Đừng sống trong xã hội ảo…

Trong những năm gần đây, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện khá nhiều những lời bình luận, chê trách, chỉ trích xã hội, cuộc sống, tình đời, tình người… theo kiểu a dua, ăn theo của một bộ phận cư dân mạng. Cách nhìn các sự việc, vấn đề theo một chiều, khiếm khuyết và thiếu định hướng ấy đang có sự lan tỏa, gây ảnh hưởng không tốt đến đời sống tinh thần, quan điểm sống đối với cộng đồng, xã hội của không ít công dân trẻ.

Trong những năm gần đây, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện khá nhiều những lời bình luận, chê trách, chỉ trích xã hội, cuộc sống, tình đời, tình người… theo kiểu a dua, ăn theo của một bộ phận cư dân mạng. Cách nhìn các sự việc, vấn đề theo một chiều, khiếm khuyết và thiếu định hướng ấy đang có sự lan tỏa, gây ảnh hưởng không tốt đến đời sống tinh thần, quan điểm sống đối với cộng đồng, xã hội của không ít công dân trẻ.

Tại một số trang mạng xã hội, khi một ai đó có lời chỉ trích hiện tượng xấu đã, vừa và đang xảy ra, ngay lập tức sẽ nhận hàng loạt lời bình luận, trong đó không ít lời bình bày tỏ sự chán nản, bất nhẫn với góc nhìn chua chát, cay đắng về cuộc đời, tình người. Chưa kể, một số cá nhân chống đối nhà nước đã lợi dụng các trang mạng xã hội để phát tán tư duy sai trái, lệch lạc bằng những lời bình luận cay độc, lời nhận xét thóa mạ, quy chụp… Từ đây, không ít quan điểm của nhiều bạn trẻ bị phát triển lệch lạc, nảy sinh lối suy nghĩ coi thường các giá trị tốt đẹp mà toàn thể cộng đồng xã hội đã làm được trong bao nhiêu năm chung tay xây dựng, đổi thay đất nước.

Và hiện tượng người trẻ ngày nay thường ngồi một chỗ, nhìn đời qua các cổng thông tin điện tử, thích được sống trong xã hội ảo để nhận định xã hội thực tiễn là một sai lầm rất lớn cho quá trình hình thành tư duy, quan điểm, phát triển nhân cách, lối sống…

Thực tế, trong sự phát triển chung của xã hội, bên cạnh các vấn đề chưa tốt thì giữa đời thường, cuộc sống vẫn luôn có nhiều điều tốt đẹp diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Ví dụ như chuyện một chị nghèo bán hột vịt lộn trên đường Trần Quốc Toản, quận 3, TPHCM thỉnh thoảng lại nấu 50 hộp mì xào để sẻ chia một phần khó khăn với những người nghèo hơn. Chị em nhà chị Ngọc Hạnh ở đường Bà Hạt quận 10, thường nấu 150 suất ăn từ thiện phát tại các bệnh viện vào những ngày rằm, mùng một. Chị Xuân bán thịt heo ở chợ Nguyễn Tri Phương hay cùng nhóm thiện nguyện tổ chức các chuyến đi nấu ăn miễn phí phục vụ người già neo đơn, trẻ em mồ côi, bệnh nhân tâm thần, bệnh nhân phong.

Bây giờ, những suất cơm trưa 2.000 đồng xuất hiện ở nhiều nơi với những tình cảm và sự sẻ chia đầy tính nhân văn. Đâu đó người đi đường hay bắt gặp hình ảnh một bạn trẻ ân cần, cẩn thận dẫn cụ già qua đường. Nhiều thanh niên, công nhân, người lao động, em học sinh nghèo nhặt được của rơi trả lại cho người bị mất… Những nghĩa cử tốt đẹp, ý nghĩa đối với cuộc đời ấy vẫn luôn hiện diện trong xã hội, chuyển tải những giá trị cao quý của đời sống văn hóa, tình nghĩa của người dân thành phố.

Với những hiện tượng đang tồn tại, rất cần các cơ quan ban ngành chức năng nâng cao vai trò quản lý các trang mạng xã hội, nhà trường và gia đình quan tâm sâu sát hơn nữa sự phát triển của con trẻ, giúp các em - thế hệ tương lai của đất nước nâng cao tư duy, kiến thức văn hóa - xã hội... Tuổi trẻ là phải đi, tiếp cận, mở rộng tầm nhìn cuộc sống để tiếp thu những giá trị nhân văn, tốt đẹp từ thực tiễn.

Từ đó thế hệ tuổi trẻ mới phát triển toàn diện hơn về trí, lực, quan điểm sống, ra sức đóng góp xây dựng quê hương ngày một phát triển, thêm giàu đẹp, đồng thời để hun đúc và nuôi dưỡng tình cảm thiêng liêng dành cho quê hương, Tổ quốc - nơi mình sinh ra, lớn lên, được sống an bình, hạnh phúc! 

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục