Hội chứng trả bằng di tích?

Sau vụ việc nhiều người dân sinh sống tại làng cổ Đường Lâm cùng ký đơn đòi được trả lại bằng di tích thì những ngày đầu tháng 7 này, một lần nữa dư luận xôn xao vì thông tin chủ sở hữu hơn 10 nhà cổ ở Đồng Văn- Hà Giang cũng mong muốn được trả lại bằng di tích cấp quốc gia. Phải chăng “trả bằng công nhận di tích” đã trở thành hội chứng lây lan?

Sau vụ việc nhiều người dân sinh sống tại làng cổ Đường Lâm cùng ký đơn đòi được trả lại bằng di tích thì những ngày đầu tháng 7 này, một lần nữa dư luận xôn xao vì thông tin chủ sở hữu hơn 10 nhà cổ ở Đồng Văn- Hà Giang cũng mong muốn được trả lại bằng di tích cấp quốc gia. Phải chăng “trả bằng công nhận di tích” đã trở thành hội chứng lây lan?

Phố cổ Đồng Văn nằm ở trung tâm huyện Đồng Văn (Hà Giang) là địa chỉ du lịch văn hóa nổi tiếng. Phố cổ hình thành và được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX. Đây là nơi cư trú và giao thương, sinh hoạt văn hóa của các dân tộc như Tày, Nùng, Dao, Kinh và người Hoa trên mảnh đất địa đầu của Tổ quốc. Không có bề dày lịch sử như khu phố cổ Hà Nội hay phố cổ Hội An, nhưng phố cổ Đồng Văn lại có những nét độc đáo riêng của vùng cao nguyên đá. Những ngôi nhà cổ tại đây tuy còn nguyên trạng nhưng đã xuống cấp.

Theo tài liệu của UBND huyện Đồng Văn, khu phố cổ Đồng Văn hiện nay còn khoảng 40 ngôi nhà cổ. Trong đó cổ nhất là 2 ngôi nhà của dòng họ Lương, có niên đại tới 300 năm, những ngôi nhà còn lại khoảng 100 năm. Tổng thể kiến trúc các ngôi nhà cổ được xây dựng theo lối kiến trúc 2 tầng. Vật liệu gồm các cột, sàn nhà bằng gỗ nghiến, gỗ lim, tường đất dày 40 - 50cm bảo đảm mùa đông thì ấm, mùa hè mát. Nền đất, mái nhà gồm hai phần (trước, sau) lợp ngói âm dương, loại ngói đặc trưng của các dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc. Khuôn viên nhà được bố cục hài hòa từ cổng, nhà chính, bếp ăn, nhà kho, công trình phụ… đều sắp xếp tuân thủ theo phong thủy truyền thống. Tường của các nhà cổ đều được trình đất dày 40 - 50cm.

Ngoài yếu tố thời gian, một nguyên nhân khách quan nữa dẫn đến sự xuống cấp của khu phố cổ là do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt của cao nguyên. Vấn đề bảo tồn khu phố cổ Đồng Văn gặp nhiều khó khăn. Người dân sống trong những ngôi nhà cũ, gặp nhiều khó khăn bất tiện vì phải giữ nguyên hiện trạng nhà và không đủ kinh phí để sửa chữa, cơi nới theo đúng kiểu kiến trúc cổ. Về phía chính quyền địa phương cũng đã bước đầu khảo sát từng nhà, đánh giá hiện trạng, đưa ra định hướng để bảo tồn… nhưng chưa có hoạt động cụ thể nào, do thiếu kinh phí.

Năm 2011, khi đoàn phóng viên đến với phố cổ Đồng Văn, bà Lý Thị Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện khi đó thở dài cho biết: “Chúng tôi cũng đã vận động hết sức mình, nhưng nhà trên phố được xây bằng đất, mỗi căn nhà tuổi đời cũng ngót một trăm năm, mùa mưa đến gần, nếu cứ bắt dân ở mãi trong ngôi nhà cổ sẽ rất nguy hiểm”. Năm 2008, để bảo tồn phố cổ, UBND huyện đã dành hẳn một diện tích lớn, ven theo bờ suối Đồng Văn làm quỹ đất giãn dân. Hồi đó, UBND huyện đã mời những chuyên gia quy hoạch và thiết kế ở Hà Nội về giúp. Nhưng rồi các chuyên gia cứ ngồi ở giữa thủ đô mà phóng bút. Thành ra, quy hoạch quá hoành tráng, trong khi con suối Đồng Văn kia vốn chả to tát gì. Thế là cho đến giờ dự định này vẫn còn ngổn ngang.

Trải qua những biến cố lịch sử cũng như những tác động của tự nhiên, nhiều ngôi nhà cổ với những hạng mục như móng, đường hiên, tường bằng đất trộn cát, vôi; những góc xây bằng gạch nung, gạch mộc, vòm cửa, cửa sổ, bậc thềm, cầu thang, các sàn nhà bằng gỗ quý... có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Chính vì thế, có thể hiểu được vì sao người dân ở nhà cổ Hà Giang lại đòi trả lại danh hiệu di tích. Trước hiện tượng một số hộ dân đòi trả lại danh hiệu, ông  Hoàng Văn Kiên, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Giang cho biết, dự kiến vào cuối năm 2013, tỉnh Hà Giang mới có thể huy động 3 tỷ đồng để trùng tu khẩn cấp 10 căn nhà cổ đang xuống cấp nghiêm trọng - cho dù số liệu cho thấy có ít nhất 18 ngôi nhà cổ trên 100 tuổi đang ở vào diện này.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục