Liên kết xuất bản, hy vọng thì tương lai

Khoán trắng, bất bình đẳng
Liên kết xuất bản, hy vọng thì tương lai

“Nghe thì như chuyện hài hước, nhưng thực tế hiện nay có những nhà xuất bản (NXB) đứng tên xuất bản sách nhưng không có cuốn sách nào trong tay để nộp lưu chiểu”- Cục trưởng Cục Xuất bản Chu Văn Hòa đã nêu ra một hình ảnh lạ đời nhưng có thật trong hoạt động liên kết xuất bản hiện nay. Năm 2013, với Luật Xuất bản mới, liệu liên kết xuất bản có đi vào con đường chuyên nghiệp, lành mạnh hơn?

Sách liên kết đang chiếm lĩnh thị phần sách trong nước.

Sách liên kết đang chiếm lĩnh thị phần sách trong nước.

Khoán trắng, bất bình đẳng

Có một thực tế hiện nay là hệ thống các NXB trong nước đang xuống cấp nghiêm trọng, cả nước có đến 64 NXB trên tổng số 63 tỉnh thành. Thế nhưng, chỉ tính riêng năm 2012 chỉ có 5 NXB là làm trên 60% kế hoạch đăng ký và cũng chỉ khoảng từng đó NXB kinh doanh có lãi, còn lại đều báo lỗ! Không có vốn thì không có kinh phí tìm mua bản quyền sách, không có lương trả cho nhân viên, biên tập viên, thậm chí còn không có cả chi phí duy trì trụ sở hoạt động… Và với nhiều NXB, khoản thu khi cấp giấy phép xuất bản (quản lý phí) trở thành nguồn thu quan trọng nhất. Để thu hút đối tác, một số NXB đã chấp nhận bỏ qua tất cả các quy trình xuất bản, khoán trắng hoàn toàn cho đối tác. Cũng vì thế, đến sách để nộp lưu chiểu mà nếu đối tác không đưa thì bản thân NXB cũng không có mà nộp chứ đừng nói đến kiểm tra xem sách có sai sót, vi phạm gì không!?

Ông Dương Thành Truyền, đại diện NXB Trẻ, cho biết thêm, sự không bình đẳng còn nằm ở việc chịu trách nhiệm khi xảy ra sai sót. Dĩ nhiên, trách nhiệm của NXB thì đã rõ nhưng trách nhiệm của phía đối tác lại rất mờ nhạt. Thế là khi xảy ra chuyện, NXB điêu đứng còn đối tác ung dung đi tìm NXB khác để liên kết tiếp và tiếp tục tái diễn sai sót. Ông Truyền đề xuất, các đối tác liên kết thường rất xem trọng lợi nhuận, các biện pháp xử lý có thể đánh thẳng vào kinh tế, thậm chí nếu tái phạm nhiều lần có thể bác tư cách liên kết một thời gian.

Ai cũng thấy và ai cũng biết nguyên nhân của tình trạng nhiều NXB buông lỏng quản lý, mặc tư nhân lộng hành. Cũng chính vì thế, trong Luật Xuất bản mới được Quốc hội thông qua ngày 20-11-2012 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2013 đã dành khá nhiều chỗ trong việc nâng cao năng lực của các NXB.

Về phương diện cơ sở vật chất, luật quy định rõ NXB phải có diện tích ít nhất 200m2, có đầy đủ các trang thiết bị bảo đảm thực hiện tổ chức, biên tập, đọc duyệt bản thảo, quản lý hồ sơ xuất bản. Đối với các NXB có tham gia xuất bản điện tử còn phải có thêm điều kiện về trang thiết bị với mức đầu tư tối thiểu là 10 tỷ đồng. Về mặt hoạt động, theo luật, NXB phải có đủ kinh phí để trong 3 năm đầu, mỗi năm phải xuất bản tối thiểu 30 xuất bản phẩm. Điều này để tránh thực trạng một số NXB sau khi thành lập, cả năm chỉ xuất bản 1 - 2 cuốn sách, thậm chí có NXB còn không làm nổi một cuốn sách nào.

Chuẩn biên tập viên?

Một trong những yếu tố quan trọng nhất của một NXB là đội ngũ biên tập viên (BTV). Trước đây, luật chỉ quy định chung chung là có bao nhiêu BTV là đủ. Với luật mới, BTV được quy định cụ thể hơn về trình độ, nhận thức chính trị, hiểu biết pháp luật và năng lực chuyên môn. Đặc biệt là BTV phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ TT-TT cấp sau khi tham dự các lớp đào tạo, kiểm tra do Bộ TT-TT, Cục Xuất bản tổ chức.

Luật mới cũng có một điểm đáng chú ý khác là việc cho phép các đối tác liên kết được phép biên tập sơ bộ trước khi đưa NXB biên tập lần cuối. Để có thể biên tập sơ bộ, BTV của các đối tác cũng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề như BTV ở các NXB. Liên kết xuất bản là một chủ trương đúng đắn nhằm xã hội hóa công tác xuất bản, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành xuất bản trong nước. Đó là về lý thuyết chung, tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, sự tùy tiện, yếu kém của nhiều NXB đã làm xấu đi hình ảnh của liên kết xuất bản. Hàng loạt cuốn sách có nội dung xấu xuất hiện trên thị trường thời gian qua là hệ quả của một quá trình buông lỏng quản lý ở các đơn vị chủ quản, sự tùy tiện của một số NXB.

Luật Xuất bản mới được trông chờ sẽ đem lại những thay đổi quan trọng trong ngành xuất bản. Đã có nền tảng pháp lý, vấn đề còn lại là sự nghiêm túc, trách nhiệm của các đơn vị thực thi.

  • Nỗi lo biên tập

“Sách sai, phải thu hồi nhưng chúng tôi còn không dám bắt BTV phải đền vì nếu làm thế, chẳng còn ai để làm BTV nữa” ông Hoàng Trọng Quang, Tổng biên tập NXB Y học, chua xót cho biết. Hiện nay, thu nhập của BTV ở các NXB rất thấp trong khi đó yêu cầu lại rất cao như ở NXB Y học thì cần trình độ y khoa, NXB Văn học thì cần trình độ văn chương… trách nhiệm lại nặng nề. Chính vì thế, đại diện các NXB còn đề nghị song song với các biện pháp nâng cao nghiệp vụ, cũng cần chú ý nâng cao cả đãi ngộ cho đội ngũ BTV.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục