Lợi hại và “hại lợi”

Vụ việc cuốn sách luật in hình bìa phản cảm có thể tạm khép lại nhưng nhìn lại vụ việc này, bên cạnh trách nhiệm của những người làm xuất bản, vẫn còn đó những câu hỏi về nguyên nhân để xảy ra sai sót đáng tiếc trên. Tại sao người phụ trách mỹ thuật lo phần hình bìa lại có thể sử dụng một bức ảnh như vậy cho trang bìa một cuốn sách luật, điều mà bất cứ một ai, không cần phải có trình độ chuyên môn nhìn vào cũng dễ dàng nhận thấy là không phù hợp?

Một họa sĩ mỹ thuật, người chuyên thiết kế bìa cho một NXB lớn thuộc hàng nhất nhì cả nước cho biết, nhiều năm trước đây, việc thiết kế hình bìa sách nói riêng hay vẽ, thực hiện các loại tranh ảnh tuyên truyền nói chung đều đòi hỏi người có tay nghề nhất định. Ngày đó, mỗi họa sĩ làm bìa đều có những kho ảnh thuộc dạng “hàng độc” tạo nên thương hiệu cho riêng mình, có người mạnh mảng ảnh thiên nhiên, cảnh vật, có người chuyên trị ảnh xe cộ, diễn viên… Năng lực của họ đi kèm với ý thức nghề nghiệp nên các tác phẩm hầu hết đều ít sai sót, mang dấu ấn riêng, thậm chí nhiều hình vẽ dù chỉ thuần túy phục vụ mục đích tuyên truyền thông thường nhưng vẫn mang tính nghệ thuật nhất định.

Ngày nay, mọi chuyện đã thay đổi, công nghệ tiến bộ vượt bậc mang lại sự lợi hại hơn bao giờ hết, trong đó có cả lĩnh vực liên quan đến mỹ thuật. Bây giờ, chỉ cần một người có kiến thức cơ bản về CorelDraw, Indesign… (các phần mềm dàn trang thông dụng) đều có thể thực hiện được bìa sách, hình ảnh tuyên truyền. Điều này khiến cho ai cũng có thể làm được, không đòi hỏi có trình độ chuyên môn cao như trước. Không những thế, vấn đề sử dụng hình ảnh cũng trở nên đơn giản hơn bao giờ hết khi bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận kho ảnh vô tận trên mạng.

Lấy ví dụ như vụ sách luật vừa qua, vào thời điểm đó, nếu dùng lệnh tìm kiếm hình ảnh với từ khóa “cán cân công lý” thì tấm hình đó nằm ngay vị trí thứ 9 trong trang đầu và là tấm có chất lượng hình ảnh tốt nhất. Người thực hiện rõ ràng hoặc quá kém về trình độ, khả năng nhận thức hoặc thiếu ý thức trách nhiệm đã lựa chọn tấm hình đó.

Trong cuộc sống hàng ngày, sự yếu kém hay thiếu ý thức này có thể được thấy khắp nơi, panô mừng Ngày thành lập QĐND Việt Nam nhưng lại dùng hình ảnh quân đội nước ngoài để minh họa; hình ảnh chào mừng ngày giải phóng miền Nam lại lấy biểu tượng là xe tăng hiện đại của Mỹ… rồi những lỗi sai về kiến thức như băng rôn tuyên truyền lịch sử ca ngợi nhân vật “Lý Cần Đước” khiến người đọc nghĩ mãi không biết ông Cần Đước đó là ai, liên quan gì đến địa danh Cần Đước hay không? Mãi đến khi xem lại phần tiểu sử mới té ngửa ra là viết sai tên ông Lý Càn Đức (vua Lý Nhân Tông)…

Điều đáng nói là những lỗi sai kiểu như vậy đang ngày càng nhiều, càng phổ biến gây ức chế tâm lý cho người dân khi phải đọc, ngơ ngác, khó hiểu và buồn cười hay buồn bực với những lỗi sai. Và cứ mỗi lần như vậy lại có một cá nhân có trách nhiệm nào đó đứng ra nhận lỗi do sơ suất, do thiếu kiểm tra…

XUÂN THÂN

Tin cùng chuyên mục