Cấm doanh nghiệp đặt tên danh nhân: Quy định không phù hợp thì phải sửa

Như Báo SGGP đã phản ánh, việc Bộ VH-TT-DL ra Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL về việc hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc đã gây xôn xao dư luận. Bên hành lang Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết ông đã viết thư gửi Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đề nghị nên cân nhắc, đừng tạo ra một quy định khó xử.* Phóng viên:

Như Báo SGGP đã phản ánh, việc Bộ VH-TT-DL ra Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL về việc hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc đã gây xôn xao dư luận. Bên hành lang Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết ông đã viết thư gửi Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đề nghị nên cân nhắc, đừng tạo ra một quy định khó xử.

* Phóng viên:
Thưa ông, rất nhiều ý kiến không đồng tình với quy định cấm dùng tên danh nhân đặt cho doanh nghiệp. Quan điểm của ông về vấn đề này?

* Ông DƯƠNG TRUNG QUỐC: Thông tư của Bộ VH-TT-DL là để thực hiện Nghị định của Chính phủ ban hành từ lâu rồi. Việc đó có thể bắt nguồn từ một mục tiêu rất tốt là nhằm tránh sự lạm dụng hoặc gây phản cảm, nhất là đối với một số ngành nghề, kể cả đối với một số doanh nghiệp gặp những biến cố tiêu cực. Nhưng rõ ràng, quy định này chưa được chuẩn bị chín chắn. Rất nhiều câu hỏi mà chúng ta chưa trả lời được.

Ví dụ, trong lịch sử, khi ta nói đến nền kinh tế thời kỳ kháng chiến chống Pháp, không ai không nhắc đến Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ ở trên chiến khu; rồi thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, không ai không tự hào về Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo… Việc đặt tên đó là một cách tôn vinh. Hoặc như nếu coi giáo dục tư thục cũng là một phần của kinh doanh thì bao nhiêu trường học mang tên danh nhân sẽ được xử lý như thế nào?

* Vậy theo ông, phải xử lý vấn đề này ra sao?

* Doanh nghiệp đặt bằng tên của danh nhân lịch sử có 2 mục đích: tôn vinh (nhất là lấy nhân vật gắn liền địa phương, lĩnh vực mình hoạt động) và mục đích thứ hai là định vị về địa lý (ví dụ phòng khám nha khoa của tôi ở phố Nguyễn Du để phân biệt với một bệnh viện nha khoa khác ở phố Trần Hưng Đạo)… Vậy bây giờ chúng ta thay đổi thì liệu có phiền phức không.

Khi đặt vấn đề này, dư luận xã hội và nhất là các doanh nghiệp phản ứng… cũng làm cho Bộ VH-TT-DL lúng túng. Cách giải thích: Cái gì đã có rồi thì thôi, kể từ nay không làm nữa cũng chưa ổn. Đó là chưa kể tới chuyện là đến giờ cũng chưa có chuẩn nào về danh nhân, chưa có chuẩn nào là nhân vật tiêu cực thì điều đó cực kỳ phức tạp.

Thế nên cần nhất là nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong việc lựa chọn danh nhân để đặt tên. Hoặc một số ngành nghề thì tránh đi. Khi cá nhân đi đăng ký mở doanh nghiệp thì chúng ta tư vấn cho họ chứ không nên ngăn cấm, nhất là khi chưa biết mục đích của họ làm gì. Còn đương nhiên, khi đặt tên đó chắc người ta suy nghĩ rất kỹ rồi. Vì thương hiệu cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp. Nếu có gì đó không bình thường thì ta nên làm công tác tư vấn nhiều hơn là trở thành một văn bản pháp luật để cấm.

* Theo ông, có cần thiết phải chỉnh sửa hay thu hồi lại văn bản này hay không?

* Tôi đã viết thư gửi Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đề nghị nên cân nhắc, đừng tạo ra quy định gì khó xử, nhất là trong lúc này nó cũng là một phần của thủ tục cho doanh nghiệp mà chúng ta đang muốn tháo gỡ. Bộ ban hành thông tư để thực hiện một nghị định của Chính phủ nhưng không phải vì thế mà chúng ta không điều chỉnh. Nhất là khi dư luận đóng góp ý kiến thì Bộ VH-TT-DL nên lắng nghe và báo cáo Chính phủ.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục