“Sốc văn hóa” với truyền hình thực tế

Chương trình truyền hình thực tế từ lâu không còn xa lạ với khán giả Việt khi từng làm mưa làm gió trên các kênh truyền hình bởi yếu tố mới lạ, tính tương tác, độ hấp dẫn… Thế nhưng hiện nay, bên cạnh số lượng vẫn phát triển với tốc độ phi mã, các chương trình truyền hình thực tế đang loay hoay tìm kiếm những cách thức tích cực mong giữ được chất lượng và độ quan tâm yêu thích của khán giả.

Giữ như thế nào còn phụ thuộc vào chính chương trình mang lại cho khán giả. Nét văn hóa thuần Việt có còn giữ được trong các chương trình truyền hình thực tế,  đó là câu hỏi đáng bàn không chỉ là của nhà sản xuất mà còn của chính đối tượng khán giả.

Ở một số chương trình truyền hình thực tế, văn hóa ứng xử giữa các giám khảo và thí sinh khiến nhiều khán giả bị ngỡ ngàng. Những phát ngôn gây sốc trong các chương trình truyền hình thực tế cũng không phải là ít, hay thậm chí có những chương trình mà  trang phục của người tham gia trái với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Như trong chương trình “Người giấu mặt”, khán giả được phen choáng váng với màn cởi đồ của thí sinh nữ; hay việc bóp méo giới tính của thí sinh để làm trò mua vui cho khán giả.

Đối với lứa tuổi thiếu nhi, nhiều nhà sản xuất chương trình đã cho ra đời một loạt các chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em nhưng lại chưa phù hợp với lứa tuổi măng non. Để tìm được một số ca khúc thiếu nhi tốt trong các chương trình truyền hình thực tế này quả là mò kim đáy bể, những thí sinh nhí này còn vô tư trình diễn những vũ điệu dành cho người lớn...

Một vấn đề nổi cộm khác chính là văn hóa bản quyền. Ở vòng liveshow 4 của chương trình “Nhân tố bí ẩn”, thí sinh Quang Đại đã sử dụng ca khúc “Tìm lại bầu trời”, một sáng tác của nhạc sĩ Khắc Việt đã được ca sĩ Tuấn Hưng mua độc quyền. Sau vụ việc trên, ban tổ chức chương trình đã chủ động liên lạc với Khắc Việt và Tuấn Hưng để xin lỗi về sơ suất ngoài ý muốn.

Mới đây nhất, trong vòng bán kết chương trình “Nhân tố bí ẩn”, nhóm Fband trình diễn ca khúc mang hơi thở núi rừng Tây Nguyên nhưng lại  sử dụng chiếc khăn Piêu của dân tộc Thái ở Tây Bắc như một chiếc khố. Đây không chỉ do sự thiếu hiểu biết về kiến thức văn hóa của người biểu diễn mà còn do sơ suất của những người làm chương trình, khâu kiểm duyệt chưa kỹ lưỡng, hay thậm chí chương trình “Vua đầu bếp” cũng khiến khán giả kinh hãi với màn... chặt đầu con ba ba như phim kinh dị, nhất là khi góc máy quay cận cảnh việc giết con ba ba của thí sinh.

Mặc dù vậy, sau mỗi vụ việc nổi cộm trên, chưa thấy chương trình nào bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc. Những lời xin lỗi, giải thích được đưa ra rồi lại bị  rơi vào quên lãng.

Để xem truyền hình thực tế tại Việt Nam phù hợp với văn hóa Việt, các nhà quản lý văn hóa cần xử lý các vi phạm mạnh và kịp thời hơn, để những chuyện phản cảm, thiếu văn hóa không còn tiếp diễn trên các chương trình truyền hình phủ sóng quốc gia.

THÀNH SƠN

Tin cùng chuyên mục