn tặng riêng tôi chai mật ong do các già làng tặng để bồi dưỡng sức khỏe.

Chúng tôi vẫn nghe các anh chị khóa trước kể lại, cứ mỗi lần giảng về thơ Bác Hồ, thầy vẫn thường rơm rớm nước mắt. Hôm nghe tin Bác mất, suốt ngày thầy ở trong phòng. Chuyên đề về thơ Bác mà thầy giảng hôm nay được hoàn tất trong những ngày tang Bác. Không ít trang còn lưu dấu những giọt nước mắt của thầy.

Tiết giảng của thầy hôm đó thực sự trở thành kỷ niệm không bao giờ quên trong mỗi sinh viên khóa 11 khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp chúng tôi. Vừa đến cổng ngôi từ đường họ Phạm, nơi giảng đường dã chiến của lớp ở La Khê, Hà Đông, thầy dừng xe tắt máy dắt bộ đi vào sân. Chúng tôi lặng lẽ khẩn trương mở vở, cầm bút trực chờ. Thầy cầm phấn quay mặt vào tấm bảng đen đã nhạt màu. Chúng tôi cắm cúi ghi theo từng chữ run run từ những ngón tay khô gầy của thầy: “QUAN ĐIỂM MỸ HỌC MÁC LÊ TRONG THƠ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH”.

Ai cũng thấy có gì khang khác trong phút mở đầu tiết học khi thầy không nói mà chỉ chăm chắm viết. Nét chữ cũng có gì run run như không phải là nét chữ của một giáo sư bao năm đứng trên giảng đường. Cả lớp bao trùm một không khí trầm lắng như thể ai nấy đều nín thở. Vừa viết xong chữ cuối cùng tên chuyên đề lên bảng, thầy quay xuống lớp. Mặt thầy bỗng biến sắc, đỏ rựng. Giọng thầy nghẹn đi:

- Tôi viết chuyên đề này với ý định dâng mừng thọ tuổi 80 của Bác. Nào ngờ viết chưa xong Bác đã ra đi…

Thầy khóc. Từng giọt nước mắt rơi xuống. Tất cả chúng tôi lặng đi, cúi đầu, xúc động chia sẻ cùng thầy những tình cảm thiêng liêng quá đỗi lớn lao, sâu nặng mà thầy dành cho Bác.

Nén cảm xúc, thầy bắt đầu tiết giảng. Chưa bao giờ, chúng tôi được dự một buổi học giàu cảm xúc và thiêng liêng đến thế.

NGUYỄN NGỌC KÝ

Tin cùng chuyên mục