Trót mang nghiệp…tài tử

Trót mang nghiệp…tài tử

Gần như cả cuộc đời họ gắn với nghiệp tài tử. Tiếng đờn của họ vang khắp, từ thôn xóm đến thị thành. Ngoài ra, họ truyền nghề bằng cả tâm huyết như những con tằm cần mẫn nhả tơ, làm đẹp cuộc đời. Với họ, âm nhạc tài tử đã là máu là thịt, là hơi thở mỗi ngày.

NSƯT - NNDG Ba Tu (bìa phải) và dàn nhạc tài tử trong lễ đón nhận bằng vinh danh của UNESCO, tại TPHCM

NSƯT - NNDG Ba Tu (bìa phải) và dàn nhạc tài tử trong lễ đón nhận bằng vinh danh của UNESCO, tại TPHCM

1. Là bậc thầy của nhiều loại nhạc cụ như cò, tranh, sến, guitar phím lõm nhưng cuộc đời và tên tuổi NSƯT - nghệ nhân dân gian (NNDG) Ba Tu (nay gần 80 tuổi đời, hơn 60 năm tuổi nghề) gắn liền với cây đờn kìm (nguyệt cầm) như máu thịt. Ông tên thật là Trương Văn Tự, quê Long An. Từ nhỏ, phát hiện con trai sớm có năng khiếu cổ nhạc nên cha ông (cũng là người biết nhạc tài tử) quyết tâm tìm thầy giỏi cho con. Ngày học chữ, đêm ông học đờn kìm dưới sự hướng dẫn của thầy Chín Phàn. Những thanh âm khi trầm bổng, lúc réo rắt từ loại nhạc cụ ít phím hiếm dây này (2 dây, 9 phím) đã có sức mê hoặc kỳ lạ và thấm đẫm vào ông lúc nào không hay. Cha ông và thầy Chín Phàn thường mời các nhóm tài tử, các nghệ nhân trong vùng đến cùng hòa đờn. Những lúc như vậy, những ngón đờn tranh của thầy Bảy Quế và lối đờn cò độc đáo của thầy Hai Võ đều được ông ngầm quan sát và tiếp thu nhanh chóng. Hơn 11 năm ròng khổ luyện, những ngón đờn của ông mỗi ngày càng già dặn đến mức tài hoa ở cả ba trường phái nhạc lễ, tài tử và cải lương, đáng nể nhất là ngón đờn kìm, ông được giới tài tử xưng tụng là “đệ nhất nguyệt cầm” cũng từ đó. Giờ đây, khi nhắc đến tài tử, ông vẫn tâm tư, bởi “bây giờ người chịu học đờn kìm đã ít, người có đủ đam mê và quyết tâm để học được ngón nghề chân truyền lại càng khó tìm”.

“Thông thường, mỗi người có một sở trường diễn tấu, thể bắc, nam hay oán chỉ giỏi có một, còn với danh cầm Ba Tu thì ngoại lệ. Thể nào trong nhạc tài tử, cải lương cũng đều là sở trường qua ngón đờn tài hoa của ông. Ông nhấn chữ xang nức nở đến đổ hột, vọng cổ thì nhiều chữ mới, cách láy duyên dáng, các thể điệu bắc hùng tráng, nam hay oán thì đều mùi mẫn. Kỹ thuật nhấn nhá, chạy chữ, chẻ nhịp, xốc nhịp thì vô cùng mắc khúc và đầy kịch tính. Danh cầm Ba Tu khi đã cầm đờn kìm là như thế!”, GS-TS Trần Văn Khê đã từng nhận xét về NSƯT-NNDG Ba Tu như vậy.

Nghệ nhân dân gian Lê Khắc Tùng (thứ hai, từ trái qua) và các học trò hòa đàn hòa ca. Ảnh: LÊ MINH

Nghệ nhân dân gian Lê Khắc Tùng (thứ hai, từ trái qua) và các học trò hòa đàn hòa ca. Ảnh: LÊ MINH

2. Căn nhà nhỏ của NNDG Lê Khắc Tùng (nhạc sĩ Thanh Tùng) nằm giữa vườn cây xanh mát ở Hóc Môn, TPHCM. Ngay từ đầu hẻm đã nghe rộn vang tiếng đàn, lời ca của các học trò, người lớn nhất đã ngoài 60, nhỏ nhất 9 tuổi. Gần 6 năm qua, căn nhà nhỏ này đã trở thành điểm hẹn của những người yêu tài tử không chỉ ở TPHCM mà cả các tỉnh: Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Tây Ninh… Anh Đặng Thành Được theo học 7 - 8 năm nay, ngón đờn kìm và đờn sến đã lão luyện, đang học tiếp đàn tranh. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng theo học tại đây gần 6 năm, đã thuần thục đến 5 nhạc cụ: đàn tranh, đàn bầu, đờn kìm, đờn cò và guitar phím lõm. Hiện tại, cả hai người đang tiếp nối theo ông, giúp truyền nghề cho nhiều lớp bạn trẻ. Học trò của ông, nhiều người nay đã thành danh như nghệ sĩ Hoài Thanh, Trà Anh Dũng, Thanh Hà, nhạc sĩ Minh Nghĩa (đàn tranh), nhạc sĩ Minh Sang (guitar phím lõm)… Ngoài hàng trăm học trò trong cả nước, NNDG Lê Khắc Tùng còn truyền dạy nhạc dân tộc cho nhiều người Việt Nam đang sinh sống ở các nước: Mỹ, Pháp, Canada… thông qua đĩa thu âm. Không chỉ rèn dạy các ngón đờn, NNDG Lê Khắc Tùng còn sáng tác, biên soạn, viết lời trên 200 tác phẩm âm nhạc tài tử.

NNDG Lê Khắc Tùng kể, khi mới 6-7 tuổi, ông đã bộc lộ niềm đam mê nhạc tài tử. Mỗi khi có nhóm tài tử nào chơi, ông luôn có mặt, ngồi nghe đến quên ăn quên ngủ. Tiếng đàn tranh réo rắt, đờn cò ảo não, thanh âm đàn bầu huyền bí đầy mê hoặc, nhất là ngón đờn kìm của thầy Huệ Trí luôn có sức cuốn hút mãnh liệt. Mẹ ông, vốn là người mê nhạc tài tử đã sớm nhận ra điều này. Bà đưa con trai đến thầy Huệ Trí xin học đờn kìm. Không đủ tiền mua đờn, bà lại tất tả chạy khắp xóm mượn đờn cho con học. 8 tuổi, ông nắm hết những kiến thức cơ bản mà thầy Huệ Trí truyền dạy. 12 tuổi, không chỉ có mặt khắp các chiếu tài tử ở Hóc Môn, ông còn chơi ở tận Long An, Bình Dương. Cơ bản nắm được đờn kìm, ông tự mày mò học thêm đàn tranh, sến, đàn bầu, đờn cò, guitar phím lõm, đàn tỳ bà và cả violon… Hơn nửa thế kỷ đam mê nghiệp tài tử, làm công tác văn hóa ở địa phương, NNDG Lê Khắc Tùng đã gầy dựng hơn 40 CLB, đội nhóm tài tử với hàng trăm hội viên, hỗ trợ phong trào âm nhạc tài tử các tỉnh, thành như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, An Giang…

MINH AN

Tin cùng chuyên mục