Dự án Nét Việt - Tôn vinh trang phục, văn hóa các dân tộc

Ý tưởng sưu tầm, giới thiệu trang phục 54 dân tộc Việt Nam với giới trẻ, học sinh, sinh viên, của biên đạo múa Lê Ngô Bảo Việt ra đời cách đây hơn 4 năm, xuất phát từ những chuyến rong ruổi từ Nam ra Bắc làm nghệ thuật. Tuy nhiên, dự án đành tạm dừng trong  2 năm vì nhiều nguyên nhân. Đến nay, với quyết tâm và hỗ trợ hết mình của ê kíp 10 người trẻ tuổi, dự án phi lợi nhuận này đã và đang tiếp tục được thực hiện.
Dự án Nét Việt - Tôn vinh trang phục, văn hóa các dân tộc

Ý tưởng sưu tầm, giới thiệu trang phục 54 dân tộc Việt Nam với giới trẻ, học sinh, sinh viên, của biên đạo múa Lê Ngô Bảo Việt ra đời cách đây hơn 4 năm, xuất phát từ những chuyến rong ruổi từ Nam ra Bắc làm nghệ thuật. Tuy nhiên, dự án đành tạm dừng trong  2 năm vì nhiều nguyên nhân. Đến nay, với quyết tâm và hỗ trợ hết mình của ê kíp 10 người trẻ tuổi, dự án phi lợi nhuận này đã và đang tiếp tục được thực hiện.

NSƯT Quế Trân trong trang phục dân tộc Pa Dí.

Đam mê trang phục truyền thống

Từ khi bước chân vào nghề múa cách đây 12 năm và sau đó thành lập vũ đoàn Phương Việt, biên đạo múa Lê Ngô Bảo Việt (Lê Việt) đã tâm huyết và thể hiện niềm say mê của mình với nghệ thuật múa dân gian dân tộc.

Nhân mỗi chuyến đi tham gia dàn dựng múa, biên tập các chương trình nghệ thuật, ở nhiều tỉnh thành, Lê Việt lại tranh thủ kéo dài ngày công tác, nhất là khu vực các tỉnh vùng cao phía Bắc, để tìm hiểu, nghiên cứu và tiếp thu những nét đẹp văn hóa, cuộc sống, phương pháp thực hiện các bộ trang phục truyền thống các dân tộc…

Sự mạnh dạn sáng tạo, chịu khó tìm tòi của Lê Việt đã giúp vũ đoàn Phương Việt hoạt động ngày càng sôi nổi, với tần số xuất hiện, góp mặt trong các chương trình nghệ thuật ngày càng dày đặc. Anh đã xây dựng phong cách biểu diễn múa đẹp mang nét đặc trưng rất riêng của Phương Việt. Từ các tác phẩm múa độc lập Chè dây, Lời then mẹ kể, Kẹ tạ chi, Mèo Vạc vào hội, Huyền thoại Pa Dí… đến những màn biểu diễn duyên dáng trong các chương trình truyền hình. Tất cả đã tạo nên thương hiệu vũ đoàn Phương Việt gắn liền với tên biên đạo múa trẻ Lê Việt.  

Không dừng ở đó, niềm đam mê mà anh ấp ủ bấy lâu từng bước được thực hiện: Tiến hành dự án sưu tầm, quảng bá, giới thiệu trang phục truyền thống các dân tộc đến các bạn trẻ, giúp học sinh, sinh viên, thanh niên được tiếp cận gần hơn với vẻ đẹp văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Để có được những bộ trang phục dân tộc truyền thống ấy, Lê Việt cùng một số bạn trẻ trong nhóm làm dự án đã đến tận các bản làng ở các tỉnh thành, tìm kiếm, năn nỉ mua lại các trang phục truyền thống. Trong quá trình dày công sưu tầm, có không ít trang phục đến nay đã không còn trong cuộc sống thường nhật, khiến các bạn trẻ không khỏi tiếc nuối.

Đến thời điểm này, dự án đã có được 12 bộ trang phục truyền thống các dân tộc: Khmer, Chăm, Ê Đê, Pa Dí, Tày, Nùng, Sa phó, Thái, Giáy, Lự, H’Mông đen… được NSƯT Quế Trân, MC Quỳnh Hoa, diễn viên Vân Trang, Lê Bê La, á hậu Hoàng Oanh, ca sĩ Minh Thư, doanh nhân Kim Sa, siêu mẫu Quanh Đi… mặc làm người mẫu ảnh, thể hiện vẻ đẹp sinh động, đa sắc, duyên dáng của các trang phục dân tộc.  

Một dự án phi lợi nhuận ý nghĩa

Biên đạo múa Lê Việt, nhạc sĩ Võ Hoài Phúc, biên kịch Huỳnh Tuấn Anh, giảng viên khoa mỹ thuật công nghiệp Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng Trần Anh Vũ, đạo diễn điện ảnh Nguyễn Tấn Trực, đạo diễn sân khấu Phan Ngọc Thức, nhiếp ảnh Bảo Lê, thiết kế thời trang - đạo diễn sân khấu Hứa Mẫn… đã cùng hợp tác, phân chia công việc, lên kế hoạch chi tiết với từng giai đoạn cụ thể tiến hành thực hiện dự án phi lợi nhuận này.

Biên đạo múa Lê Việt, Giám đốc dự án, chia sẻ: “Ước mơ ban đầu của tôi chỉ nhỏ thôi, với mong muốn có đủ điều kiện, tài lực để thực hiện niềm khát khao sưu tầm, giới thiệu nét đẹp độc đáo của các trang phục truyền thống dân tộc đến với giới trẻ. Việc làm này sẽ giúp các em học sinh, sinh viên hiểu hơn về văn hóa cũng như trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam. Không chỉ vậy, dự án phi lợi nhuận này còn hướng đến mục đích quảng bá nét đẹp văn hóa các dân tộc Việt Nam đến với du khách quốc tế thông qua kênh giao lưu, trao đổi văn hóa với các đại sứ quán Canada, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Singapore… Đến giờ phút này, chi phí thực hiện công tác sưu tầm đã vượt qua con số 100 triệu đồng. Chúng tôi rất hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân, để dự án có thể hoàn thành đúng tiến độ như dự kiến: ra mắt và tổ chức trưng bày triển lãm vào dịp 30-4-2015.

Còn nếu kinh phí eo hẹp, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục làm dự án, chỉ có điều, thời gian sẽ kéo dài thêm 1, 2 năm nữa. Trong hoạch định, tôi ước muốn sưu tầm được khoảng 70 bộ, sau đó sẽ thực hiện tập sách ảnh các trang phục dân tộc Việt Nam. Số tiền thu được từ việc phát hành tập sách ảnh này sẽ góp vào Quỹ học bổng Vừ A Dính. Tôi thấy mình may mắn khi gặp và kết hợp được với những bạn trẻ có cùng chí hướng, niềm đam mê văn hóa dân tộc, mong muốn được góp sức giữ gìn, tôn vinh, quảng bá vẻ đẹp các dân tộc Việt Nam rộng rãi trong cộng đồng và mở rộng ra quốc tế”.

Với tâm tư và khát khao đó, ý tưởng và cách làm khá liều, bạo gan, chất đầy nhiệt huyết của những người trẻ yêu văn hóa dân tộc, say mê vẻ đẹp độc đáo của các trang phục truyền thống cũng mong nhận được sự hỗ trợ thêm từ phía các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý văn hóa như Sở VH-TT-DL TPHCM, Sở GD-ĐT TPHCM, các đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên ngành, để dự án được tiếp tục tiến hành thực hiện, hoàn thành đúng tiến độ và có những điều kiện thuận lợi trong hoạt động trưng bày triển lãm, tuyên truyền, giới thiệu đến các trường học.

Khi chương trình đến với các trường học từ cấp 2, đến ĐH, đều có nghệ sĩ nổi tiếng tham gia trong vai trò đại sứ của dự án, cùng giao lưu, trò chuyện với các bạn học sinh, giới thiệu văn hóa, trang phục các dân tộc, bên cạnh đó là những tiết mục ca múa nhạc đậm dấu ấn bản sắc văn hóa các dân tộc anh em. Dự kiến xa hơn, sau khi trưng bày, triển lãm, giới thiệu bộ sưu tập trang phục truyền thống các dân tộc tại TPHCM, ê kíp thực hiện dự án sẽ tiếp tục tôn vinh vẻ đẹp trang phục truyền thống dân tộc tại một số tỉnh thành.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục