Tình yêu của Hiếu Mường

Việc Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao giải Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục năm 2012 cho họa sĩ Vũ Đức Hiếu chính là sự ghi nhận xứng đáng nhất cho tình yêu lớn mà Hiếu đã dành cho văn hóa Mường.
Tình yêu của Hiếu Mường

Việc Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao giải Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục năm 2012 cho họa sĩ Vũ Đức Hiếu chính là sự ghi nhận xứng đáng nhất cho tình yêu lớn mà Hiếu đã dành cho văn hóa Mường.

  • Duyên và nghiệp của người bỏ phố lên rừng

Cho đến giờ, Hiếu vẫn không thể giải thích được tại sao anh, một chàng trai Hà Nội, tốt nghiệp thủ khoa Khoa Tạo dáng Đại học Mỹ thuật công nghiệp, tốt nghiệp loại giỏi Khoa Lý luận phê bình Đại học Mỹ thuật Hà Nội, có nhiều năm làm báo, vẽ tranh, đi buôn, phát triển trang trại, mở quán cà phê... cuối cùng lại chọn một trang trại dưới chân dốc Cun cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 7km để làm nơi lập nghiệp. Anh bảo nếu nói theo nhà Phật thì đó là một chữ “duyên”. Cái duyên đã khiến anh “bỏ phố lên rừng”, trút toàn bộ tuổi xuân, gia sản, tâm huyết vào việc gìn giữ từ những chi tiết nhỏ nhất trong văn hóa Mường.

Anh tâm sự: “Khi còn nhỏ, ở bất cứ đâu tôi đều gặp những người phụ nữ Mường mặc trang phục truyền thống của họ, nhất là những ngày chủ nhật chợ phiên của cái thị xã nhỏ bé này, bà con ở các làng bản quanh đó tụ họp như đi hội, rất nhiều những nông, lâm, thổ sản được mang ra để trao đổi mua bán... Một tộc người có lịch sử lâu dài, ít nhất từ nền văn hóa Hòa Bình cách đây hơn 10.000 năm, tộc người mà qua đó người ta có thể thấy nguồn gốc của người Việt Nam hiện nay. Tộc người có Trống đồng, có Mo Mường, có sử thi Đẻ đất Đẻ nước nói về sự hình thành và ra đời của dân tộc, có nếp sống thanh bình, trung gian giữa các sắc tộc khác và người Kinh... Vậy mà đi khắp các bản Mường quanh thành phố Hòa Bình đâu cũng là nhà xây với nhiều kiểu kiến trúc mới. Chúng ta không còn gặp những nếp nhà sàn yên bình nép mình trong những vườn cây, không còn hình ảnh những cô gái Mường thướt tha trong trang phục truyền thống. Còn đâu những làn điệu ru con của các mẹ, các mế, còn đâu những làn điệu hát đối, hát đúm.. của nam nữ thanh niên với những lời ca tình tứ”. Vì thế, ý tưởng xây dựng một không gian gìn giữ văn hóa Mường đã ra đời và dần trở thành mục tiêu sống của người họa sĩ trẻ Đức Hiếu.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu (thứ 2 từ phải qua) nhận giải thưởng Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục. Ảnh: TƯỜNG VÂN

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu (thứ 2 từ phải qua) nhận giải thưởng Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục. Ảnh: TƯỜNG VÂN

  • Cơ ngơi từ mì tôm, cháo trắng

Giờ đây, bất cứ ai khi bước đến cơ ngơi của Hiếu Mường đều không khỏi choáng ngợp bởi sự chăm chút kỹ lưỡng của chủ nhân. Bảo tàng không gian văn hóa Mường của anh tọa lạc trên khu đồi rộng hơn 2ha, là một khu trưng bày hơn 1.000 hiện vật văn hóa người Mường mà anh đã lọ mọ sưu tầm hơn 10 năm trời và các khu nhà Lang, Ậu, Nóc, Trọi, khu vườn trồng cây thuốc của người Mường... Khó có thể nói hết bao nhiêu vất vả anh đã trải qua khi dấn thân vào cuộc phiêu lưu này, từ lúc khuân từng viên đá, lợp từng nóc nhà sàn, thuê từng chiếc máy xúc về khoét lòng đồi để tạo thành khu sinh hoạt… đến mỗi cóng nước, góc vườn đều thấm đẫm bao mồ hôi công sức của anh. Đã có lúc Hiếu cùng nhân viên đã sẻ nhau từng gói mì tôm, từng chén cháo trắng cầm hơi để qua đận gian khó.

Có thể nói Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, là một trung tâm trưng bày và lưu giữ quý giá về văn hóa dân tộc Mường ở mảnh đất Hòa Bình nói riêng và của tộc người Mường sinh sống trên mảnh đất Việt Nam nói chung. Khách du lịch đến đây không chỉ để tham quan, giải trí mà còn để tìm hiểu, nghiên cứu về một dân tộc có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời. Vì vậy, từ nhân dân các miền trong cả nước, đến khách nước ngoài, từ sinh viên đến các nhà khoa học đều có thể tìm thấy sự hấp dẫn ở đây. Mọi người không chỉ nhìn, ngắm, xem mà còn được thật sự hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Mường (được mời từ các vùng Mường ra sinh sống).

Hiếu tâm sự, hiện nay bảo tàng còn lưu giữ một số hiện vật quý hiếm như ngôi nhà Lang cột chôn sâu, có kết cấu gỗ không mộng, các xà ngang được đẽo hình lục giác và chỉ gác lên cột gốc giống như các khớp xương động vật. Dựng cột chiếm nhiều thời gian nhất trong quá trình xây cất nhà. Khi đất có biến động, ngôi nhà dao động mà không bị xô đổ hay vỡ. Đó là một trong số rất nhiều phần nổi, còn phần chìm, là những di sản văn hóa phi vật thể, Hiếu cũng đang dày công để giữ lại. Nhưng anh cũng có những nuối tiếc và buồn vì ngày càng hiếm những thanh niên người Mường hiểu biết kỹ năng sống của cha ông, cũng như am hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc sinh ra họ. Các thầy mo, thầy thuốc, nghệ nhân đan lát, dựng nhà, dệt vải còn sống chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bởi thế anh đang cố gắng làm sao để giữ lại những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc và hiếm quý cho người Mường càng nhanh càng tốt.

MAI AN 

(SGGP).- Tối 29-3, tại khách sạn REX đã diễn ra lễ trao giải thưởng Phan Châu Trinh lần thứ 6 do Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức. Họa sĩ Vũ Đức Hiếu, Giám đốc Bảo tàng không gian văn hóa Mường, đã đoạt giải “Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục” do những cố gắng bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Mường và thúc đẩy nghệ thuật Việt Nam đương đại.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục